Đầu tư tuần qua: Duyệt Quy hoạch sân bay toàn quốc 420.000 tỷ đồng; nhà máy sản xuất khí công nghiệp 3.157 tỷ đồng

Đề xuất đầu tư 2.297 tỷ đồng nâng cấp 12 km Quốc lộ 37 qua Hải Dương; Duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, vốn 420.000 tỷ đồng…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Cần Thơ đề nghị chuyển gần 360 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 sang nơi có nhu cầu

UBND TP. Cần Thơ vừa có Công văn số 1933/UBND-XDĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài).

Công trình xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ quy mô 500 giường

Công trình xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ quy mô 500 giường

Tại Công văn nêu trên, UBND TP. Cần Thơ cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư cộng năm 2023 Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao 7.875,185 tỷ đồng tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.730,250 tỷ đồng, gồm vốn trong nước 1.965,700 tỷ đồng (trong đó có 350 tỷ đồng dành cho Dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và 1.095 tỷ đồng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); vốn nước ngoài 764,550 tỷ đồng.

Đến nay, TP. Cần Thơ đã giao chi tiết 2.212,615 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, còn lại 517,635 tỷ đồng chưa giao chi tiết.

Vốn trong nước còn lại 158 tỷ đồng chưa giao chi tiết, dự kiến bố trí cho Dự án nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ (105 tỷ đồng, dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt); Dự án nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 9 Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ (53 tỷ đồng, dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Vốn nước ngoài còn 359,635 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ (quy mô 500 giường).

Tuy nhiên, với Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn đã hết, thủ tục gia hạn chưa thể hoàn thành và không thể giải ngân vốn ODA dự kiến bố trí cho dự án trong năm 2023.

“UBND TP. Cần Thơ kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chuyển 359,635 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 (vốn nước ngoài) sang bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu”, Công văn nêu.

Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ được xây dựng tại Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có quy mô 500 giường bệnh, được đầu tư hiện đại và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị y tế. Đồng thời, đây còn là cơ sở dữ liệu ung thư kết nối dữ liệu quốc gia và quốc tế phục vụ cho nghiên cứu đào tạo và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo thiết kế, Dự án gồm 4 khối nhà chính, với tổng diện tích sàn là 46.453 m2, có tổng mức đầu tư gần 1.728 tỷ đồng (tương đương 70.574.000 Euro). Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.394 tỷ đồng (tương đương 56.927.480 Euro, chiếm 80,66%) và vốn đối ứng của TP. Cần Thơ trên 334 tỷ đồng (tương đương 13.646.520 Euro, chiếm 19,34%). Dự án do Sở Y tế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Dự án đã được tổ chức lễ động thổ vào ngày 11/10/2017. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 9/2021 đưa vào hoạt động thay thế cho cơ sở Bệnh viện ung bướu hiện nay (tọa lạc tại đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều) vốn dĩ chật hẹp và quá tải. Tuy nhiên, do vướng mắc về tỷ lệ xuất xứ hàng hóa, trang thiết bị bệnh viện, Dự án chậm tiến độ và hiện nay đã ngưng thi công.

Liên quan đến vướng mắc làm chậm tiến độ xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, tại Công văn số 205/TB-VPCP ngày 3/6/2023 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (vào ngày 14/5/2023), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo và giải quyết trong quý III/2023; giao Bộ tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ và các Bộ, cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác khẩn trương đàm phán với phía Hungary gia hạn Hiệp định khung của Dự án, giải quyết vướng mắc về tỷ lệ xuất xứ hàng hóa với trang thiết bị bệnh viện để tiếp tục triển khai Dự án.

Đề xuất đầu tư 2.297 tỷ đồng nâng cấp 12 km Quốc lộ 37 qua Hải Dương

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hải Dương nghiên cứu và có ý kiến về nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn từ Km87+403-Km99+680.

Quốc lộ 37 qua Hải Dương hiện đã xuống cấp, chật hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Ảnh: Ngân Tuyền.

Quốc lộ 37 qua Hải Dương hiện đã xuống cấp, chật hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Ảnh: Ngân Tuyền.

Cụ thể, Bộ GTVT muốn địa phương cho ý kiến về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của địa phương; sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến; các nội dung liên quan khác của dự án.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn từ Km87+403-Km99+680, tỉnh Hải Dương.

Dự án có điểm đầu tại Km87+403/Quốc lộ 37 giao với Quốc lộ 18 (tại Km37+750/Quốc lộ 18); điểm cuối: tại Km99+680/Quốc lộ 37 giáp ranh với tỉnh Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến xây dựng khoảng 12km nằm trên địa bàn TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Dự án sẽ được nâng cấp theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 2-4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, trong đó đoạn Km87+403-Km92+900 có chiều rộng nền đường 20,5m (4 làn xe cơ giới); đoạn Km92+900-Km99+680 có chiều rộng nền đường 12m (2 làn xe cơ giới); không đầu tư đoạn Km81+750-Km87+403.

