Đầu tư tuần qua: Đầu tư 7.600 tỷ đồng vào tuyến đường ven biển; 400 tỷ đồng cải tạo Quốc lộ 14B

Tuần qua, có nhiều thông tin đầu tư đáng chú ý.

Nghiên cứu phân bổ nguồn lực đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Nghị quyết nêu rõ, thời gian qua, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đã nỗ lực, tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các vùng kinh tế trọng điểm đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng kinh tế trọng điểm đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế. Các vùng kinh tế trọng điểm là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%.

Nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong giai đoạn 2011-2019, quy mô GRDP của 2 vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP, thể hiện là các vùng “trọng điểm của các vùng trọng điểm”.

Mặc dù vậy, các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, để tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển, đồng thời đang đối mặt nhiều thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định; cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng, không phát huy được lợi thế, tiềm năng.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển mới; huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông; khó khăn về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn; nhiều vấn đề về quản lý đô thị cần giải quyết như áp lực về tăng dân số, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhà ở cho người lao động, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, trước các tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước, phát triển du lịch… đến hết Quý II năm 2020 của các vùng kinh tế trọng điểm đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Để khắc phục những hạn chế trên, phục hồi nhanh và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước.

Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt: Đổi mới tư duy, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tố bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước.

Khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về điều phối liên kết vùng để thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm đảm bảo chủ động, hiệu quả; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động liên kết vùng.

Xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tính liên kết đặc thù của từng vùng. Xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch, thể hiện được vai trò "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm với cách làm đổi mới sáng tạo, không tư duy dàn trải, cát cứ, chỉ nghĩ lợi ích một địa phương mà bỏ qua các yếu tố vùng, yếu tố quốc gia.

Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của Vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập, trữ nước, kiểm soát mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh giữa các vùng và nội vùng; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm cần luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện vai trò đầu tàu, “hạt nhân phát triển” của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; về huy động nguồn lực đầu tư phát triển; về đào tạo và sử dụng lao động; về cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng; về cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ưu tiên cho phép các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm được tăng bội chi trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước để tăng mức vay lại của địa phương, từ đó có thêm nguồn vốn vay để đầu tư cho các dự án quan trọng, quy mô lớn của địa phương.

Đề xuất cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết phù hợp trong giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng với lãi suất hợp lý giúp doanh nghiệp, người dân khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt để đầu tư các dự án giúp phát huy thế mạnh, tiềm năng của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

Bộ Giao thông vận tải ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao quản lý để phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn mang tính kết nối vùng và liên vùng kinh tế trọng điểm.

Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và các khu đô thị khoa học trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng. Xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư, nhất là các dự án FDI dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: có giá trị gia tăng và sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có suất đầu tư cao, hệ số sử dụng đất thấp, các dự án có khả năng đóng góp ngân sách nhà nước lớn…

Dự chi gần 2.500 tỷ đồng cho 16 dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đảo

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Trong đó, có 16 dự án trọng điểm do Bộ này chủ trì thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế lên tới gần 2.500 tỷ đồng.

Quần đảo Cát bà góc nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN
Quần đảo Cát bà góc nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Các dự án sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

Trong đó, dự án có nguồn kinh phí lớn nhất lên tới 500 tỷ đồng là “Thành lập, hệ thống hóa bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn 1:10.000, tỷ lệ trung bình 1:50.000 và tỷ lệ nhỏ 1:250.000, 1:500.000 trên toàn vùng biển Việt Nam phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Dự án này do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện. Sản phẩm chính của dự án là bộ bản đồ số địa hình đáy biển các tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000,1:250.000; 1:500.000 được lưu trên CD/DVD và được in trên giấy A0 kỹ thuật.

Các dự án tiếp theo gồm: Hợp phần 2 dự án “Điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Nam Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng” với nguồn kinh phí 180 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Dự án “Điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên và hiện trạng môi trường khu vực biển miền Trung Trung Bộ đến độ sâu 1.000 m nước, tỷ lệ 1/500.000 và một số vùng trọng điểm tỷ lệ 1/100.000.” Dự án này có nguồn kinh phí 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022.

Dự án “Điều tra, khảo sát cấu trúc địa chất, đặc điểm địa động lực khu vực nước sâu Biển Đông nhằm đánh giá triển vọng dầu khí và định hướng công tác thăm dò vùng nước sâu gắn liền với mục tiêu khẳng định chủ quyền quốc gia” với nguồn kinh phí 220 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Dự án “Thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo Việt Nam” với nguồn kinh phí 400 tỷ đồng, triển khai từ năm 2026 đến năm 2030.

Dự án “Điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển Quảng Ngãi-Phú Yên đến độ sâu 300m nước, tỷ lệ 1/100.000” với nguồn kinh phí 215 tỷ đồng, triển khai từ năm 2026 đến năm 2028.

Dự án “Điều tra, quan trắc tổng hợp các yếu tố vật lý hải dương và môi trường biển, thiết lập các mặt cắt đặc trưng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” với nguồn kinh phí 290 tỷ đồng. Dự án này triển khai từ năm 2023 đến năm 2026.

Dự án “Tăng cường công tác điều tra cơ bản, quan trắc tài nguyên, môi trường biển thông qua lắp đặt các thiết bị điều tra, quan trắc tài nguyên, môi trường biển vào tàu du lịch khu vực biển Vịnh Hạ Long” với nguồn kinh phí 30 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2021.

Hợp phần 1 dự án “Điều phối, quản lý chung Dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” với nguồn kinh phí 160 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2025.

Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển và hải đảo quốc gia (giai đoạn 2)” với nguồn kinh phí 400 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến 2030.

Hợp phần 1 “Điều tra, đánh giá và xây dựng quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chung Dự án “Điều tra, đánh giá tổng hợp, xác định khả năng chống chịu, sức tải môi trường và hệ sinh thái các vùng biển ven bờ phục vụ phát triển kinh tế bền vững, chủ động ứng phó sự cố môi trường và thiên tai” với nguồn kinh phí 20 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Dự án “Điều tra, đánh giá, rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo” với nguồn kinh phí 30 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2025.

