Đầu tư tuần qua: 5 tỷ USD FDI trong hai tháng đầu năm và dự án 3.260 tỷ đồng tại Tiền Giang

Tiền Giang phê duyệt dự án giao thông vốn đầu tư trên 3.260 tỷ đồng; Hai tháng, thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài;… là những thông tin về đầu tư đáng chú ý tuần qua.
Đầu tư tuần qua: 5 tỷ USD FDI trong hai tháng đầu năm và dự án 3.260 tỷ đồng tại Tiền Giang

Cần Thơ đề xuất bổ sung 300 tỷ đồng thực hiện 3 dự án giao thông mới

UBND TP. Cần Thơ đề xuất bổ sung 300 tỷ đồng để triển khai thực hiện công tác bồi thường, phấn đấu khởi công 3 dự án mới trong năm 2022.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký Công văn số 574/UBND-XDĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương (vốn trong nước) năm 2022.

Đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Tại Công văn trên, UBND TP. Cần Thơ cho rằng, qua rà soát tiến độ và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW), tổng kế hoạch NSTW năm 2022 TP. Cần Thơ được giao gần 2.724 tỷ đồng tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó vốn trong nước là gần 1.158 tỷ đồng.

TP. Cần Thơ đã giao chi tiết gần 1.158 tỷ đồng tại Quyết định số 3851/QĐ-UND ngày 12/12/2021 của UBND TP.cần Thơ.

Sau khi rà soát số vốn đã được bố trí, đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2022, UBND TP. Cần Thơ đề xuất bổ sung 300 tỷ đồng để triển khai thực hiện công tác bồi thường, phấn đấu khởi công 3 Dự án mới trong năm 2022, bao gồm:

Dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917: đã bố trí 100 tỷ đồng, đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng.

Dự án Đường tỉnh 918 giai đoạn 2: đã bố trí 100 tỷ đồng, đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng.

Dự án Đường tỉnh 921 (đoạn tuyến thẳng, điểm giao với tuyến tránh Thốt Nốt - điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Đốc): đã bố trí gần 111 tỷ đồng, đề nghị bổ sung 100 tỷ đồng.

Hiện các dự án trên đang thực hiện công tác kiểm kê, đo đạc và thiết kế kỹ thuật - dự toán, dự kiến sẽ hoàn thành các công tác này trong quý II/2022. Việc đề xuất bổ sung nguồn vốn để thực hiện chi trả kinh phí bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đảm bảo có mặt bằng để đấu thầu, khởi công dự án trong năm 2022.

UBND TP. Cần Thơ cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn 300 tỷ đồng đề xuất bổ sung trong năm 2022.

Đề xuất bổ sung thêm 20.450 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022 để phục hồi kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục nhiệm vụ, Dự án dự kiến bố trí vốn từ Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/2/2022.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có 2 văn bản và 1 Công điện đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, cập nhật danh mục nhiệm vụ, dự án, mức vốn đầu tư dự kiến bố trí thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho đầu tư phát triển.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương cho danh mục nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo 2 nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bổ sung thêm vốn và có khả năng giải ngân ngay trong năm 2022, 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, phát huy hiểu quả đầu tư.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bố trí vốn cho hỗ trợ giải phóng mặt bằng, dự án quan trọng cấp thiết, có tác động lan tỏa, phù hợp với quy hoạch, có khả năng hoàn thiện nhanh thủ tục đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 từ Chương trình cho nhiệm vụ, dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phải bảo đảm có khả năng giải ngân ngay, giải ngân hết số vốn của cả Kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được giao và số vốn dự kiến được bổ sung thêm.

Trong đó, bố trí vốn bổ sung tập trung để thu hồi đủ số vốn ứng trước còn lại chưa thu hồi của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các dự án đang triển khai thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; bố trí vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án ODA; các dự án khởi công mới có khả năng giải ngân ngay trong năm 2022.

Kết quả, tổng hợp đến hết ngày 17/2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình, đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Cụ thể, có 19 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình với tổng số vốn trên 121.800 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, dự kiến vốn bố trí năm 2022 là trên 16.800 tỷ đồng và năm 2023 là gần 105.000 tỷ đồng, số còn lại chưa báo cáo chi tiết danh mục, mức vốn là gần 14.200 tỷ đồng.

Có 46 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn là trên 20.450 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả số vốn dự kiến bố trí năm 2022 của các dự án thuộc Chương trình thì tổng số vốn cần bổ sung năm 2022 là gần 37.300 tỷ đồng.

Có 32 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo không có nhu cầu bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, so với danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Báo cáo 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, có 1 dự án mới, 16 dự án của 4 bộ đề xuất điều chỉnh tăng/giảm mức vốn so với số vốn Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, có 59 dự án của 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương hiệu chỉnh, đính chính tên dự án; gộp 64 dự án đảm bảo an toàn, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước thành 14 dự án; thay thế 3 dự án xử lý sạt lở bằng 3 dự án xử lý sạt lở khác.

Ngoài báo cáo về tình hình phân bổ, dự kiến vốn cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tại, hầu hết các bộ ngành, địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Nhiều văn bản pháp luật để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình cũng đang được xây dựng.

Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt, chỉ định thầu thuộc thẩm quyền Bộ với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cho một số UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn, gửi lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2022.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xác định 16 địa phương có dự án đường cao tốc thuộc Chương trình đi qua địa bàn, chủ động phối hợp, rà soát nhu cầu phân cấp làm cơ quan chủ quản.

Đến nay, đã có 10/16 địa phương gửi văn bản chính thức đề nghị giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn.