Hướng tuyến nghiên cứu cơ bản bám theo đường cũ hiện tại, chỉ cải nắn cục bộ để đảm bảo hướng tuyến được hài hoà, êm thuận và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng.

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án là 2.297 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 414 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 1.632 tỷ đồng, được đầu tư từ Ngân sách nhà nước (từ Vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2025-2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác).

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ khởi công vào Quý IV năm 2024, hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 24 tháng kể từ ngày khởi công. Về phương án bố trí vốn, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất trong năm 2023 bố trí kinh phí chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng khoảng 500 tỷ đồng; năm 2024: giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng khoảng 1.300 tỷ đồng; năm 2025- 2026: Hoàn thành công trình; nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng khoảng 497 tỷ đồng.

Dự án do Bộ GTVT đóng vai trò là cấp quyết định đầu tư; chủ đầu tư là Cục Đường bộ Việt Nam; tổ chức quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 3; Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng: UBND tỉnh Hải Dương.

Quốc lộ 37 đoạn Km81+750-Km99+680 (lý trình cũ Km77+850 – Km93+839) có chiều dài 18,62km, đi qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thuộc địa phận TP. Chí Linh, có vị trí quan trọng, phục vụ vận tải cho các tỉnh ra cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và lên cửa khẩu Lạng Sơn.

Hiện nay, đoạn Km81+750-Km85+350 đã và đang được đầu tư với quy mô nền đường 19- 21m (đảm bảo khai thác 4 làn xe cơ giới); đoạn Km85+350-Km87+403 đi trùng Quốc lộ 18; đoạn Km87+403-Km99+680 có mặt đường nhỏ hẹp, mặt đường rộng 5,5-7m, chiều rộng nền đường 7,5- 9 m (tương đương đường cấp IV – V), lưu lượng phương tiện lớn (8.000-10.000 lượt phương tiện/ngày đêm) chủ yếu là xe container và xe tải nặng nên mặt đường 3 xuống cấp, hư hỏng và nguy cơ an toàn giao thông.

Đặc biệt, đoạn tuyến đi qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và khu vực dân cư tập trung thành phố Chí Linh, thường xuyên ách tắc trong các dịp lễ hội, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, vì vậy việc đầu tư tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương.

Trước đây, đoạn tuyến Km81+750 – Km99+680 (theo lý trình cũ Km77+850 – Km93+839) đã được nghiên cứu, quyết định đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, năm 2011 Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2164/QĐBGTVT ngày 30/9/2011, năm 2014 lập đề xuất Dự án theo hình thức BOT, năm 2015 Ban quản lý dự án 2 lập hồ sơ đề xuất Dự án, năm 2022 Sở GTVT Hải Dương đã lập hồ sơ đề xuất Dự án; tuy nhiên chưa được bố trí vốn để triển khai đầu tư đồng bộ.

Do đoạn Km81+750-Km87+403 đã đạt quy mô 4 làn xe hoặc đi trùng Quốc lộ 18, nên tại báo cáo này đề xuất nghiên cứu nâng cấp đoạn Km87+403- Km99+680/Quốc lộ 37 (từ nút giao với Quốc lộ 18 đến giáp ranh tỉnh Bắc Giang).

Hà Tĩnh đã bàn giao 90% mặt bằng Cao tốc Bắc - Nam cho chủ đầu tư

Tính đến nay, Hà Tĩnh đã kiểm đếm đạt 99,96%, phê duyệt phương án bồi thường 91,17% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 89,23%. Tiến độ giải ngân GPMB là 992,5/2.578,69 tỷ đồng, đạt 38,5%.

Sơ đồ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Hà Tĩnh dài khoảng 102 km đang được tiến hành thi công.

Sơ đồ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua Hà Tĩnh dài khoảng 102 km đang được tiến hành thi công.

Đó là nội dung trọng tâm trong báo cáo tiến độ tại cuộc họp triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh.

Với diện tích mặt bằng bàn giao đạt gần 90%, Hà Tĩnh đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng trong việc giải phóng mặt bằng để chuyển dự án sang giai đoạn thi công, góp phần đưa dự án đi đúng tiến độ, về đích đúng hẹn.

Cụ thể, các địa phương ở Hà Tĩnh đã quy hoạch xây dựng 28 khu tái định cư, 4 nghĩa trang phục vụ việc di dời các hộ dân và cất bốc mồ mả nằm trong phạm vi GPMB dự án. Tới nay, 32 vị trí quy hoạch mặt bằng xây dựng đã được UBND tỉnh chấp thuận. Về hồ sơ thiết kế, đã thẩm định, phê duyệt được 28/32 vị trí.

Hiện đã có 16 khu tái định cư được khởi công xây dựng (Đức Thọ 1, Can Lộc 5, Thạch Hà 6, Kỳ Anh 3 và TX Kỳ Anh 1). Ngoài ra, huyện Kỳ Anh cũng đã khởi công xây dựng 2 khu nghĩa trang.

Cùng với xây dựng các khu tái định cư, Hà Tĩnh cũng đang tập trung cao cho công tác di dời công trình, hạ tầng kỹ thuật (đường điện, cáp quang, đường nước...) nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc.