Các dự án trên do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện.

Hai dự án tiếp theo do Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện, gồm: dự án “Điều tra cơ bản hệ thống tài nguyên vị thế, kỳ quan địa chất vùng biển, đảo Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh quốc phòng” với nguồn kinh phí 90 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2022.

Dự án “Điều tra và mô phỏng quá trình xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước dưới đất và ảnh hưởng của nó đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh thái ở các đồng bằng ven biển Việt Nam dưới bối cảnh biến đổi khí hậu” với nguồn kinh phí 30 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2022.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện dự án “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng sóng, năng lượng gió biển trên vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau” với kinh phí 120 tỷ đồng. Thời gian triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Cuối cùng là dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp phương pháp địa vật lý-hải dương xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam” với nguồn kinh phí 60 tỷ đồng.

Dự án này do Cục Viễn thám Quốc gia chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Đó là các Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - đường Máng Nước; Dự án xây dựng cầu Quang Thanh và cầu Dinh.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - đường Máng Nước, nhà thầu đã bắt đầu triển khai từ ngày 25/5/2020, thời gian thực hiện 12 tháng. Trong đó, tiến độ xây dựng 7 tháng (dự kiến hoàn thành 31/12/2020).

Tuy nhiên, công tác GPMB hiện đang chậm hơn so với mốc tiến độ đã đề ra. Trong phạm vi mặt bằng đã được bàn giao, nhà thầu đã thực hiện một số khối lượng chính: đào, bóc hữu cơ nền đường 5.500m3, đắp nền 1.000m3; khoan cọc xi măng đất được 1.029/2.083 cọc (tương đương 14.339/27.766md, đạt 52%), đào mương tạm nắn dòng để phục vụ thi công cống hộp, thi công xong cọc tre, đắp cát đen móng cống và đổ bê tông lót được 20md; lắp dựng 2 trụ tạm cột đôi ly tâm L20 và kéo lắp đường dây phục vụ di chuyển đường điện 110kV. Công tác GPMB phục vụ Dự án hiện cũng rất chậm so với tiến độ dự kiến ban đầu là 2 tháng, hiện mới chỉ bàn giao được khoảng hơn 10.000m2/toàn bộ mặt bằng là hơn 70.000m2.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh, công tác GPMB phía bờ huyện An Lão lại đang chậm so với yêu cầu, lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu lãnh đạo huyện An Lão tiếp tục tập trung cao cho công tác GPMB, khẩn trương xác định giá đất cụ thể, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Đồng thời, vận động thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trong tháng 9/2020. Trường hợp không vận động được thì cần áp dụng các biện pháp thu hồi đất theo quy định và bảo đảm các biện pháp thi công. Thời gian tới, lãnh đạo TP Hải Phòng cũng mong người dân Hải Dương tiếp tục ủng hộ để việc thi công đường dẫn cầu diễn ra an toàn, thuận lợi, bảo đảm tiến độ.

Đường dẫn cầu Quang Thanh qua xã Thanh Cường (Hải Dương) dài hơn 1,7 km. Có 200 hộ thuộc diện phải thu hồi, với tổng diện tích 9,31 ha, trong đó 5,67 ha đất chuyển đổi, 2,99 ha đất thổ cư, còn lại là đất giao thông, thủy lợi, mương máng. Phía huyện Thanh Hà, Hải Dương đang tích cực GPMB, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào đầu tháng 10/2020.

Theo kế hoạch, việc hỗ trợ các hộ có diện tích đất thu hồi để xây cầu được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 có 110 hộ có đất nông nghiệp không có tài sản trên đất. Giai đoạn 3 có 90 hộ có đất thổ cư và đất nông nghiệp có tài sản trên đất. Sáng 11/9 đã có 75 hộ thuộc giai đoạn 1 và 2 được chi trả tiền hỗ trợ, những hộ còn lại sẽ được chi trả vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới.

Về tiến độ thi công, đến nay nhà thầu đã hoàn thành 45/73 cọc khoan nhồi; phần công trình phụ trợ phía bờ An Lão đã thi công xong mố nhô, trạm biến áp phục vụ thi công. Riêng bãi đúc dầm thì hiện tại chưa có mặt bằng; trụ T4 gồm 14 cọc D1500, trụ chính dưới sông đã hoàn thành 14/14 cọc, đổ bê tông bịt đáy, đang thi công bệ trụ... Phía bờ huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), phần công trình phụ trợ đã thi công xong trạm biến áp phục vụ thi công, bãi đúc dầm cũng cơ bản hoàn thành; trụ T5 gồm 14 cọc D1500, trụ chính dưới sông cũng đã hoàn thành.

Còn đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Dinh, về công tác GPMB huyện Thủy Nguyên đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công từ tháng 7/2020. Về phía huyện Kinh Môn, tính đến 08/9, chính quyền địa phương mới vận động được 02/32 hộ dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu khoảng 6.245m2 (gồm đất bãi ngoài đê và đất khu trang trại trong đê) để thi công trụ T2 và mố M1. Các hạng mục trụ T1, đường đầu cầu, bãi đúc dầm và đường công vụ hiện chưa có mặt bằng để thi công.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị Ban Quản lý và nhà thầu tập trung các phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công phần mặt bằng đã được huyện Thủy Nguyên bàn giao. Đồng thời, đề nghị huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB sớm bàn giao cho nhà thầu trong tháng 9 này để phục vụ công tác thi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành của dự án.

Cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc chờ vốn

Ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ Giao Thông vận tải (Giao thông - Vận tải) Nguyễn Văn Công đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang để lấy ý kiến quy hoạch hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, Dự án Cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc ở thị trấn Dương Đông được khởi công vào ngày 29/4/2015 và theo kế hoạch trong năm 2017 sẽ đi vào hoạt động. Thế nhưng đến nay Dự án đang nằm chờ phần vốn của ngân sách Trung ương để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đi vào hoạt động.