Quảng Nam thu hồi Khu du lịch nghỉ dưỡng Tây Bà Nà của Công ty Toàn cầu TMS

Ngày 22/2, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Tân đã ký Quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư số 1489/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 của UBND Tỉnh đối với Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Bà Nà tại xã Ba (huyện Đông Giang) của Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS.

Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Bà Nà được quy hoạch trên địa bàn huyện Đông Giang.

Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Bà Nà được quy hoạch trên địa bàn huyện Đông Giang.

Theo chính quyền tỉnh Quảng Nam, lý do thu hồi là do Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS, đơn vị được giao triển khai nghiên cứu và lập quy hoạch đã thông báo chấm dứt hoạt động của Dự án.

Năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2344/QĐ-UBND về việc Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Bà Nà (tại xã Ba, H. Đông Giang). Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 123ha, ranh giới xung quanh là đất rừng. Đây là khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chỉnh trang dân cư hiện hữu.

Công ty TMS Tây Bà Nà được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu, triển khai lập hồ sơ quy hoạch theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt và các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành.

Được biết, TMS Tây Bà Nà được thành lập ngày 22/2/2019, có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và là công ty con của CTCP Toàn Cầu TMS (TMS Global).

Trong quyết định chấm dứt hoạt động Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Bà Nà, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; Các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Đông Giang rà soát, thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh thu hồi, hủy các văn bản liên quan đã cấp đối với Dự án.

Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS chịu trách nhiệm nộp lại bản gốc Quyết định chủ trương đầu tư số 1489/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 của UBND tỉnh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định.

Nghệ An đề xuất JICA đầu tư dự án thủy lợi 3.500 tỷ đồng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, Ông vừa đại diện địa phương có cuộc làm việc với Đoàn chuyên gia cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) do ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng đại diện, Văn phòng JICA tại Việt Nam, để cập nhật tiến độ các Dự án và định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, việc khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết, qua đó góp phần quan trọng nâng cao sinh kế cho người dân.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, việc khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết, qua đó góp phần quan trọng nâng cao sinh kế cho người dân.

Theo ông Hiếu, hiện JICA đã và đang hỗ trợ triển khai 4 dự án tại Nghệ An, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành là: Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp.

Hai dự án đang triển khai là: Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc; Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Nghệ An.

Cùng với đó, JICA đã phái cử chuyên gia đến Nghệ An hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả cho các hoạt động của Diễn đàn thị trường nông nghiệp trong việc kết nối tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp tỉnh Nghệ An.

Tại cuộc làm việc này, tỉnh Nghệ An đã đề xuất JICA kéo dài Dự án Khôi phục và nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc thêm 2 năm (đến năm 2025), đồng thời cho phép sử dụng số vốn còn dư của dự án để đầu tư bổ sung một số hạng mục cần thiết nhằm để hệ thống thủy lợi này đồng bộ, phát huy hiệu quả cao hơn nữa.

“Nghệ An cũng đề xuất JICA chấp thuận, nghiên cứu đầu tư Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Nam Nghệ An với tổng mức đầu tư dự kiến 3.500 tỷ đồng vào giai đoạn 2022 - 2026; đồng thời tiếp tục hỗ trợ Diễn đàn thị trường nông nghiệp”, ông Hiếu cho hay.

Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, ông Murooka Naomichi cho rằng, JICA đang nỗ lực cao nhất để triển khai các hoạt động có liên quan.

Đoàn cũng đã đi khảo sát hệ thống Thủy lợi Nam Nghệ An và dự án này đang được các cơ quan chức năng của Chính phủ Nhật Bản xem xét; qua đó mong muốn tỉnh Nghệ An quan tâm phối hợp.

Thông qua triển khai 2 dự án thí điểm gồm: Kết nối kỹ thuật số giữa nông dân và thương lái tại Nghệ An và hỗ trợ bán hàng trực tuyến ở một số cơ sở sản xuất rau thuộc Diễn đàn thị trường nông nghiệp Nghệ An, ông Murooka Naomichi đề nghị đánh giá, hoàn thiện, nhân rộng mô hình này tại địa phương và giới thiệu ra các tỉnh khác trong cả nước.

Với số lượng các dự án, hoạt động trên địa bàn Nghệ An nhiều, ông Murooka Naomichi đề nghị các bên liên quan cần tổ chức các cuộc làm việc định kỳ để cập nhật, triển khai các dự án hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, Nghệ An mong muốn JICA tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ tỉnh hoàn thành các dự án hợp tác đang triển khai; đồng thời tiếp tục là cầu nối giúp đỡ, giới thiệu nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác Nhật Bản đến với Nghệ An; đưa mối quan hệ Nghệ An và Nhật Bản thiết thực hơn nữa…

Lâm Đồng: ĐB Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm để nhiều “hạt sạn” trong quy hoạch

Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo giám sát chuyên đề (số 04) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Theo đó, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng chỉ ra nhiều tồn tại về công tác quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng, như hầu hết các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành chưa được phê duyệt.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch Công viên Xuân Hương (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sẽ hạn chế tối đa việc tác động đến cây xanh hiện hữu. Ảnh: T.M.N

Đồ án điều chỉnh quy hoạch Công viên Xuân Hương (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sẽ hạn chế tối đa việc tác động đến cây xanh hiện hữu. Ảnh: T.M.N

Nhất là, tính từ khi Thủ tướng có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh (ngày 15/6/2021), đến nay đã hơn 6 tháng nhưng quy hoạch tỉnh chỉ ở bước lựa chọn đơn vị tư vấn là chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra chất lượng của một số đồ án còn chưa cao, chưa đảm bảo tính kế thừa trong dự báo, định hướng phát triển, tiến độ triển khai lập quy hoạch còn chậm so với kế hoạch đề ra; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng chưa được phủ kín, gây ảnh hưởng đến việc quản lý, đầu tư xây dựng và giải quyết các nhu cầu của người dân; theo quy định của Luật Xây dựng và Luât Quy hoạch đô thị, quy định khuyến khích sử dụng kinh phí của các tổ chức, cá nhân để lập quy hoạch, nhưng hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận kinh phí tài trợ kinh phí tài trợ công tác quy hoạch, nên địa phương còn lúng túng khi tiếp nhận và sử dụng.

