Đầu tư tàu vỏ sắt phải dựa trên bài toán kinh tế của ngư dân

Ước mơ tàu sắt của ngư dân đang được hiện thực hoá khi tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân và cảnh sát biển. Trước đó, ngành ngân hàng cũng đã công bố dành gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt.
Đầu tư tàu vỏ sắt phải dựa trên bài toán kinh tế của ngư dân

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt nhận được sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi của dư luận trong nước. Bởi ngoài ý nghĩa kinh tế, mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền, họ giống như những chiến sỹ không quân hàm, cùng với lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển khẳng định và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Hiện cả nước có trên 28.000 tàu cá xa bờ, nhưng tàu vỏ sắt chiếm chưa đến 1%. Để khắc phục tình trạng tàu gỗ vươn khơi, giảm thiểu rủi ro về tính mạng và tài sản cho ngư dân, Chính phủ đã chủ trương đóng tàu vỏ sắt thay thế vỏ gỗ cho 3.000 tàu trên cả nước. Trước quyết định mới của Quốc hội, cả phía ngân hàng lẫn đơn vị đóng tàu đã sẵn sàng.

Vấn đề chỉ là cách thức triển khai như thế nào để chương trình này phát huy hiệu quả như mong muốn.

Trong quá khứ, chính sách hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân cũng từng được đưa ra. Cụ thể, năm 1997, Chính phủ triển khai chương trình đánh bắt xa bờ tại 29 tỉnh. Song trong số 1.000 tàu được cải tiến hoặc đóng mới, có đến 520 tàu đánh bắt không có lãi và 250 tàu nằm bờ, buộc chương trình phải kết thúc đầu năm 2006. Tiếp đó, năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình thí điểm đóng tàu sắt tại Quảng Ngãi, song đến nay kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Một trong những nguyên nhân làm hạn chế kết quả của Chương trình trên là cách triển khai chưa hợp lý, việc thiết kế tàu chưa phù hợp với thói quen và tập quán khai thác của ngư dân. Chính vì vậy, trong những lần lấy ý kiến gần đây, hầu hết ngư dân đều đề nghị được thiết kế tàu cá vỏ sắt phù hợp hơn với mục đích đánh bắt và điều kiện thực tiễn.

Cách đây vài ngày, UBND tỉnh Bình Định và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC (tiền thân là Vinashin) đã tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển đội tàu vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân. Hy vọng rằng, với Thỏa thuận hợp tác này, những mẫu tàu thiết kế sẽ phù hợp hơn với từng mục đích khai thác khác nhau của ngư dân, đồng thời chi phí đóng tàu sẽ được tính toán hợp lý hơn.

Cũng theo hướng đó, nhiều địa phương đề nghị, nên cho phép ngư dân chủ động ký hợp đồng với cơ sở đóng tàu và tham gia ở khâu thiết kế lẫn giám sát thực hiện. Việc tham gia quá trình này sẽ khiến ngư dân có ý thức, có trách nhiệm hơn với tài sản của mình. 

Một số chuyên gia cho rằng, nên thiết lập cơ chế ngư dân là cổ đông của tàu. Mỗi ngư dân đều được vay vốn ưu đãi và đều có trách nhiệm trả nợ, có như vậy, mới đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng và khai thác của tàu.

Ngoài ra, để đội tàu sắt xa bờ phát huy hiệu quả hoạt động, Chính phủ cần kịp thời bố trí vốn ngân sách đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão, hệ thống cung cấp hậu cần, thông tin liên lạc…

Hy vọng rằng, từ bài học thực tiễn của quá khứ, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu cách thức triển khai phù hợp, đồng bộ để chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đầu tư tàu sắt phù hợp với ý nguyện của ngư dân, phát huy hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Tin bài liên quan