Hà Tĩnh quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) với nguồn đá xây dựng đã được cấp phép là 16 khu vực; nguồn cát có 3 khu vực, trong đó đã cấp phép khai thác 2 khu vực; nguồn đất đắp có 23 khu vực, trong đó 11 khu vực quy hoạch, chưa cấp phép; 11 khu vực đã cấp phép khai thác và 1 khu vực đang đề nghị bổ sung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tới nay, Sở TN&MT đã tiếp nhận 6 hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (5 mỏ đất, 1 mỏ cát), trong đó 2 mỏ được UBND tỉnh chấp thuận, 2 mỏ đã trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận, 2 mỏ đang hoàn thiện hồ sơ.

Tại cuộc họp, các đơn vị, địa phương báo cáo về tiến độ thực hiện công tác GPMB, trong đó tập trung vào quá trình xây dựng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án. Chủ đầu tư và đơn vị thi công đánh giá thời gian qua, UBND tỉnh và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác GPMB, quy hoạch nguồn vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải..., phục vụ triển khai dự án.

Tới nay, với diện tích mặt bằng bàn giao đạt gần 90%, góp phần vào việc dự án được khởi công, thi công đúng tiến độ yêu cầu. Chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng đã trao đổi về tiến độ triển khai công trình và nêu một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc thi công, trong đó có nguồn VLXD và đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đại diện các sở, ngành, địa phương của Hà Tĩnh cũng đã có trao đổi lại với chủ đầu tư, nhà thầu nhằm làm rõ một số vấn đề, nội dung liên quan tới công tác GPMB dự án và nguồn VLXD thi công dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương tập trung cao nhất cho công tác GPMB và đảm bảo nguồn VLXD phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam. Để dự án được triển khai đúng tiến độ, đề nghị các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh với mục tiêu bàn giao mặt bằng đúng thời hạn và đảm bảo nguồn VLXD phục vụ thi công dự án.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT trong thực hiện công tác GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam.

Các đơn vị, địa phương cần nỗ lực, tập trung cao nhất, phân công công việc rõ ràng, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đề ra mốc thời gian cụ thể hoàn thành các phần việc, đẩy nhanh công tác GPMB như quá trình xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng đường điện, góp phần đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT.

Thành viên BCĐ cùng các cơ quan được giao trách nhiệm (Sở GTVT, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, tổ giúp việc....) thường xuyên liên lạc, kết nối với chủ đầu tư, đơn vị thi công nhằm bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến nguồn cung VLXD thi công dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các thủ tục, trình tự cấp mỏ khai thác phục vụ dự án cao tốc, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết với mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km, gồm 3 đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Cùng với đó còn có 3 tuyến đường kết nối cao tốc dài 12,18 km là đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan - quốc lộ 1.

Đầu tư gần 150 tỷ đồng xây dựng Thư viện TP. Cần Thơ

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện vừa ký ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND ngày 5/6/2023 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Thư viện TP. Cần Thơ.

Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, với mục tiêu xây dựng nhằm thực hiện các chức năng văn hóa, giáo dục, thông tin và giải trí, làm phong phú đời sống tinh thần của con người và phát triển kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thư viện thành phố Cần Thơ hiện hữu

Thư viện thành phố Cần Thơ hiện hữu

Đồng thời, Thư viện TP. Cần Thơ còn phát huy vai trò là thiết chế văn hóa cấp thành phố, quản lý và phục vụ khối lượng lớn thông tin tài liệu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố, góp phần xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, phát triển thế hệ đọc tương lai.

Dự án có quy mô diện tích khu đất thiết kế sau mở rộng 2.424,4 m2. Trong đó, diện tích khu đất thư viện hiện hữu 1.918,4 m2, phần diện tích đất mở rộng 506 m2.

Khối nhà chính xây dựng mới 1 khối nhà quy mô 1 tầng hầm, 6 tầng và 1 tầng kỹ thuật; diện tích sàn khoảng 8.673,6 m2, bao gồm các khối chức năng: Khối chức năng sảnh tổ chức sự kiện, sinh hoạt văn hóa, triển lãm sách; khối hệ thống kho sách tự chọn (kho mở); khối hệ thống kho lưu trữ tài liệu (kho kín); khối nghiệp vụ và xử lý tài liệu; khối các phòng/khu vực chức năng; khối quản lý; khối phụ trợ, kỹ thuật, phục vụ; sân bãi- giao thông- hầm- lối tiếp cận cho người khuyết tật; khu vực bãi để xe; hệ thống nhà vệ sinh.

Bên cạnh đó là các hạng mục mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu hoạt động, sử dụng của thư viện theo hướng hiện đại.

Thư viện có quy mô thiết kế tối đa đáp ứng trong cùng một thời điểm khoảng 800 người. Sức chưa tối thiểu 950.000 quyển sách, 1.500 kệ sách các loại, tổng số 1.000 chỗ ngồi.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 (ngân sách địa phương).