Ông Lâm Minh Thành cho biết, Dự án Cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc có tổng vốn trên 1.600 tỷ đồng bằng phương thức BOT và hợp tác công - tư (PPP). Trong đó vốn góp nhà đầu tư (Vingroup) chiếm 1/3 và phần còn lại là vốn địa phương và vốn Trung ương. Đến nay vốn của nhà tư và vốn địa phương đã góp vào và thi công xong các công trình cơ bản như đê chắn sóng, cầu cảng 1.200 m và đường dẫn... Hiện dự án đang chờ vốn Trung ương 477 tỷ đồng để xây dựng các công trình nhà đều hành, các khu chức năng nghiệp vụ và kỹ thuật trên bờ để sớm đưa vào khai thác.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, vừa qua Bộ Giao thông - Vận tải đã nhiều lần đề xuất đưa kinh phí dự án này vào bố trí vốn trung hạn năm 2020-2025, nhưng các bộ ngành và Chính phủ không sắp xếp được. Do vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang đàm phán với nhà đầu tư tăng tỷ lệ góp vốn trong hợp tác dự án PPP này.

"Những năm gần đây Bộ tài chính đã nâng mức thu phí qua cảng biển quốc tế lên nhiều lần so với khi xây dựng phương án tài chính của dự án này. Cụ thể là khi ký kết hợp tác đầu tư dự án này là 0,9 USD/người, sau đó lên dần và đến nay là trên 5 USD/người. Và khả năng mỗi năm Phú Quốc sẽ đón từ 5.000 - 6.000 khách qua cảng biển này. Do vậy nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn và có khả năng sẽ tăng vốn góp vào nhiều hơn", ông Công gợi ý.

Ông Lâm Minh Thành ghi nhận ý kiến đề xuất giải pháp về vốn cho dự án này. Tuy nhiên ông Thành cũng lưu ý, nếu nhà đầu không tham gia góp vốn thêm nữa thì UBND tỉnh sẽ thông qua Hội đồng dân tỉnh tiếp tục dùng ngân sách địa phương cho dự án này sớm đi vào hoạt động và tránh lãng phí công trình đầu tư.

Bình Định kiến nghị đầu tư gần 7.600 tỷ đồng hoàn thiện tuyến đường ven biển

UBND tỉnh Bình Định vừa có đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ kinh phí thực hiện hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dự án đường ven biển.

Một trong những đoạn tuyến ven biển tại Bình Định đang được các nhà thầu thi công
Một trong những đoạn tuyến ven biển tại Bình Định đang được các nhà thầu thi công

Mục tiêu của Dự án là từng bước hoàn thiện tuyến hành lang ven biển, phục vụ phát triển KT-XH và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực ven biển; hình thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn...

Theo Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010, đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 117,96 km, được chia thành các đoạn tuyến để đầu tư theo từng giai đoạn.

Hiện nay, 4 đoạn tuyến (Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, Lại Giang - Thiện Chánh và đoạn đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân) đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần, kết hợp với ngân sách tỉnh triển khai đầu tư.

5 đoạn tuyến còn lại (quốc lộ 1D – quốc lộ 19, Diêm Vân - Gò Bồi, Cát Tiến - Gò Bồi, Mỹ Thành - Lại Giang và Thiện Chánh - Tam Quan) đang được tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để đề xuất Trung ương hỗ trợ từ vốn ngân sách Trung ương, vốn đầu tư nước ngoài và ngân sách tỉnh.

Hiện nay, Bình Định đã bố trí vốn để triển khai 4 đoạn tuyến là 921 tỷ đồng ( trong đó ngân sách địa phương 237 tỷ đồng và ngân sách Trung ương hỗ trợ 684 tỷ đồng).

UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hoặc vốn đầu tư nước ngoài 7.593 tỷ đồng để hoàn thiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ 4 đoạn tuyến đã triển khai thi công là 1.970 tỷ đồng và triển khai xây dựng 5 đoạn tuyến còn lại là 5.623 tỷ đồng.

Đầu tư 400 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua Tp. Đà Nẵng

Khoảng 7,5 km Quốc lộ 14B đoạn qua địa phận huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng sẽ được cải tạo, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 làn xe.

Một đoạn Quốc lộ 14B
Một đoạn Quốc lộ 14B

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải xem xét phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư - Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua Tp Đà Nẵng.

Theo đó, đoạn Quốc lộ 14B thuộc phạm vi Dự án có điểm đầu tại Km24+633, thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng; điểm cuối tại Km32+185 thuộc địa phận xã Hoà Khương, huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng với tổng chiều dài khoảng 7,55Km.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất nâng cấp đoạn tuyến này đạt tiêu chuẩn đường ô tô cấp III - đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, rộng 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, vốn Ngân sách Tp Đà Nẵng và nguồn vốn hợp pháp khác.

Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, Dự án sẽ được thực hiện đầu tư trong giai đoạn từ năm 2021-2023; đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2024.

Quốc lộ 14B từ Km0 (cảng Tiên Sa, Tp Đà Nẵng) đến Km73+365 (thị trấn Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam) với chiều dài 73,365km là tuyến đường ngang quan trọng nối liền hai trục dọc là QL.1A (phía đông) và đường Hồ Chí Minh (phía tây).

Đây là tuyến đường ngắn nhất từ Tp. Đà Nẵng lên phía Bắc Tây Nguyên nói riêng và cũng là tuyến đường ngắn nhất từ tất cả các tỉnh, thành phố thuộc Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ ra Đà Nẵng.

Các tuyến đường này nối liền hai vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Liên Chiểu - Dung Quất và vùng kinh tế chiến lược Tây Nguyên, phục vụ các quy hoạch phát triển hiện tại và tương lai các mạng lưới giao thông khu vực cũng như cả nước, đồng thời Quốc lộ 14B cũng thuộc hành lang Đông - Tây nối liền Việt Nam với các nước trong khu vực.