Đáng chú ý, qua xem xét hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và huyện Đức Trọng, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhận thấy một số kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trong hồ sơ ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng lại cho phép “cập nhật các công trình Dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019” vào điều chỉnh quy hoạch là chưa chặt chẽ.

Cũng theo báo cáo giám sát, việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc bố trí quỹ đất phát triển đô thị, khu dân cư chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, chưa đa dạng, diện tích lô đất chưa phù hợp với điều kiện của người dân, nhất là vùng nông thôn. Ngoài ra, một số dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai trái, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý.

Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác lập quy hoạch phân khu tại các địa phương.

Đơn cử, tại thành phố Đạt Lạt có đến 15/22 quy hoạch phân khu kéo dài từ 3 đến 5 năm. Tại thành phố Bảo Lộc điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011 đến 2020 có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt, trong đó có 36/44 hồ sơ chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên, 34/44 hồ sơ chưa có ý kiến cộng đồng dân cư.

Cũng tại thành phố Bảo Lộc, quy hoạch đô thị từ năm 2021 đến 2030 có 34 hồ sơ quy hoạch đã phê duyệt, trong đó có 12/34 hồ sơ chưa lấy ý kiến, có 3 hồ sơ thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cùng ngày và 6 hồ sơ phê duyệt quy hoạch không có văn bản thẩm định.

Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Xây dựng báo cáo đầy đủ nội dung và số liệu theo yêu cầu của đề cương báo cáo về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật, trong đó cần làm rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Trong quá trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp kế hoạch sử dụng đất hàng năm không theo đúng quy hoạch”, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rút ngắn tiến độ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Giám đốc các Ban Quản lý Dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận; Giám đốc các doanh nghiệp dự án: Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha TrangCam Lâm, Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo yêu cầu rà soát, xây dựng giải pháp rút ngắn tiến độ các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nói trên khẩn trương rà soát tiến độ hoàn thành các gói thầu và từng Dự án thành phần, phấn đấu rút ngắn tiến độ thi công các Dự án thành phần (khoảng 3 tháng) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có giải pháp cụ thể đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tính khả thi, chất lượng và an toàn công trình; đồng thời xây dựng lại tiến độ giải ngân cho từng Dự án thành phần phù hợp với tiến độ thi công điều chỉnh.

Trường hợp, tiến độ thi công rút ngắn ít hơn 3 tháng, các chủ đầu tư/ Ban Quản lý dự án phải có báo cáo giải trình chi tiết, cụ thể cho từng đoạn tuyến, từng gói thầu, từng Dự án thành phần.

Căn cứ tiến độ thi công điều chỉnh, các Ban Quản lý dự án và các nhà đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của từng nhà thầu tuân thủ quy định hợp đồng; trường hợp nhà thầu chậm tiến độ phải có giải pháp xử lý ngay như: điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu; xử lý vi phạm hợp đồng…; các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo tiến độ đã cam kết bị xử lý chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong xét thầu ở các gói thầu tham gia giai đoạn 2021 - 2025.

Được biết hiện toàn bộ 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 16.218 tỷ đồng/56.709 tỷ đồng, tương đương 28,6% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị các hợp đồng so với kế hoạch; trong tháng 2/2022, sản lượng hoàn thành đạt 3,2% tổng giá trị các hợp đồng.

Theo một số nhà thầu, đối với các dự án thành phần có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2023 và năm 2024, việc phấn đấu rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng là có thể thực hiện được do thời gian thực hiện dự án còn dài, khối lượng thực hiện chưa nhiều nên có thể tăng ca, tăng kíp thi công, kết hợp với việc điều chỉnh giai pháp thiết kế xử lý nền đất yếu để đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, đối với các dự án có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2022 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Dây), việc rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng là rất khó khăn do thời gian thực hiện dự án không còn nhiều, các vị trí xử lý nền đất yếu đều đã được thi công theo giải pháp thiết kế được duyệt nên khó điều chỉnh giải pháp thiết kế xử lý nền đất yếu để rút ngắn tiến độ.

Kiên Giang giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 71,66% kế hoạch

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 31/1/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh là 3.760.543/5.247.827 triệu đồng, đạt 71,66% kế hoạch (tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Kiên Giang năm 2021 là 5.247.827 triệu đồng).

Lý giải về việc tỷ lệ này thấp hơn dự kiến 11,46% kế hoạch so với số liệu đã báo cáo Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp cuối năm là 83,12% kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho rằng, nguyên nhân là do vướng giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục chậm...

Khu đô thị lấn biển TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Khu đô thị lấn biển TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Bên cạnh đó, việc triển khai các Dự án trọng điểm giải ngân không đạt theo kế hoạch đề ra như: Dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu (TP. Phú Quốc) và xây mới nhánh nối với đường trục Nam Bắc còn lại 199.405 triệu đồng chưa giải ngân; dự án đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương còn lại 183.997 triệu đồng chưa giải ngân; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) còn lại 31.736 triệu đồng chưa giải ngân; dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai còn lại 25.485 triệu đồng chưa giải ngân...

Từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đối với các đơn vị chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang đề nghị khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để giao kế hoạch theo đúng quy định.

Về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 13/12/2021 của Hội đồng nhân dân Tỉnh là 5.124.419 triệu đồng. Tỉnh đã triển khai giao chi tiết 97,25% kế hoạch là 4.983.681/5.124.419 triệu đồng, trong đó, ngân sách địa phương giao 100% là 3.930.690 triệu đồng, ngân sách trung ương giao 88,21% là 1.052.991/1.193.729 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/1/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là 176.833/4.983.681 triệu đồng, đạt 3,55% kế hoạch.

Sắp khởi công Dự án Cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Trưởng Ban chỉ đạo địa phương Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 cho biết, ngày 29/3/2022 sẽ khởi công chính thức dự án này.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thống nhất vị trí khởi công dự tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, điểm giao giữa đường vào cầu Rạch Miễu 2 và quốc lộ 57B (gần Khu du lịch sinh thái Làng Xanh Bến Tre).

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre và chủ đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 khảo sát địa điểm sắp thi công dự án

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre và chủ đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 khảo sát địa điểm sắp thi công dự án

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có tổng mức đầu tư trên 5.175 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng trên 1.279 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 3.030 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng khác trên 303 tỷ đồng; chi phí dự phòng 561,83 tỷ đồng. Khối lượng GPMB khoảng 62,38 ha, trong đó địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 26,56 ha và địa phận tỉnh Bến Tre khoảng 35,82 ha.

Để tổ chức thực hiện thuận lợi, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng và giao cho UBND 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre triển khai thực hiện theo quy định hiện hành. Trong đó, kinh phí GPMB trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trên 822 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre trên 457 tỷ đồng.

Hiện địa phương đang xúc tiến chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị cho lễ khởi công. Trong đó, công tác kiểm đếm, bồi thường phải công khai, minh bạch, chính xác, không để sót, không kê thêm nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân. Tiểu ban đền bù tái định cư khởi động quyết liệt cho kịp tiến độ. Xác định các gói đã mở thầu, vị trí để khởi công đồng loạt. Công tác chi bồi thường kịp thời, sớm nhất và khẩn trương triển khai tái định cư, nhà tạm cư cần đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân kể cả công tác việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm triển khai ngay. Sở Giao thông vận tải và Ban quản lý giao thông phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đơn vị có liên quan để chuẩn bị tốt lễ khởi công. Đây là công trình dự án lớn đầu tiên trong 11 công trình dự án lớn của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện thành công cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa 2 tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và các đơn vị liên quan. Hệ thống chính trị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, đồng thuận trong triển khai thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả công trình dự án này trong phát triển kinh tế - xã hội Bến Tre và Tiền Giang.

Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ thực hiện 3 đại dự án giao thông

Ngày 23/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 262/QĐ –TTg thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (bao gồm Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2020 – 2025) và Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Hai ban chỉ đạo của Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đối với các Dự án.

Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ xem xét, chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ các Dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Theo Quyết định số 262, Ban chỉ đạo của Chính phủ đối với dự án còn được giao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện quy chế phối hợp và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện các sự án; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư công trình, dự án, các tổ chức tư vấn, các nhà thầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ đã được xác định trong chủ trương đầu tư các Dự án hoặc quyết định phê duyệt của từng dự án thành phần để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình. Ban chỉ đạo được mời các tổ chức, các chuyên gia để tư vấn trong quá trình chỉ đạo; thẩm định các cơ chế, chính sách, tổ chức và biện pháp thực hiện các Dự án.

Ban chỉ đạo Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ GTVT; Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Xây dựng; các ủy viên là thứ trưởng các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an; GTVT; Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Tổng thanh tra Chính phủ; Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đi qua.

Ban chỉ đạo Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban; Phó trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ GTVT; Phó trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các ủy viên là thứ trưởng các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, GTVT, tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Công thương, Thanh tra Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Bộ GTVT là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc ban chỉ đạo.

Trưởng ban khi ký các văn bản chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng ban và các ủy viên khi ký các văn bản thực hiện nhiệm vụ Ban chỉ đạo được sử dụng con dấu của bộ, ngành, địa phương đó.

Đề xuất đầu tư công cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng

UBND tỉnh Nam Định vừa có tờ trình số 11/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng từ đầu tư PPP sang đầu tư công 100%, từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Trung ương.

Về cơ quan chủ quản Dự án, UBND tỉnh tỉnh Nam Định đề xuất Thủ tướng giao cho các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình làm chủ đầu tư đoạn tuyến đi qua địa phương mình.

Cụ thể, tỉnh Nam Định sẽ làm chủ đầu tư thực hiện đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Nam Định khoảng 31 km (bao gồm cả 2 cầu vượt sông Đáy, sông Hồng) theo hình thức đầu tư công.

Ông Phạm Đình Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đoạn tuyến thuộc đi qua tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng.

Trong danh mục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến số vốn bố trí cho tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng giai đoạn 2022-2023 là 1.100 tỷ đồng, đáp ứng khoảng trên 5% khối lượng công trình.

Do đó, UBND tỉnh Nam Định đề nghj Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính xem xét bổ sung vốn để hoàn thành cho toàn tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đoạn tuyến đi qua tỉnh Nam Định, trong đó số vốn năm 2022 - 2023 là 4.000 tỷ đồng để phục vụ công tác: khảo sát, tư vấn thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng, ứng vốn thi công cho các nhà thầu…; dự kiến số vốn còn lại được bố trí vào năm 2024 khoảng 4.400 tỷ đồng.