Tiến độ thực hiện Dự án trong giai đoạn 2022- 2026.

24/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư

Liên quan đến việc hướng dẫn điều chỉnh tiến độ Dự án quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến.

Theo đó, việc điều chỉnh tiến độ dự án đã thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực được quy định tại khoản 4 Điều 117 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được điều chỉnh tiến độ thực hiện không quá 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ cuối cùng tại văn bản lần đầu quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản 4 Điều 41 của Luật Đầu tư.

Thẩm quyền quyết định điểu chỉnh chủ trương đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Đầu tư. Do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND các tỉnh. Thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư rà soát các hồ sơ, tài liệu, đánh giá cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan về việc chậm tiến độ thực hiện của các dự án, tình hình triển khai thực tế của các dự án cũng như đề xuất của nhà đầu tư (nếu có), đối chiếu với các quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư để có cơ sở xém xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án quá 24 tháng với các dự án, trong đó có các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án thuộc thẩm quyền chỉ đạo tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương.

Trước đó, trong Thông báo 182/TB-VPCP liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chưa được vận hành, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.

Trên website của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, đến 17h30 ngày 2/6/2023, đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.643,861 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

EVN cũng công bố bảng biểu cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp của 85 dự án và Bảng thông tin về việc chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 56 dự án đã đề xuất giá tạm.

Thống kê chi tiết của EVN cũng cho thấy có 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Gia Lai tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư nước ngoài

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, trên địa bàn tỉnh này có 10 Dự án có vốn đầu tưnước ngoài, tập trung chủ yếu các lĩnh vực sản xuất điện, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo… Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở này thông tin thêm, sự tham gia của khu vực đầu tư nước ngoài trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng tái tạo là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại dựa trên thế mạnh của tỉnh.

Thời gian gần đây, tỉnh liên tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch… “Điều này phần nào cho thấy, cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của tỉnh, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư tại tỉnh đã phát huy hiệu quả nhất định”, ông Nguyên cho hay.

Gia Lai là tỉnh có nhiều điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng logistics, thương mại, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, với nguồn năng lượng nắng và gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, tỉnh này có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

“Hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Gia Lai là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch. Tỉnh cũng đang thiếu quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nguyên chia sẻ.

Để khắc phục những khó khăn trên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh việc trình thẩm định Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, phân khu, chi tiết các vùng đô thị; đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu du lịch.

Đối với các cụm công nghiệp, tỉnh sẽ rà soát lại quỹ đất của các đơn vị được giao nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, chuyển giao về cho địa phương quản lý để kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh sẽ tổng hợp và kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, nhất là giữa các luật Đất đai, Nhà ở, Quản lý tài sản công…, để tạo thuận lợi cho các dự án.

Không những vậy, liên quan đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch hành động số 1046/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 271-KH/TU của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp gồm: đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư.

Ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, các dự án thân thiện môi trường, khuyến khích đầu tư các lĩnh vực sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại đáp ứng tiêu chí về môi trường khu công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác tối đa thị trường nội địa để thay thế hàng nhập khẩu.

Khánh Hòa triển khai xúc tiến đầu tư sau khi công bố các quy hoạch

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa xây dựng kế hoạch triển khai công tác xúc tiến đầu tư sau Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Yêu cầu đặt ra là việc tổ chức triển khai kế hoạch này trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhóm các Dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, các dự án, các lĩnh vực đã ký kết bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư, nhằm sớm hình thành dự án và triển khai thực hiện đúng trình tự, quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu trên cơ sở các dự án treo bản ghi nhớ tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong phối hợp với các nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định.

Trường hợp đề xuất dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (các dự án trong khu kinh tế và dự án khu công nghiệp) là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh đề xuất dự án theo quy định.

Trường hợp dự án đề xuất thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và giải quyết theo trình tự thủ tục căn cứ nội dung tại Mục hướng dẫn trình tự chung tại Quyết định 3666/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh hướng dẫn trình tự thực hiện dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, nhà đầu tư để thực hiện khảo sát địa điểm, nghiên cứu đầu tư, cung cấp thông tin để nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất dự án; tiếp nhận hồ sơ theo thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thẩm định, báo cáo, đề xuất (nếu có) theo quy định của pháp luật. Giao phòng chuyên mon cử cán bộ phụ trách theo dõi hồ sơ, xây dựng bảng tiến độ các dự án, đôn đốc các đơn vị liên quan; báo cáo tiến độ thực hiện đến UBND tỉnh khi được yêu cầu hoặc báo cáo định kỳ theo kế hoạch được ban hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, nhà đầu tư để xây dựng kế hoạch triển khai cho từng dự án đã trao bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và công bố quy hoạch tỉnh năm 2023; xây dựng bảng tiến độ để theo dõi và kiểm soát tiến độ thực hiện dự án; thẩm định hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án theo thẩm quyền, báo cáo tham mưu UBND tỉnh xem xét Quyết định chủ trương đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với các dự án trọng điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy heo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy.