Quốc lộ 14B qua địa bàn Tp Đà Nẵng có chiều dài hơn 32Km (từ cảng Tiên Sa, Km0) đến Km32+185 (thuộc địa phận xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng). Trong đó, đoạn từ cảng Tiên Sa đến nút giao Túy Loan đã được nâng cấp, mở rộng quy mô 4 làn xe, tuy nhiên, đoạn 7,5km còn lại (từ Km24+633 đến Km32+185) hiện mới chỉ có quy mô mặt đường 2 làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai, làm hạn chế năng lực thông hành, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

Do đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn còn lại từ Km24+633 – Km32+185 lên quy mô 4 làn xe nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực, đảm bảo hiệu quả kết nối vùng của tuyến đường cũng như nâng cao an toàn giao thông là rất cần thiết.

Triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình gồm đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình) và đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình); dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quảng Bình (Vạn Ninh) đến Quảng Trị (Cam Lộ).

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư; đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đối với tổng thể tất cả các đoạn còn lại trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội (trong đó, đề xuất các cơ quan và địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đầu tư các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ giao).

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai chia thành 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km đi qua địa phận 13 tỉnh (Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư toàn dự án gần 119.000 tỷ đồng.

Ba dự án FDI ở TP.HCM gặp khó về gia hạn đầu tư

Các dự án Saigon Centre IV, Saigon Centre V của nhà đầu tư Keppel Land (Singapore) và dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Najin Việt Nam (Hàn Quốc) gặp khó về gia hạn đầu tư.

Dự án Saigon Centre rải qua nhiều lần điều chỉnh giấy phép đầu tư.
Dự án Saigon Centre rải qua nhiều lần điều chỉnh giấy phép đầu tư.

Saigon Centre IV và Saigon Centre V là các dự án thành phần của Dự án Saigon Centre ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM) được cấp phép lần đầu năm 1993, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 270 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 32% vốn pháp định bằng quyền sử dụng đất.

Dự án đã trải qua nhiều lần điều chỉnh giấy phép đầu tư và theo giấy phép điều chỉnh gần nhất do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp hồi tháng 3/2017, thì thời gian hoạt động của các dự án là 50 năm kể từ ngày 19/6/1993. Hết thời hạn này, toàn bộ giá trị tài sản cố định của công ty liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam…

Thông tin từ ngành chức năng cho biết, Dự án tổng thể đã hoàn thành xây dựng giai đoạn I và giai đoạn II, riêng giai đoạn III (Saigon Centre IV, Saigon Centre V) vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng do chưa được bàn giao mặt bằng với tổng diện tích là 8.623 m2…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện truyền thông của Kepple Land cho biết, nhà đầu tư đã có văn bản gửi ngành chức năng và chính quyền TP.HCM về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến Dự án. Nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và không bình luận các vấn đề có liên quan tới 2 dự án này.

Theo tìm hiểu, tháng 7/2018, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đến các ngành chức năng của TP.HCM đề nghị điều chỉnh thời hạn hoạt động các dự án thành phần là 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất.

Việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án sẽ dẫn tới thay đổi điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (thời gian chuyển giao theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu là đến năm 2043, nay có thể kéo dài đến năm 2070) và các điều kiện về giao thuê đất, nên thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ… UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét và có ý kiến chấp thuận về việc gia hạn thời hạn hoạt động của các dự án phù hợp với quy định hiện hành.

Dự án của Công ty TNHH Najin Việt Nam có mục tiêu hoạt động là sản xuất đế giày thể thao, các loại khuôn mẫu để sản xuất đế giày thể thao… Nhà máy đặt tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Dự án được cấp phép lần đầu năm 2008, có vốn đầu tư đăng ký hơn 2,7 triệu USD, thời gian hoạt động là 20 năm. Theo giấy phép đầu tư, đến tháng 11/2014 là hết thời hạn hoạt động của dự án này.

Được biết, 6 tháng trước khi hết hạn giấy chứng nhận đầu tư, Najin Việt Nam đã nộp hồ sơ đến cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư với các nội dung: bổ sung ngành nghề kinh doanh và mục tiêu hoạt động; chuyển nhượng vốn, bổ sung nhà đầu tư, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và gia hạn thời gian hoạt động từ 20 năm lên 50 năm.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, sau khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, để có cơ sở xem xét gia hạn thời gian hoạt động của Dự án, Sở đã có văn bản gửi cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… cho ý kiến về việc chấp hành pháp luật nộp ngân sách nhà nước về thuế và thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động của doanh nghiệp.

Các văn bản trả lời sau đó của ngành chức năng đã nêu các vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư không có cơ sở để tham mưu với cấp có thẩm quyền gia hạn thời hạn hoạt động dự án vì nhà đầu tư không chấp hành tốt các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam…

Najin Việt Nam cho biết, đã cung cấp cho UBND TP.HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư các dẫn chứng về sai sót của cơ quan hải quan và thuế trong việc tính thuế khiến Công ty bị ghi nợ tiền thuế, dù các khoản này đã được hoàn tất hoặc được miễn. Theo đại diện Najin Việt Nam, do không được gia hạn hoạt động, Công ty phải đóng cửa từ cuối năm 2014, chủ doanh nghiệp đã bị cấm xuất cảnh 2 năm, không được về nước.

Trong khi đó, đến nay, cơ quan thuế và hải quan vẫn chưa khẳng định rõ ràng số tiền nợ thuế của Najin Việt Nam tại thời điểm được lấy ý kiến năm 2014 đã chính xác chưa hay có sự sai sót như ý kiến của doanh nghiệp. Do đó, các ngành chức năng của TP.HCM không có cơ sở để tham mưu với cấp có thẩm quyền hướng giải quyết tiếp theo cho doanh nghiệp.

Bộ Giao thông chủ động gõ cửa ngân hàng khơi vốn 5 dự án PPP cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông Vận tải sẽ công khai đầy đủ thông tin và tạo những điều kiện tốt nhất để các ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.

Việc huy động vốn tín dụng cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn là một ẩn số.
Việc huy động vốn tín dụng cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn là một ẩn số.

Đây là cam kết được ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại để đánh giá việc huy động vốn tín dụng triển khai đầu tư Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP vừa diễn ra vào chiều nay.