Vào tháng 5/2017, 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho phép UBND tỉnh Nam Định chủ trì triển khai nghiên cứu Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh) theo hình thức PPP và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án cũng như việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP là khó khả thi nên đến nay công trình vẫn chưa được triển khai.

Quảng Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch tại xã Tam Hải

Ngày 23/2, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch tỉnh, ông Lê Trí Thanh đã ký quyết định Phê duyệt danh mục Dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đợt 2/2022.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam phê duyệt 5 dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Trong đó có lĩnh vực nông nghiệp có 1 dự án; lĩnh vực hạ tầng cụm công nghiệp có 1 dự án; lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 1 dự án và có 2 dự án khác.

Xã Tam Hải thuộc huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam.

Xã Tam Hải thuộc huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam.

Đáng chú ý, dự án thương mại - dịch vụ mà tỉnh Quảng Nam phê duyệt nghiên cứu đầu tư là Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây (Xã Tam Hải, huyện Núi Thành), diện tích nghiên cứu là 32ha, gồm toàn bộ diện tích đảo Long Thạnh Tây.

Trước đó, Công ty Cổ phần BFC Quảng Nam (BFC Quảng Nam) có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc đề xuất nguyện vọng đầu tư dự án Khu đô thị Tân cảng Tam Hải tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành.

Theo đề xuất của doanh nghiệp này, dự án có vị trí tại thôn Bình Trung và thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải (gần Cửa Lở Tam Hải), có quy mô khoảng 170ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng.

Theo ông Hồ Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty BFC Quảng Nam, doanh nghiệp đề xuất, Khu đô thị Tân Cảng Tam Hải được quy hoạch thành 2 khu. Cụ thể, khu A (80ha) bao gồm khu nhà liền kề, khu biệt thự, khu khách sạn cao cấp, khu trường học, khu bệnh viện, khu trung tâm thương mại, khu golf club house và khu bến du thuyền. Khu B (90ha) gồm khu sân golf và khu biệt thự. Bên cạnh đó, công ty dự định xây cầu kết nối khu A và khu B dài 110m, rộng 6,5m.

Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần BFC Quảng Nam có trụ sở chính tại thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép hoạt động ngày 2/8/2021. Công ty này được thành lập từ các nhà đầu tư chuyên đầu tư các dự án bất động sản, khách sạn, casino… Công ty này cũng giới thiệu là hợp tác với tập đoàn tài chính Yuants Securities (Hàn Quốc).

Công ty BFC Quảng Nam đề xuất UBND huyện Núi Thành cho phép công ty được tiến hành thực hiện việc khảo sát, lập dự án, thiết kế, cũng như các thủ tục có liên quan theo quy định để lập thủ tục xúc tiến đầu tư dự án Khu đô thị Tân cảng Tam Hải.

Trước đề nghị trên, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Núi Thành xem xét, nghiên cứu, có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết phù hợp với các đồ án quy hoạch liên quan tại khu vực và các quy định hiện hành của pháp luật.

Cao Bằng sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ngày 24/2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng và Liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Lễ ký kết hợp tác triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Lễ ký kết hợp tác triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh này đã xác định đây là công trình hạ tầng giao thông xương sống, có tính chất khai phá, khơi thông điểm nghẽn, nút thắt, giúp mở rộng không gian phát triển còn nhiều tiềm năng của tỉnh.

Lý do là bởi cho đến nay, Cao Bằng chỉ có duy nhất một loại hình giao thông kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm phát triển của cả nước là đường bộ, trong khi các tuyến đường đều nhiều đèo, dốc và chất lượng không cao).

Đối với Cao Bằng, đây là Dự án quan trọng nhất, cấp thiết nhất của tỉnh, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh hôm 1/12/20221 là: “chỉ có tuyến đường cao tốc mới giúp Cao Bằng thoát nghèo”.

Được biết, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân Cao Bằng mà nó còn thuộc quy hoạch mạng lưới giao thông của cả nước kết nối với quốc tế. Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là đường vận tải quốc tế Á - Âu, nằm trong mạng lưới giao thông từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua cửa khẩu Trà Lĩnh đi Trùng Khánh - Urumqi - Khorgos (Trung Quốc), sang các nước châu Âu.

Ông Hoàng Xuân Ánh, nhận định Dự án giao thông trọng điểm quốc gia này mang giá trị tổng thể rất quan trọng này gặp phải nhiều thách thức.

Thứ nhất, Dự án là đòi hỏi một nguồn vốn huy động lớn với tổng mức đầu tư nghiên cứu ban đầu của Bộ GTVT lên đến 47.000 tỷ đồng.

Thứ 2, Dự án có chiều dài tuyến hơn 140 km đi qua nhiều khu vực có địa hình núi cao, nhiều thung lũng với nền địa chất phức tạp, lưu lượng xe cộ chưa nhiều. Nhiều năm trước, các nhà đầu tư đến nghiên cứu đều bỏ cuộc.

Thứ 3 là khó khăn trong việc huy động vốn do hiện nay vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án và đặc biệt là vốn vay tín dụng ngày càng bị thắt chặt. Một ngân hàng thì không đủ cho vay. Hợp vốn thì mỗi ngân hàng một điều khoản, chính sách tín dụng khác nhau.

Thứ 4, từ những khó khăn trên, đòi hỏi phải có những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, kinh nghiệm điều hành, quản lý dự án, tổ chức thi công chuyên nghiệp, đặc biệt phải có tiềm lực tài chính và uy tín kết nối doanh nghiệp.