Đối với các dự án trọng điểm tại khu vực Bắc Vân Phong, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác chuyên trách để chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các công việc liên quan đến các dự án trọng điểm ở khu vực Bắc Vân Phong; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu; xây dựng kế hoạch chi tiết các dự án theo danh mục các dự án đã ký biên bản ghi nhớ và các dự án trọng điểm khác (nếu có) phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đã được phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện…

Quảng Trị phê duyệt 3 dự án khu tái định cư phục vụ cao tốc

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa ký quyết định phê duyệt 3 dự án khu tái định cư phục vụ Dự án Thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn huyện Cam Lộ.

Cụ thể, UBND huyện Cam Lộ được giao chủ đầu tư thực hiện xây dựng khu tái định cư tại các xã Cam Hiếu, xã Cam Tuyền và xã Cam Thủy. 3 khu tái định cư này đều thuộc Tiểu dự án giải phóng mặt bằng Dự án Thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

Người dân xã Cam Hiếu tháo dỡ nhà cửa, chuyển đến nơi ở tạm để bàn giao mặt bằng cho Dự án cao tốc đi qua địa huyện Cam Lộ. Ảnh Thanh Trúc.

Người dân xã Cam Hiếu tháo dỡ nhà cửa, chuyển đến nơi ở tạm để bàn giao mặt bằng cho Dự án cao tốc đi qua địa huyện Cam Lộ. Ảnh Thanh Trúc.

Về quy mô, Khu tái định cư xã Cam Hiếu có tổng diện tích 11,03 ha (diện tích quy hoạch 44,56 ha), bố trí 96 lô đất tại định cư; Khu tái định cư xã Cam Tuyền có diện tích 2,53 ha (diện tích quy hoạch 3,25 ha), bố trí 15 lô đất tái định cư; Khu tái định cư xã Cam Thủy có diện tích khoảng 3,16 ha (diện tích quy hoạch 12,73 ha), bố trí 20 lô tái định cư.

3 khu tái định cư được đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, san nền và phân lô, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cây xanh…

Tổng vốn đầu tư của 3 dự án khu tái định cư tại huyện Cam Lộ là hơn 140 tỷ đồng (xã Cam Hiếu 83 tỷ đồng, xã Cam Tuyền hơn 25,4 tỷ đồng, xã Cam Thủy hơn 31,6 tỷ đồng) từ vốn bố trí giải phóng mặt bằng xây dựng công trình. Thời gian thực hiện 3 dự án này là trong năm 2023.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị cũng vừa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư xã Hải Thái, huyện Gio Linh để phục vụ dự án đường cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. Theo đó, Khu tái định cư xã Hải Thái có diện tích khoảng 3,04 ha, gồm 29 lô đất, tổng mức đầu tư hơn 12,1 tỷ đồng, do UBND huyện Gio Linh làm chủ đầu tư.

Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng chiều dài 65,7 km, đoạn qua tỉnh Quảng Trị có chiều dài 32,53 km. Tỉnh Quảng Trị có tổng số hộ bị ảnh hưởng phải tái định cư khoảng 477 hộ (huyện Vĩnh Linh 138 hộ, huyện Gio Linh 119 hộ, huyện Cam Lộ 220 hộ) và 15 công trình.

Tỉnh Quảng Trị dự kiến xây dựng 11 vị trí khu tái định cư, diện tích khoảng 43,109 ha; trong đó, đoạn qua huyện Vĩnh Linh 4 vị trí (12,958 ha), đoạn qua huyện Gio Linh 4 vị trí (11,621 ha) và đoạn qua huyện Cam Lộ 3 vị trí (18,53 ha); dự kiến cần 391 tỷ đồng để thực hiện công tác tái định cư.

Sẽ tái khởi động tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trước năm 2030

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) về kế hoạch khởi động lại đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đầu tư dở dang suốt 18 năm qua và rơi vào cảnh “cầu chờ đường, đường lại chờ ray”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định đây là vấn đề nhức nhối với ngành GTVT và các cử tri khu vực Bắc Ninh, Quảng Ninh.

“Khi tôi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tôi cũng đã nhiều lần ký văn bản đề nghị sớm khởi động lại Dự án để tránh lãng phí đầu tư và không ảnh hưởng đời sống của người dân vùng dự án”, Bộ trưởng Thắng thông tin.

Một đoạn đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thi công dang dở.

Một đoạn đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thi công dang dở.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư Dự án từ năm 2005. Tuy nhiên, giai đoạn năm 2008 - 2011, do nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ.

Để có cơ sở triển khai lại dự án, vừa qua Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW, trong đó đã xác định hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030.

Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Được biết, Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân. Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Hiện nay, Dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - Cái Lân; 3 tiểu dự án còn lại: Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long mới triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nên đường và một số hạng mục trên tuyến.

Công trình này được khởi công vào năm 2005, tuy nhiên, giai đoạn năm 2008 - 2011 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, do nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn vừa qua bố trí cho Bộ GTVT hạn chế, nên trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT phải cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình động lực theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (bao gồm Tiểu dự án Lim - Phả Lại).