“Ngoài việc cung cấp thông tin chính thức về công tác triển khai các dự án thành phần PPP cao tốc Bắc – Nam, chúng tôi muốn được trực tiếp lắng nghe những ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại lớn trong nước để có thể khơi thông nguồn vốn tín dụng cho công trình trọng điểm quốc gia này”, ông Nhật thông tin.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, mong muốn của Chính phủ và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là các ngân hàng tiếp tục tham gia tài trợ vốn tín dụng cho các nhà đầu tư được lựa chọn tại 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang được triển khai theo hình thức PPP là đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo”, ông Nhật cho biết.

Được biết, ngoài đại diện Ngân hàng Nhà nước, buổi làm việc này còn có một loạt các ngân hàng đã từng tham gia tài trợ vốn cho các dự án BOT giao thông trong những năm vừa qua như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, VP Bank, SHB…

Được biết, từ ngày 16 - 20/7/2020, các Ban QLDA/Bên mời thầu đã thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển. Tổng số có 14/16 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu (dự án ít nhất có 2 nhà đầu tư, nhiều nhất 3 nhà đầu tư). Dự kiến thời điểm mở thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ diễn ra vào khoảng đầu tháng 10/2020.

Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng, trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng cho các nhà đầu tư trong trường hợp trúng thầu nhiều nhất, chiếm hơn 90% các cam kết gửi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

“Theo hồ sơ mời thầu (cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán), tổng vốn đầu tư 5 dự án vào khoảng 39.530 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia là 20.136 tỷ đồng (chiếm khoảng 51%); vốn nhà đầu tư huy động là 19.394 tỷ đồng, chiếm khoảng 49%; gồm vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% khoảng 3.879 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng khoảng 15.515 tỷ đồng”, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) thông tin.

Lãnh đạo Vụ PPP cho biết, trong điều kiện nguồn NSNN còn khó khăn, để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP, có hiệu lực từ tháng 1/2021). Đây được xem là một bước đột phá về khung pháp lý, bao gồm nhiều cơ chế, chính sách hoàn toàn mới, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng, bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo điều kiện để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật PPP, tạo điều kiện để sớm áp dụng, triển khai các dự án.

Đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP, ngay trong quá trình đề xuất chủ trương đầu tư Dự án, Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.

Trong số các cơ chế giúp giảm thiểu rủi ro đáng chú ý nhất là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam được sử dụng vốn Nhà nước triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đến nay đạt khoảng 90%, dự kiến trong quý IV sẽ giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thi công, đáp ứng đúng tiến độ yêu cầu.

Bên cạnh đó, với mức vốn Nhà nước tham gia 5 dự án trung bình khoảng 51% tổng vốn đầu tư (trong đó: dự án có vốn nhà nước thấp nhất khoảng 34%, nhiều nhất là 64%). Với sự tham gia của vốn nhà nước, hiệu quả tài chính các dự án đã được cải thiện rõ rệt.

Cũng tại 5 Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam do được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín với mức phí tính toán theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo công bằng tuyệt đối.

Lãnh đạo Vụ PPP khẳng định khác với các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn trước đây, mức thu phí sử dụng dịch vụ tại 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Cơ chế này tiếp tục được cụ thể hóa hồ sơ mời thầu 5 dự án do đó nhà đầu tư được phép thu phí để hoàn vốn theo đúng khung giá đã cam kết…

“Các dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xây dựng với các chỉ số đầu vào đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, tách bạch so với các dự án BOT trước đây; đồng thời, cơ bản được khắc phục được những tồn tại, vướng mắc tại các dự án BOT trước đây”, ông Thành khẳng định.

Mặc dù 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam đã áp dụng những cơ chế PPP tốt nhất, giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến việc hoàn vốn; tổng nguồn vốn tín dụng huy động không lớn chỉ vào khoảng 15.000 tỷ đồng nhưng việc khơi thông vốn tín dụng đang là nỗi lo lắng lớn của cả Bộ GTVT lẫn các nhà đầu tư.

Dẫn thông tin của Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ PPP – Bộ GTVT cho biết, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

Các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài,... nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Thực tế trong hơn 2 năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Đó là chưa kể đến việc hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

Tại cuộc họp, cả đại diện Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng lớn đều mong Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT giao thông, xử lý nợ xấu như là một trong những điều kiện quan trọng để khơi thông nguồn vốn đầu tư vào các dự án giao thông trong điểm (trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông).

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cho biết là với trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thời gian vừa qua Bộ GTVT đã nỗ lực phối hợp với các nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT.

“Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép ap dụng mức phí tăng theo lộ trình trong hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư; không triển khai tổ chức thu phí tại 06 trạm bất cập, có nguy cơ phát sinh vấn đề an ninh trật tự, bố trí NSNN để nước hoàn trả hoàn trả cho doanh nghiệp BOT theo cam kết trong hợp đồng”, ông Nhật thông tin và khẳng định Bộ GTVT luôn cầu thị, có trách nhiệm khi xử lý các tồn tại tại các dự án BOT trước đây để tạo niềm tin cho các ngân hàng tham gia 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.

Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cung cấp tín dụng tiếp tục hỗ trợ, có ý kiến đồng thuận về các giải pháp đề xuất của Bộ GTVT trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT giai đoạn trước đây. Đồng thời, xem xét áp dụng giải pháp giãn nợ, cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT đang gặp khó khăn do chính sách của Nhà nước thay đổi.

Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các ngân hàng thương mại đã cung cấp cam kết tín dụng cho các nhà đầu tư trong bước sơ tuyển tiếp tục khẳng định và cung cấp tín dụng ở bước đấu thầu, ký kết hợp đồng tín dụng sau khi nhà đầu tư được công bố trúng thầu, tránh tình trạng nhà đầu tư được chọn không thu xếp được vốn tín dụng, làm lỡ dở công tác triển khai các dự án.

“Với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và các số liệu liên quan đến 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP, đồng thời tạo những điều kiện tốt nhất để các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét, thẩm định và quyết định việc cung cấp tín dụng cho các dự án”, ông Nhật khẳng định.