Để giải quyết các khó khăn nói trên, trong thời gian vừa qua, Cao Bằng đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả trong việc thực hiện các nhiệm vụ tại bước lập chủ trương đầu tư và nghiên cứu đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Đến nay, Dự án đã đạt được một số kết quả như: tiết giảm tổng mức đầu tư, thi tuyển kiến trúc tôn tạo nét văn hóa đặc trưng của tỉnh tại các công trình trên tuyến như cầu, hầm nhằm tạo sức hút cho du lịch bản địa, báo cáo với Chính phủ, các Bộ Nghành và Địa phương để bố trí vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Cao Bằng đồng thuận cao với quan điểm cho rằng mô hình “3P” là phương án huy động vốn khả thi nhất để có thể áp dụng thành công cho Đồng Đăng - Trà Lĩnh, khẳng định việc đa dạng hóa các nguồn vốn từ NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác thông qua các hình thức cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC, tín dụng… là hiệu quả, thiết thực”, ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.

Hiện nay, tại Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả đã có những doanh nghiệp đồng hành. Đây là điều kiện đủ để thực hiện dự án. Sự đồng hành thể hiện chính thức bằng việc các nhà đầu tư Văn Phú Invest, Thành Lợi, Phú Mỹ đã ký thoả thuận đầu tư Dự án.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tin tưởng với thế mạnh và sự chung tay của những doanh nghiệp có uy tín trên các lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông cùng với việc, họ là những công ty đại chúng đã có mặt trên thị trường chứng khoán hiện nay, với cách làm tạo ra “sản phẩm thật” mang lại “giá trị thật” gia tăng “giá trị thật” thông qua các mã cổ phiếu như: HHV, VPI sẽ là bước đi vững chắc, khi huy động vốn cho hình thức hợp tác kinh doanh (BCC), góp phần thành công cho mô hình PPP đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho các cổ đông và doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là bước đi cụ thể đầu tiên nhưng hết sức quan trọng mở ra quá trình hợp tác đáng tín cậy và triển vọng sẽ hoàn thành theo tiến độ đề ra.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ tiến tới xây dựng quỹ PPP, các quỹ phát triển để tạo nền tảng cho việc triển khai các dự án PPP và không phải đàm phán thu xếp từng dự án. Quỹ này chính là nguồn tài chính và cũng chính là đảm bảo chủ trương đa dạng nguồn vốn cho các công trình, dự án PPP. Cao Bằng cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm cùng các nhà đầu tư triển khai thành công dự án”, ông Ánh cam kết.

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 13.181 tỷ đồng, thực hiện góp vốn áp dụng mô hình 3 chữ P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước (P1) là 6.580 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư (P2) là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác (P3) là 5.371 tỷ đồng.

Ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu nhà đầu tư thì với phần vốn huy động khác, Nhà đầu tư sẽ thực hiện huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC),… trong đó Liên danh Nhà đầu tư (Đèo Cả, Văn Phú - Invest, Phú Mỹ, Thành Lợi) cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư (BCC) là 2.685 tỷ đồng và cùng với UBND tỉnh để huy động phần còn lại khoảng 2.685 tỷ đồng (vốn tín dụng) để thực hiện dự án.

Mệnh lệnh từ công trường các dự án trọng điểm quốc gia

Bộ GTVT yêu cầu rà soát tiến độ hoàn thành các gói thầu và từng dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, phấn đấu rút ngắn tiến độ thi công khoảng 3 tháng.

Hôm nay (25/2) là thời hạn chót để lãnh đạo các ban quản lý Dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đang thi công 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phải đệ trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) những giải pháp nhằm rút ngắn tiến độ thi công công trình trọng điểm quốc gia này.

Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Lê

Thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Lê

Yêu cầu được Bộ GTVT đặt ra là, các đơn vị liên quan phải khẩn trương rà soát tiến độ hoàn thành các gói thầu và từng dự án thành phần, phấn đấu rút ngắn tiến độ thi công khoảng 3 tháng. Ngoài ra, phải có giải pháp cụ thể đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tính khả thi, chất lượng và an toàn công trình, đồng thời xây dựng lại tiến độ giải ngân cho từng dự án thành phần phù hợp với tiến độ thi công điều chỉnh. Trường hợp tiến độ thi công rút ngắn ít hơn 3 tháng, thì phải có báo cáo giải trình chi tiết, cụ thể cho từng đoạn tuyến, từng gói thầu, từng dự án thành phần.

Được biết, trên cơ sở tiến độ thi công điều chỉnh, các ban quản lý dự án và nhà đầu tư kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của từng nhà thầu, tuân thủ quy định hợp đồng; trường hợp nhà thầu chậm tiến độ phải có giải pháp xử lý ngay.

Theo đó, điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu; xử lý vi phạm hợp đồng…; các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo tiến độ đã cam kết bị xử lý chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong xét thầu ở các gói thầu tham gia giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là sự cụ thể hóa và cũng là quyết tâm cao độ của Bộ GTVT đối với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm, kiểm tra “xuyên Việt, xuyên Tết” công trường xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngay sau Tết Nhâm Dần.

Cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu và hầu hết nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công tăng mạnh, việc đảm bảo đúng thời hạn hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam trong hợp đồng được ký kết thực sự là thách thức rất lớn với các nhà thầu thi công.

Thực tế, toàn bộ 11/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đều đã khởi công xây dựng, nhưng lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 16.218/56.709 tỷ đồng, tương đương 28,6% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị các hợp đồng so với kế hoạch. Như vậy, với các dự án thành phần có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2023 và năm 2024, việc phấn đấu rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng là có thể thực hiện được do thời gian thực hiện vẫn còn dài, có thể tăng ca, tăng kíp thi công, kết hợp với việc điều chỉnh giai pháp thiết kế xử lý nền đất yếu để đẩy nhanh tiến độ.