Do Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu, đã có nhiều thay đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực Dự án đi qua nên phương án đầu tư Dự án cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.

Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.

Quảng Nam sẽ chấm dứt hoạt động Dự án Mai House Hội An

Tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản chỉ đạo giải quyết một số nội dung liên quan đến Dự ánđầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Theo văn bản này, chính quyền tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để có ý kiến để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh giải quyết việc thông báo chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An của Công ty TNHH Indochina Thế kỷ 21 Resort theo thẩm quyền, đúng quy định.

Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An tại phường Điện Ngọc.

Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An tại phường Điện Ngọc.

Tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát hồ sơ, thủ tục và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc gia hạn sử dụng đất đối với Công ty TNHH Indochina Thế kỷ 21 Resort và việc thực hiện kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An; đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật để có ý kiến tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An là dự án resort ven biển có quy mô gần 10ha, mật độ xây dựng 30%.

Trước đó, trong Thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Thanh tra Chính phủ xác định, tiến độ thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Mai House Hội An chậm theo cam kết, thời điểm tháng 7/2018, dự án mới đang triển khai thực hiện cọc thử và cọc đại trà, thi công hầm kết nối với dự án sân golf Indochina Hội An, san lấp mặt bằng, triển khai trồng dừa, chưa có hạng mục được hoàn thành.

Ngoài ra, nhà đầu tư chưa thực hiện báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước về thống kê tại địa phương theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 20% kế hoạch

Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản số 5646/BTC-ĐT về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 4 tháng, ước thực hiện 5 tháng kế hoạch năm 2023.

Theo Bộ tài chính, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 809.245,8 tỷ đồng (vốn trong nước là 776.291,34 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng).

Trong đó, kế hoạch vốn đã giao là 796.358,6 tỷ đồng (vốn trong nước là 764.429,1 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 31.929,4 tỷ đồng); kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,2 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như sau:

Tổng số vốn đã phân bổ là 692.138,4 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,2 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 48.290,1 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng là 48.290,1 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 643.848,3 tỷ đồng, đạt 91,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 63.195,9 tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn trong nước là 61.535,3 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương là 29.217,7 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 33.978,1 tỷ đồng), vốn ngoài nước là 1.660,5 tỷ đồng.

Cụ thể như sau: Bộ, cơ quan trung ương: số vốn chưa phân bổ là 10.797,2 tỷ đồng, chiếm 5,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 10.737,9 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 59,3 tỷ đồng).

Các địa phương: số vốn chưa phân bổ là 52.398,7 tỷ đồng, chiếm 10,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 50.797,4 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.601,2 tỷ đồng).

Theo Bộ Tài chính, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 22,22%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%); trong đó vốn trong nước đạt 22,64% (cùng kỳ năm 2022 đạt 23,53%), vốn nước ngoài đạt 12,02% (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,26%).

Có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Có 39/52 Bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Hé lộ kế hoạch khởi công các đại dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ cho phép tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án đường bộ cao tốc và đường vành đai 3 TP.HCM vào giữa tháng 6/2023.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch khởi công các Dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai.

Bộ GTVT trong thời gian vừa qua, các địa phương đã đề xuất tiến độ khởi công các dự án cao tốc, dự án vành đai cụ thể như sau:

Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội (gồm 4 dự án thành phần xây lắp), TP. Hà Nội dự kiến khởi công từ ngày 26-30/6/2023. Tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh dự kiến khởi công sau ngày 30/6/2023.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM (gồm 4 dự án thành phần xây lắp), TP.HCM dự kiến khởi công vào ngày 18/6/2023. Các địa phương còn lại (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) dự kiến khởi công từ ngày 26-30/6/2023.

Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gồm 3 dự án thành phần xây lắp), Bộ GTVT dự kiến khởi công ngày 17/6/2023. Tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk dự kiến khởi công từ ngày 25-30/6/2023.

Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu (gồm 3 dự án thành phần xây lắp), tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ GTVT dự kiến khởi công ngày 18/6/2023.

Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (gồm 4 dự án thành phần xây lắp), 4 tỉnh, thành phố (An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ) dự kiến khởi công ngày 17/6/2023.

Để bảo đảm việc khởi công các dự án trang trọng, tiết kiệm, Bộ GTVT đề xuất tổ chức khởi công đồng loạt 4 dự án đường bộ cao tốc bao gồm: Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM tại 4 địa điểm đại diện cho các dự án.

Theo đó, điểm cầu chính tại TP.HCM tổ chức khởi công Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM do TP.HCM chủ trì, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự. Điểm cầu tại Đắk Lắk tổ chức khởi công Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do Bộ GTVT chủ trì, tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.

Điểm cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức khởi công Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì, tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.

Điểm cầu tại Sóc Trăng tổ chức khởi công Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do tỉnh Sóc Trăng chủ trì, các tỉnh An Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.