''Hợp lực'' tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cầu Hòa Bình 3 được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2020. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Cầu Hòa Bình 3 được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2020. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, một trong những giải pháp quan trọng được coi như chìa khóa cho tăng trưởng hiện nay đó là phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ tinh thần phải tạo sự chuyển biến đồng bộ nhằm giải ngân mục tiêu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 và sẽ duy trì họp hằng tháng để kiểm điểm tình hình, tìm giải pháp tăng tốc giải ngân...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giải ngân vốn đầu tư công đang được tập trung thực hiện, với quyết tâm cao và những giải pháp thiết thực. Hiện, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và 63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Nhờ đó, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8/2020 ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 250 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 50,1% và tăng 5,4%).

Tuy nhiên, thực tế giải ngân hiện nay vẫn đặt ra yêu cầu cần tăng tốc độ và có sự bứt phá để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới. Giải thích nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể như giải ngân chậm do giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu.

Cùng với đó, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Việc triển khai tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, việc đôn đốc nhà thầu thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Còn nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù như: Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Bên cạnh đó, do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại.

Về phía địa phương, có thể kể đến quyết tâm của thành phố Hà Nội phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Hà Nội đang tập trung hoàn thiện, sớm khánh thành một số dự án quan trọng như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt, đoạn Vành đai 3 Mai Dịch-Cầu Thăng Long...cũng như tiếp tục khởi công một số dự án mới.

Tại hội nghị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 63 tỉnh, thành trong cả nước vừa được tổ chức gần đây, hầu hết ý kiến các địa phương đều cho rằng, cần sự đôn đốc, theo dõi sâu sát và chuẩn bị kỹ càng của chính quyền trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kể từ lần giao ban tháng trước, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Bộ cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp như: giao ban với từng chủ đầu tư hai tuần một lần, ra nghị quyết những chủ đầu tư nào không giải ngân theo tiến độ cam kết, sẽ không giao đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân của ngành đạt trên 50%.

Còn Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 32% kế hoạch, chủ yếu do giá đất trên địa bàn có sự biến động, từ đó, gây khó khăn cho đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua làm việc trực tiếp với một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay nhưng cần có nghị quyết đủ mạnh, có thể điều chỉnh vốn trong nội bộ ngành, thậm chí điều chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Ngoài ra, do các dự án sử dụng vốn ODA mất nhiều thời gian chuẩn bị và yêu cầu chặt chẽ về mặt thủ tục nên cần có sự phối hợp giữa các bộ và địa phương để có sự chuẩn bị sớm.

Đặc biệt đã xuất hiện những cách làm hiệu quả như lãnh đạo đi từng công trình, thường xuyên giao ban, đôn đốc và điều chuyển vốn giữa các dự án; thậm chí chuyển chủ đầu tư hoặc đưa ra chế tài mạnh như: chậm tiến độ thì nhà thầu không được xem xét tham gia các dự án trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh kế hoạch thực hiện giải ngân hết vốn năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020; đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 theo đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Mặt khác, rà soát, tổng hợp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Hiện các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân công lãnh đạo phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, thường xuyên giao ban theo tháng để nhận diện từng khó khăn, vướng mắc để kịp chỉ đạo điều hành. Các bộ, ngành địa phương chủ động, tích cực hơn trong việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 từ dự án triển khai chậm sang các dự án khác giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Gần đây, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư.

"Các đơn vị cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, giải phóng mặt bằng của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân; đồng thời, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, các địa phương cũng đã có đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một số địa phương vùng khó khăn cho rằng định mức phân bổ như hiện nay vẫn mang tính chất bình quân, chưa tạo được lợi thế của từng địa phương. Do vậy, Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương kịp thời triển khai sát tình hình thực hiện.

Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu "phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công"./.

Thưa vắng dự án FDI vào dệt may

Sự thưa vắng các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào dệt may là điều không quá bất ngờ trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế dòng vốn FDI vào dệt may thời gian qua cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư.
Thực tế dòng vốn FDI vào dệt may thời gian qua cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Do tác động của Covid-19, từ đầu năm 2020, những dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam không còn tấp nập như thời gian trước. Mới đây nhất, tháng 7/2020, Công ty TNHH Thời trang Fortunate Hồng Kông Việt Nam đã khởi công Dự án Nhà máy may mặc Fortunate Việt Nam. Dự án chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang may mặc tại Tây Ninh với quy mô 19,2 triệu sản phẩm/năm.

Ngoại trừ dự án trên, những dự án ngành dệt may được khởi công từ đầu năm đến nay đều là những dự án của các nhà đầu tư đã khá biết mặt quen tên tại Việt Nam. Cụ thể, cuối tháng 5/2020, Công ty TNHH Texhong Dệt Kim (Hồng Kông) được Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Dự án trên có tổng vốn đăng ký 214 triệu USD, sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, quy mô hơn 2.700 lao động. Theo kế hoạch, cuối năm 2021, giai đoạn I của Dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn II sẽ được hoàn thiện và đi vào vận hành sau đó 20 tháng.

Công ty TNHH Texhong Dệt Kim thuộc Tập đoàn Texhong là gương mặt thân quen với ngành dệt may Việt Nam với các hoạt động đầu tư sản xuất sợi xuất khẩu trong một thập niên trở lại đây. Nhà đầu tư này đã đầu tư 2 dự án dệt là Texhong Hải Yên và Texhong Ngân Hà tại Quảng Ninh, với tổng quy mô 800.000 cọc sợi/năm, tổng năng lực sản xuất khoảng 400 tấn/năm với 1.200 cỗ máy dệt.

Một dự án khác của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) 100% vốn Trung Quốc được khởi công hồi tháng 2 năm nay là Dự án Nhà máy sản xuất sợi Brotex Khu C - giai đoạn IV tại Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Giống như Texhong, Brotex không phải là tên tuổi mới đầu tư vào mảng nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam.

Trước khi khởi công dự án mới, cũng tại Khu công nghiệp Phước Đông, nhà đầu tư này đã đầu tư dự án 400 triệu USD, gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn I có vốn đầu tư 100 triệu USD, đã xây dựng xong 2 nhà xưởng sản xuất, lắp đặt 100.000 cọc sợi, có 14 kho nguyên liệu và 2 nhà xưởng nhuộm, sản lượng ước tính 15.000 tấn sợi/năm. Giai đoạn II có vốn đầu tư 150 triệu USD, đang xây dựng 4 nhà xưởng sản xuất và lắp đặt 200.000 cọc sợi, với sản lượng ước tính đạt 30.000 tấn sợi/năm. Giai đoạn III có vốn đầu tư 150 triệu USD, gồm 4 nhà xưởng sản xuất và lắp đặt 200.000 cọc sợi.