Đối với các dự án có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Dây), việc rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng là rất khó do thời gian thực hiện không còn nhiều, các vị trí xử lý nền đất yếu đều đã được thi công theo giải pháp thiết kế được duyệt. Tuy vậy, nếu rút ngắn được ít nhất 3 tháng thi công, ngoài việc đưa đại công trình sớm đưa vào khai thác thì với khoảng 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được bung ra giải ngân trong hơn 1 năm tới sẽ tạo ra cú hích đáng kể, giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch.

Đó thực sự là mệnh lệnh từ cuộc sống, mệnh lệnh từ công trường đặt ra đối với Bộ GTVT và các đơn vị thi công. Với các nhà đầu tư/nhà thầu thi công - những người sẽ phải tốn thêm rất nhiều chi phí để bổ sung nhân công, thiết bị, trong bối cảnh giá bỏ thầu vốn dĩ đã không cao, thì đây chính là sự hy sinh rất lớn vì sự nghiệp chung.

Để đảm bảo việc rút ngắn tiến độ được khả thi, bên cạnh quyết tâm của nhà thầu/nhà đầu tư, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chủ đầu tư, địa phương và các bộ, ngành liên quan. Trước mắt phải giải quyết ngay hai khó khăn lớn là vật liệu đất đắp và cơ chế bù biến động giá cho hàng loạt vật liệu đầu vào thiết yếu khác như xăng dầu, thép, nhựa đường, chi phí nhân công…

Xét cho cùng, nếu cam kết rút ngắn tiến độ khoảng 3 tháng được thực hiện thành công tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thì sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm quý cho những dự án hạ tầng trọng điểm khác, vốn đang rơi vào căn bệnh trầm kha là chậm tiến độ kéo dài, mà không có “thuốc” điều trị dứt điểm.

Tiền Giang phê duyệt dự án giao thông vốn đầu tư trên 3.260 tỷ đồng

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ký Quyết định 457/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền).

Theo đó, Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 30 (vị trí giao với đường vào Bia chiến thắng Rạch Ruộng, thuộc huyện Cái Bè); điểm cuối kết nối với đường tỉnh 862 (tại ngã năm Tân Thành, thuộc huyện Gò Công Đông). Tổng chiều dài tuyến 111,42 km; trong đó đoạn xây mới khoảng 36,4 km, nâng cấp mở rộng khoảng 26,3 km, tận dụng hoàn toàn khoảng 48,5 km.

Trên tuyến đường sẽ xây mới 13 cầu, chủ yếu đi dọc phía Bắc sông Tiền thuộc TP. Mỹ Tho và các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông.

Về quy mô đầu tư, đoạn tuyến ngoài đô thị đạt chuẩn cấp III đồng bằng và cấp IV đồng bằng; đoạn tuyến qua khu đô thị đạt chuẩn đường phố chính đô thị - thứ yếu.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.260 tỷ đồng triển khai trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2022 - 2025), giải phóng mặt bằng và xây dựng đoạn tuyến từ TP. Mỹ Tho đến Đèn Đỏ, huyện Gò Công Đông (giao đường tỉnh 862) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương 1.200 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách địa phương đầu tư.

Giai đoạn 2 (2026 - 2027), giải phóng mặt bằng và xây dựng đoạn tuyến từ Đèn Đỏ (giao đường tỉnh 862) đến Tân Thành và từ Quốc lộ 30 đến thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè từ nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Dự án nhằm thúc đẩy liên kết giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh, tạo nên sự thông suốt, đồng bộ và phát huy hơn nữa mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Góp phần thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản… trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Cần Thơ đề xuất dự án ODA giao thông vốn trên 2.728 tỷ đồng

Dự án hoàn thành sẽ là động lực liên kết, thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 24/2, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Công văn số 59/BC-UBND Báo cáo đề xuất Dự án sử dụng nguồn vốn ODA Dự án Phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Dự án có 2 hợp phần chính gồm: Hợp phần Nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) và hợp phần Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ).

Nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án là ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Dự án có tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.728,720 tỷ đồng. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn gồm nguồn vốn nước ngoài là 1.868,670 tỷ đồng (100% vốn xây lắp), trong đó: vốn ngân sách Trung ương cấp phát là 1.681,800 tỷ đồng, địa phương vay lại 186,870 tỷ đồng; vốn trong nước là 860,050 tỷ đồng.

Về cơ chế tài chính trong nước, TP. Cần Thơ sẽ thỏa thuận vay lại với Bộ Tài chính đối với nguồn vốn cho vay lại của Dự án (10% vốn vay của WB tương đương với 113,52 tỷ đồng) với tổng thời gian vay 20 năm, trong đó 4 năm ân hạn.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026. Dự kiến tiến độ giải ngân trong năm 2022, bố trí 720 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế bảng vẽ thi công, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng một phần khối lượng.

Năm 2023 bố trí 1.020 tỷ đồng để tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Năm 2024 bố trí 800 tỷ đồng để thi công xây dựng. Năm 2025 bố trí phần còn lại để hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình.

Đối với hợp phần nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) có điểm đầu tại Km0+ 00 - giao tại ngã tư giữa Quốc lộ 91C và Quốc lộ 1 ở cuối đường dẫn cầu Cần Thơ bờ Nam (nút giao IC4), thuộc địa phận phường Lê Bình, quận Cái Răng. Điểm cuối trước cầu Trầu Hôi (Km10 + 200 - ranh giới giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang). Tổng chiều dài toàn tuyến là 10,2 km. Đây là đường cấp III đồng bằng, quy mô mặt cắt ngang đường rộng 23 m. Dự kiến tổng mức đầu tư hợp phần này là 899,09 tỷ đồng.

