"Đây là vùng trũng, có thể tạo đáy để nhà đầu tư được trấn an và đi tiếp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều đỉnh mới, sự đi lên là chắc chắn và tất yếu. Còn về quá khứ, sau 2 năm tăng trưởng mạnh thì đến giai đoạn điều chỉnh cũng là tất yếu.

Đó là nhận định của ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong Talkshow “Chọn danh mục” với chủ đề “Hành động trong vòng xoáy thông tin” do Báo Đầu tư tổ chức chiều 21/4.

Ông Trần Hải Hà (giữa) và ông Đào Phúc Tường (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại Talkshow. Ảnh: Chí Cường

Ông Trần Hải Hà (giữa) và ông Đào Phúc Tường (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại Talkshow. Ảnh: Chí Cường

Thị trường chứng khoán giảm sâu trong 3 tuần qua là bất ngờ với nhiều nhà đầu tư, bắt nguồn từ 2 câu chuyện là sự kiện FLC và sự kiện Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, theo ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia tài chính chứng khoán, cũng là người thường được giới đầu tư nhắc đến với biệt danh "Guru (bậc thầy) chứng khoán đầu bạc" cho biết, trong giới đầu tư chứng khoán không có gì mới, bản thân các cơ quan quản lý cũng đã đề cập phải lành mạnh hoá thị trường trước đó.

Ông Tường cho biết, trước khi có vụ hủy lô trái phiếu liên quan Tân Hoàng Minh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử lý huỷ phát hành trái phiếu của một công ty khác, dù quy mô nhỏ hơn. Nhưng với nhà đầu tư tinh ý, họ sẽ thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý và có hành động nhất định với danh mục của mình.

Tương tự nhiều thị trường mới nổi khác, thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, nhất là 2021 có nhiều nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm (nhà đầu tư F0) nên hành xử với danh mục của họ có những cái non kinh nghiệm nhất định, tạo hiệu ứng bầy đàn, chỉ cần 1 người bán thì có nhiều người bán theo.

Theo ông Tường, khi xảy ra sự kiện FLC, nhiều người chỉ tính đến trong nhóm này, đến khi câu chuyện Tân Hoàng Minh xảy ra, thị trường cũng chỉ giảm khoảng 1% trong tuần đó. Tuy nhiên, càng về sau, tác động lan tỏa của các thông tin trên càng lớn, khiến thị trường tuần này giảm sâu. Việc giảm điểm nhanh và mạnh trên nền margin khá cao.

Đồng quan điểm, nhưng ông Trần Hải Hà chia sẻ thêm, cách đây 5 tháng, ông có dự báo quý I/2022 là đỉnh của 22 năm, thì thực tế diễn ra đúng thế, VN-Index đã trên 1.530 điểm. Nhìn vào bản chất dòng tiền và hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, cũng như sự tham gia của nhà đầu tư có thể thấy quy mô thị trường hiện nay rất mở, 5 triệu tài khoản nhà đầu tư, trên 3 sàn có 1.500 doanh nghiệp, nhưng thực tế thì chất lượng dòng tiền tham gia thị trường lúc khác hẳn 2 năm trước.

Ngoài ra, với quyết tâm và thay đổi chính sách phòng chống dịch Covid của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn trở lại, đi cùng với đó, dòng tiền quay lại sản xuất - kinh doanh. Do đó, dòng tiền chờ đợi cơ hội trên thị trường chứng khoán đang dần rút.

Ngoài ra, đà tăng của thị trường trong 2 năm qua với thanh khoản hiện gấp 4 lần năm 2019, có vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong nước là chủ yếu, trong khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, từ đó tâm lý đám đông cũng từ đối tượng này.

Với sự tham gia đông như vậy, mà tâm lý không chắc, trong sự hỗn loạn thông tin, thì đâu đó có khủng hoảng, trong 2 tuần qua đã có 9/10 phiên giảm điểm, tính tới ngày 21/4, VN-Index giảm hơn 200 điểm so với đỉnh (cũng gần tiến tới mức giảm hồi mới xuất hiện Covid).

"Tới nay, có vẻ nhà đầu tư đã được trấn an, tôi quan sát trạng thái nhà đầu tư thể hiện qua trạng thái vay margin. MBS có lúc full margin, tới nay thì họ khôn ngoan, thông minh, tới nay dư nợ đã giảm 500 tỷ đồng so với đỉnh, họ cắt lỗ rất nhanh", ông Hà cho biết.

Điều may mắn, theo ông Hà, đó là các phiên trở lại đây, khối ngoại mua ròng trở lại, dù giao dịch ít đi. Ngoài ra, với động thái xử lý của cơ quan quản lý liên quan đến các nhóm tạo lập, thì có vẻ như hiện nay là thanh khoản thật của thị trường.

"Đây là vùng trũng, có thể tạo đáy, để nhà đầu tư được trấn an và đi tiếp", ông Hà nói.

Tin bài liên quan