Trong 8 tháng năm 2020, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh chung đó, dòng vốn FDI vào dệt may cũng không đi lệch quỹ đạo, với sự thận trọng của các nhà đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp dệt may 100% vốn nước ngoài với 2 nhà máy may tại Hải Dương cho rằng, quá trình đầu tư một dự án công nghiệp nặng thường mất 3-5 năm, nhưng một dự án đầu tư nhà máy may hàng xuất khẩu chỉ mất vài ba tháng để hoàn thiện, tính cả thời gian tuyển dụng nhân công cũng chỉ 8-9 tháng. Các dự án nguyên phụ liệu phức tạp hơn, nhưng thời gian đầu tư cũng chỉ hơn 1 năm.

Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang kéo nhu cầu thị trường xuống thấp, tiềm ẩn không ít rủi ro cho nhà đầu tư, thì việc thận trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Theo đánh giá mới nhất từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 8 tháng năm 2020, chưa xuất hiện khoản đầu tư lớn nào từ nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam.

“Rất khó để đề cập dòng vốn FDI của các nhà đầu tư mới tại thời điểm này, bởi nhu cầu thị trường đã xuống rất thấp. Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn như Mỹ, EU vẫn đang chật vật chống dịch, sức mua chưa tăng trở lại… Khi nhu cầu hàng hóa thấp, đương nhiên nhà đầu tư càng thận trọng”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas nhận định.

Mở thầu 13 gói thầu xây lắp tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi

Đã có 34 liên danh, 10 nhà thầu độc lập nộp hồ sơ dự thầu tại 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công.

Hiện nay các Ban QLDA đang tích cực đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo kết quả đánh giá chính xác, tuân thủ quy định.
Hiện nay các Ban QLDA đang tích cực đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo kết quả đánh giá chính xác, tuân thủ quy định.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến ngày 15/9, toàn bộ 13/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã được mở xong hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, vào 9h00 ngày 14/9/2020, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 đã tổ chức mở thầu 1 gói thầu còn lại thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Gói thầu 1 – XL). Lúc 14h00 ngày 14/9/2020, Ban QLDA Thăng Long đã tổ chức mở thầu 2 gói thầu còn lại thuộc Dự án Phan Thiết - Dầy Giây (Gói thầu 2 – XL và 3 – XL). Kết quả cho thấy, cả 3 gói thầu nói trên đều có nhiều hơn 3 nhà thầu tham dự, đủ điều kiện để mở thầu.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, 13/13 gói thầu thuộc 3 dự án đã được mở thầu thành công và chuyển sang giai đoạn đánh giá Hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, tại Dự án Mai Sơn - QL45 gồm 5 gói thầu xây lắp, Ban QLDA Thăng Long đã nhận được 15 hồ sơ dự thầu, trong đó có 11 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 4 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập;

Tại Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết gồm 4 gói thầu, Ban QLDA 7 đã nhận được 16 hồ sơ dự thầu, trong đó có 13 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 3 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.

Tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây gồm 4 gói thầu, Ban QLDA Thăng Long đã nhận được 13 hồ sơ dự thầu, trong đó có 10 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 3 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.

Được biết, trong 360 bộ hồ sơ mời thầu được phát hành có 44 hồ sơ nộp dự thầu, trong đó 34 nhà thầu tham gia với tư cách là Liên danh và 10 nhà thầu tham gia với tư cách độc lập. Có khoảng 50 doanh nghiệp xây lắp tham gia dự thầu với tư cách tham gia nhà thầu liên danh hoặc nhà thầu độc lập. Hầu hết những tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam như: Đèo Cả, Vinaconex, Cienco1, Cienco4, Cienco5, Cienco6, Cienco8, Trường Sơn, Sơn Hải, Xuân Trường, Licogi, Vạn Cường, Phương Thành, Trung Chính, Thăng Long, Cường Thịnh Thi, Hoàn Hảo, Đạt Phương, Hải Thạch, Trường Thịnh, Lilama, Tân Nam… đều đã nộp hồ sơ dự thầu.

Trước đó, ngày 4/9/2020, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 đã tổ chức công khai lễ mở thầu 13 gói thầu thuộc 3 dự án. Dự lễ mở thầu có sự tham gia giám sát của Cục Cảnh sát Điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03), Báo đấu thầu và Cục QLXD. Có 10/13 gói thầu có từ 3 nhà thầu tham gia trở lên đủ điều kiện mở thầu, còn 3 gói thầu (Gói thầu XL01 thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Gói thầu số 2-XL, số 3-XL thuộc Dự án Phan Thiết - Dầy Giây) có ít hơn 3 nhà thầu. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong công tác đấu thầu, Bộ GTVT đã chấp thuận gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày đối với 3 gói thầu Xây lắp trên (đến ngày 14/9/2020).

Bộ GTVT cho biết là hiện nay các Ban QLDA đang tích cực đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo kết quả đánh giá chính xác, tuân thủ quy định. Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) thực hiện theo dõi quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, phối hợp chặt chẽ với các Vụ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, khoa học công nghệ trong quá trình thẩm định để trình Bộ GTVT phê duyệt các bước đánh giá đáp ứng tiến độ khởi công 1 gói thầu/1 dự án vào cuối tháng 9/2020 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 9/2020, Bộ GTVT đã chủ động có văn bản gửi Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đề nghị phối hợp, tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai các dự án nhằm giám sát, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng để đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam phải là các dự án mẫu mực.

Để có thể lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án trọng điểm quốc gia, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT và các quy định có liên quan cũng như từ thực hiện tại các Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.

Theo đó, để được đánh giá là đạt điểm kỹ thuật, các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm; phải đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây, trong đó nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét. Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên trong liên danh…

Về nguồn lực tài chính, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng xác nhận có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).