Hợp phần nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang khi hoàn thành sẽ tạo nên sự liên thông, thông suốt giữa TP. Cần Thơ với TP. Vị Thanh (Hậu Giang), tăng cường kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, kết nối trực tiếp các khu vực của TP. Vị Thanh với sân bay quốc tế Cần Thơ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo tiền đề quan trọng để hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng cho quận Cái Răng, huyện Phong Điền nói riêng và cho TP. Cần Thơ nói chung.

Hợp phần Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (Đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ) có điểm đầu dự án thuộc địa bàn quận Ô Môn, điểm cuối là ranh giới tiếp giáp TP. Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang (tại địa bàn huyện Giồng Riềng). Tổng chiều dài tuyến là 27,03 km. Đây là đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện có lộ giới 22 m (giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 12 m, gồm 2 làn xe cơ giới). Tổng mức đầu tư dự kiến của hợp phần này là 1.839,63 tỷ đồng.

Tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ hỗ trợ cho Quốc lộ 61C và Quốc lộ 91 để tăng cường kết nối Đông - Tây Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối trực tiếp các khu vực của tỉnh Kiên Giang với sân bay quốc tế Cần Thơ.

Trong tương lai, khi xây dựng cầu Ô Môn (bắc qua sông Cần Thơ), tuyến đường sẽ góp phần hình thành tuyến kết nối liên vùng giữa các tỉnh Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang, tạo trục dọc kết nối các tuyến cao tốc: Hồng Ngự - Trà Vinh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; các tuyến Quốc lộ 30, Quốc lộ 80, Quốc lộ 54, Quốc lộ 91, Quốc lộ 61.

Khánh Hòa lập Ban chỉ đạo Dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua Khánh Hòa

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, Ban chỉ đạo 2 dự án trên gồm 28 người, do ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm Trưởng ban; ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Đinh Văn Thiệu (Phó chủ tịch UBND tỉnh) làm Phó Trưởng ban...

Ban chỉ đạo 2 dự án nói trên có nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra, phối hợp và đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ; kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng… thuộc trách nhiệm của địa phương; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, ban quản lý dự án để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, gồm đoạn Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài tuyến khoảng 49,11 km, điểm đầu thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và điểm cuối thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến khoảng 78,5 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 5 km, đoạn còn lại đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã được bàn giao mặt bằng 48,1/49,1 km (đạt tỷ lệ 98,5%). Phần mặt bằng chưa được bàn giao gồm 19/2.361 hộ dân, 3 mỏ đá và một số công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến đường điện.

Hiện, các gói thầu xây lắp đã thực hiện được khoảng 730/4.345 tỷ đồng (đạt gần 17%), đảm bảo so với tiến độ tổng thể của dự án. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Dự kiến quý III/2023 sẽ hoàn thành.

Hai tháng, thu hút gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/2/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 183 Dự án đăng ký mới, với 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn.

Việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022 chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD.

Hai tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.

Ngoài ra, còn có Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.

Đó là lý do vì sao, 2 tháng qua, có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số lượt dự án và tăng gấp hơn 2,2 lần về số vốn so với cùng kỳ.

Về góp vốn, mua cổ phần, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong hai tháng đầu năm, có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Đánh giá về kết quả này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm nhấn là vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng (45,2%). Và điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Một điểm tích cực khác, đó là vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong hai tháng ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.

Việc Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, là nguyên nhân cơ bản giúp vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đã tích cực hơn.

Số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, hai tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 109,6 triệu USD và gần 60 triệu USD.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 28,4%, 27,9% và 12,6% tổng số dự án.

Nếu theo đối tác đầu tư, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, giảm 12% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD…

Đề xuất đầu tư 1.781 tỷ đồng xây 6 km cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

UBND TP. Hải Phòng vừa có công văn số 964/UBND – GT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Dự án nhận vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo đó, công trình được UBND TP. Hải Phòng chọn là Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến đường bộ ven biển), đi qua địa bàn quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng.

Dự án có điểm đầu tại nút giao với tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn TP. Hải Phòng (Km5+300) tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy; điểm cuối tại giao cắt khác mức với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Km93+970.

Dự án có chiều dài tuyến là khoảng 6 km, vận tốc thiết kế 100 km/h, với quy mô bề rộng nền đường 24,75m, tương ứng 4 làn xe, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Trên tuyến xây dựng 2 nút giao: nút giao đầu tuyến với tuyến đường bộ ven biển (tại Km5+300) dạng ngã ba đồng mức; nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại Km93+970) dạng hoa thị (quy hoạch là nút giao ngã 4).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.781 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách Trung ương, Ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó kế hoạch vốn năm 2022 là 500 tỷ đồng; năm 2023 là 1.100 tỷ đồng; năm 2024 là 181 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ thực hiện Dự án là 2022 – 2024.

UBND TP. Hải Phòng cho biết là đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình thẩm định và sẽ trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức trong tháng 3/2022.

UBND TP. Hải Phòng sẽ phê duyệt quyết định đầu tư dự án trong tháng 5/2022 và phần đầu khởi công trong tháng 9/2022; cơ bản hoàn thành thi công năm 2023 và quyết toán toàn bộ dự án năm 2024.

Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn nối từ tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là rất cần thiết, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tuyến đường ven biển và cảng Nam Đồ Sơn, tạo thành mạng lưới đường bộ liên kết các địa phương.

Công trình còn giúp rút ngắn được khoảng cách cũng như thời gian di chuyển bằng đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố và góp phần hoàn thiện liên kết hạ tầng giao thông vùng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tin bài liên quan