Thời gian khởi công dự kiến vào giữa tháng 6/2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Riêng Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, UBND TP. Hà Nội sẽ báo cáo kế hoạch khởi công sau khi đủ các điều kiện theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ các chính sách khơi thông nguồn lực cho TP.HCM

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến tại phiên thảo luận Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Báo cáo này được gửi ngày hôm qua, 1 ngày trước phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết, theo lịch trình sẽ diễn ra chiều nay, 8/6.

Trong báo cáo, ý kiến đầu tiên được đề cập là lo ngại của các vị đại biểu Quốc hội về việc Dự thảo Nghị quyết tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách, trong khi các chính sách thu ngân sách (thuế, phí…), khai thác nguồn lực còn hẹp.

Quan điểm của các vị đại biểu khi nêu ý kiến này là trong điều kiện Thành phố lại có đặc thù, tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc khai thác nguồn thu, thì số lượng chính sách tại Dự thảo Nghị quyết tương đối rộng, tuy nhiên, chưa rõ đã đủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật để Thành phố phát huy tối đa khả năng, tiềm lực chưa.

Giải trình vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đã quy định 8 nội dung về khơi thông nguồn lực, giúp Thành phố có thêm nguồn thu ngân sách.

Một là, Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD);

Hai là, mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các Dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa;

Ba là, tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp;

Bốn là, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố;

Năm là, Chính sách khơi thông nguồn lực đối với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC);

Sáu là, được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu;

Bảy là, Chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D; sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;

Tám là, được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí;

Đơn cử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới mục đích thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đó là để tạo ra một số không gian xung quanh các điểm nhà ga, đường sắt, đường vành đai để phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan đồng bộ, hiện đại như mô hình của 1 số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, HongKong (Trung Quốc).

“Đây là chính sách góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đô thị”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, trả lời các ý kiến đại biểu còn băn khoăn với mô hình này.

Hay với đề xuất Quốc hội cho phép nâng mức nợ vay của ngân sách Thành phố lên 120% nhằm đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của Thành phố.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn, dự kiến là khoảng 672.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu. Thành phố dự kiến huy động thêm từ các nguồn lực theo quy định pháp luật, trong đó, có từ nguồn vay, dự kiến nhu cầu vay khoảng 92.020 tỷ đồng. Nếu triển khai vay, nhận nợ theo đúng tiến độ thì từ sau năm 2026 Thành phố sẽ khó bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp do dư nợ vay năm 2026 là 83.015 tỷ đồng trong khi hạn mức dư nợ vay tối đa của Thành phố năm 2026 là 93.527 tỷ đồng.

“Trong quá trình triển khai thực hiện (sơ kết, tổng kết Nghị quyết) xuất hiện các chính sách đặc thù, hợp lý sẽ được TP.HCM tổng hợp và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình rõ các chính sách khơi thông nguồn lực cho TP.HCM.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Nghị quyết gồm 7 nhóm chính sách đặc thù, về quản lý đầu tư; về tài chính ngân sách; về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM; về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; về tổ chức bộ máy của Thành phố và thành phố Thủ Đức.

“Đây là các nhóm chính sách đã được Chính phủ rà soát, đề xuất theo các quan điểm, nguyên tắc nêu tại Tờ trình số 236/TTrCP ngày 17/5/2023, trong đó tập trung đề xuất các chính sách tháo gỡ các khó khăn về thể chế, phát huy tiềm năng, lợi thế của Thành phố, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm nhưng có tính đột phá và thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ thêm trong báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, vốn 420.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 648/QĐ – TTg (ngày 7/6) về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết - Bình Thuận.

Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết - Bình Thuận.

Đây là quy hoạch ngành quốc gia cuối cùng trong lĩnh vực giao thông được Chính phủ phê duyệt. Trước đó, 4 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ GTVT lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa.

Theo Quyết định số 648, mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5-2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh).

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05-0,1% thị phần vận tải giao thông).

Về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch xác định ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP.HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện hữu, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các cảng hàng không mới để nâng tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 294,5 triệu hành khách, phấn đấu trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km. Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại các trung tâm kinh tế vùng, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Quy hoạch xác định sẽ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị bảo đảm hoạt động bay, đồng bộ, hiện đại ngang tầm quốc tế; hình thành các trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay hiện đại.

Về quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc, trong thời kỳ 2021 – 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không.

Trong số này có 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).

Quy hoạch mới cũng tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.

Đáng chú ý, trước đó UBND TP Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT quy hoạch sân bay thứ 2 là sân bay quốc tế. Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt, sân bay thứ 2 của Hà Nội vẫn là sân bay quốc nội.

Đặc biệt, Chính phủ cho phép nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện, trong đó đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và các tác động liên quan.