Về số lượng thành viên liên danh, hồ sơ mời thầu quy định không quá 3 thành viên trong 1 gói thầu, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 25% giá trị gói thầu. Các nhà thầu chính được quyền thuê nhà thầu phụ nhưng tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (tùy theo tính chất gói thầu để quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu.

Theo quy định tại hồ sơ mời thầu có phần chấm điểm đánh giá kỹ thuật bao gồm: giảipháp kỹ thuật (35 điểm); tiến độ thi công (20 điểm); biện pháp đảm bảo chất lượng (25 điểm); vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, an toàn giao thông và uy tín nhà thầu (20 điểm).

Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải có tổng số điểm lớn hơn hoặc bằng 70% tổng số điểm kỹ thuật và có điểm kỹ thuật của mỗi tiêu chí tổng quát lớn hơn hoặc bằng mức điểm tối thiểu bằng 70% của số điểm tối đa theo tiêu chí đó. Các hồ sơ dự thầu sẽ được đánh giá đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật và đưa vào đánh giá xem xét về tài chính.

Để đảm đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để có thể triển khai thi công các dự án đảm bảo hiệu quả, minh bạch, đúng tiến độ, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để thúc đẩy quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác GPMB để sớm bàn giao mặt bằng, công địa sạch cho các nhà thầu thi công, tránh tình trạng “xôi, đỗ” gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng hiệu quả trong thi công.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2020, Bộ GTVT cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai. Tại công văn này, Bộ GTVT muốn lãnh đạo các tỉnh này chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành việc bàn giao toàn bộ mặt bằng 3 Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là Mai Sơn- QL45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây trước khi các gói thầu được đồng loạt khởi công.

“Để đảm bảo tiến độ khởi công 3 dự án trong tháng 9/2020, Bộ GTVT đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 13%), bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án trong tháng 8/2020”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Khánh thành nút giao thông An Sương trị giá 500 tỷ đồng

Sáng 19/9, nút giao thông An Sương vốn đầu tư 500 tỷ đồng khánh thành. Nút giao này góp phần giảm tình trạng ùn tắc phương tiện và mở toang cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM.

Nút giao thông An Sương là nút giao thông 3 tầng. Theo đó, tầng hầm cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 và ngược lại.

Tầng trên mặt bằng nút giao có đảo tròn trung tâm, kết hợp hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho các xe đi vào vòng xuyến rẽ trái, rẽ phải về các hướng. Tầng trên cùng là cầu vượt cho xe đi thẳng theo hướng Quốc lộ 1.

Quy mô dự án nút giao thông An Sương gồm hầm chui đôi theo hướng đường Trường Chinh - Quốc lộ 22, mỗi hướng một hầm, mỗi hầm rộng 9 m (đáp ứng 2 làn xe).Tổng chiều dài 2 hầm 830m.

Trong đó, phần hầm kín dài 125m, phần hầm hở có tổng chiều dài 580m. Ngoài ra, dự án còn mở rộng phần đường phía xã Bà Điểm, lắp đặt bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh, mảng xanh, biển báo giao thông. Tổng mức đầu tư dự án 514 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 314 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật 130 tỷ đồng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, cho biết việc khánh thành nút giao thông An Sương giúp giảm giao cắt giữa các luồng xe trong nút, từ đó giúp tình hình giao thông ổn định, các phương tiện lưu thông an toàn hơn, góp phần giải quyết “điểm đen” về ùn tắc, tai nạn giao thông.

Trước đó, nhánh hầm N1 (dài 445m) đã thông xe vào tháng 3/2018. Sau khi thông xe nhánh hầm này đã giải quyết tốt giao thông hướng từ đường Trường Chinh - Quốc lộ.

Nhánh hầm N2 (dài 385m) được hoàn thành và thông xe vào ngày 15/7/2020 khơi thông hướng từ Quốc lộ 22 đi đường Trường Chinh vào trung tâm TP.HCM.

Tổng chiều dài 2 nhánh hầm N1 và N2 là 830m.

Từ đầu tháng 9/2020 tới nay, các nhà thầu thi công gấp rút và hoàn thành các hạng mục còn lại như các vị trí cải tạo vỉa hè, cải tạo mảng xanh, hoàn thiện mặt đường khu vực vòng xoay An Sương phía QL1…

Đã có đầu mối nghiên cứu Dự án xây dựng vành đai 4, vùng Thủ đô Hà Nội

Ban quản lý dự án 2 được giao tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Bản đồ quy hoạch đường Vành Đai 4 Hà Nội.
Bản đồ quy hoạch đường Vành Đai 4 Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định giao Ban quản lý dự án 2 tiến hành tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Ban Quản lý dự án 2 sẽ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án với mục tiêu gồm việc hình thành vành đai đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các địa phương trong vùng Thủ đô, giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội; kết nối mạng lưới giao thông vùng, mạng lưới giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả của các tuyến cao tốc đang khai thác trong vùng Thủ đô; tạo bước phát triển đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, dịch vụ, công nghiệp cho các địa phương trong vùng Thủ đô nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và giao thông Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch.

Thời gian thực hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là từ năm 2020 đến 2022.

Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các Bộ, địa phương tại các văn bản tham gia ý kiến về việc triển khai đầu tư hệ thống đường vành đai vùng Thủ đô và phối hợp,làm việc với các địa phương để kế thừa toàn bộ các kết quả đã và đang nghiên cứu triển khai, bảo đảm quyền hợp pháp của các chủ đầu tư đã tham gia các dự án thành phần trước đây.

Trước đó, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ tiến độ triển khai các tuyến đường vành đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng đồng ý với đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT đối với đường Vành đai 4 và Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội về việc giao Bộ GTVT chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (mỗi vành đai vùng là 1 dự án quan trọng quốc gia) trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.

Theo Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4, tuyến đường này chiều dài 98 km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư được xác định từ vốn ngân sách nhà nước, ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. UBND các tỉnh/thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP.

Đến nay, mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (dài 53,52km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19km), tỉnh Bắc Ninh (21km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Tin bài liên quan