Các sân bay này gồm: sân bay Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; sân bay Yên Bái tại phường Nam Cường, TP. Yên Bái (hiện đang là sân bay quân sự Yên Bái); sân bay Tuyên Quang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang; sân bay Gia Lâm tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội (hiện đang là sân bay quân sự Gia Lâm); sân bay Gia Bình tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (sân bay chuyên dùng phục vụ an ninh - quốc phòng); sân bay Hà Tĩnh tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên; sân bay Măng Đen tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; sân bay Lý Sơn tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; sân bay Phú Quý tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; sân bay Vạn Thắng tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; sân bay Đắk Nông tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong; sân bay Tây Ninh xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp 3.157 tỷ

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã có Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Messer SE & Co. KgaA (Đức) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi tại Khu công nghiệp Phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất (thuộc địa bàn xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo đó, dự án có mục tiêu sản xuất khí công nghiệp, hóa chất cơ bản dạng lỏng và khí; công suất thiết kế khoảng: 240.000Nm3/giờ (khí Oxy và Ni tơ), 400 tấn/ngày (khí Argon lỏng, Oxy lỏng, Ni tơ lỏng) và 12,09Nm3/ngày (khí Kryton, Xenon, Hỗn hợp khí He/Neon), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.157 tỷ đồng, tương đương 133 triệu USD; diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 7,24 ha.

Dự án sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trong thời hạn 15 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương.

Đắk Lắk sẵn sàng các điều kiện khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị vừa đi kiểm tra vị trí dự kiến khởi công Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, ông Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu chủ đầu tưtiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm các điều kiện để có thể khởi công Dự án đúng kế hoạch.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khởi công Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Trong đó, đã xây dựng kế hoạch chi tiết về Lễ khởi công Dự án, thời gian dự kiến khởi công trong khoảng thời gian từ ngày 25 đến 30/6/2023.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - chủ đầu tư Dự án thành phần 3, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột cho biết, Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 48 km, đi qua các huyện của tỉnh Đắk Lắk gồm: Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác đo đạc, trích lục địa chính đã hoàn thành 100% kế hoạch; về thông báo thu hồi đất, huyện Krông Pắc và huyện Cư Kuin đạt 100%, huyện Ea Kar đạt 97%.

Với Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư) có tổng chiều dài tuyến gần 37 km, đi qua thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và các huyện M'Drắk, Krông Bông, Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk). Các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến 117,5 km, điểm đầu tại vị trí giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó, Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Tỉnh Đắk Lắk hoàn thành phê duyệt Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 tại Quyết định số 547/QĐ-UBND ngày 28/3/2023; đã bố trí vốn cho dự án với tổng số vốn là 1.359 tỷ đồng.

Hiện nay các cơ quan chức năng đã hoàn thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; bàn giao giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành trước 12/2023; đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 5/07 gói thầu theo kế hoạch được duyệt…

Quảng Bình sắp tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư

Dự kiến, ngày 25/6, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Xúc tiến đầu tư tại Hà Nội.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Xúc tiến đầu tư. Theo kế hoạch, Hội nghị tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/6/2023.

Ngoài mục đích công bố Quy hoạch, Hội nghị sẽ là diễn đàn để giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Quảng Bình đến với cộng đồng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

UBND tỉnh Quảng Bình kỳ vọng, thông qua Hội nghị sẽ giúp nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hội nghị dự kiến có khoảng 500 khách mời là đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao các nước; các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Dự kiến tại Hội nghị sẽ diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư (MOU), trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho một số nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng bố trí các gian hàng giới thiệu tiềm năng du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương.

Được biết, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023.

Đồng Nai thu hồi 21 khu đất dọc 9 tuyến đường để đấu giá đầu tư hạ tầng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND về triển khai thực hiện các Đề án khai thác quỹ đất khu vực lân cận các Dự án giao thông để tạo vốn phát triển hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2022-2027.

Theo kế hoạch sẽ thu hồi một số khu đất hai bên đường của 9 dự án giao thông để tiến hành bán đấu giá, số vốn thu được sẽ được dùng để đầu tư trở lại cho hạ tầng.

Trong số 9 dự án giao thông đa phần là các dự án mở rộng đường tại các huyện Vĩnh Cửu, TP. Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ…

Dự kiến, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi 21 khu đất với tổng diện tích 1.557 ha, trong đó đất của Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty Cao su Đồng Nai hơn 930 ha, đất trồng lúa hơn 216 ha.

Chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư các khu đất lân cận dọc các dự án giao thông là 8.406 tỷ đồng.

Sau khi thu hồi đất ở vùng phụ cận các tuyến đường giao thông, Đồng Nai dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất và thu về 42.843 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng, nguồn thu từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận các tuyến đường giao thông là 34.436 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư trở lại cho các dự án hạ tầng khác trên đại bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, quá trình triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được chia thành 3 nhóm gồm 9 khu đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ thực hiện thu hồi trong thời gian từ quý II đến quý IV/2023.

Đối với 6 khu đất có diện tích đất trồng lúa dưới 10 ha thực hiện từ quý II/2023 đến quý IV/2024. Còn 6 khu đất có diện tích đất trồng lúa từ 10 ha trở lên thực hiện từ quý I đến quý IV/2024.

Sau khi hoàn thành thu hồi đất, hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 10 khu đất trong năm 2025 và 11 khu đất còn lại trong các năm 2026 và 2027.

Tin bài liên quan