Giữ đầu lạnh để “tìm vàng” trong vòng xoáy tâm lý và các cú sốc thông tin

Giữ đầu lạnh để “tìm vàng” trong vòng xoáy tâm lý và các cú sốc thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index rớt gần 21 điểm trong phiên 7/4, mức giảm sâu nhất trong vòng một tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi “chuyện gì đang diễn ra”.

Gần cuối giờ giao dịch chiều 7/4, thị trường lại rộ lên các thông tin bên lề không được kiểm chứng liên quan đến lãnh đạo một số doanh nghiệp niêm yết. Tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trước các tin đồn xấu trong nhiều ngày qua quá nặng nề đã dẫn đến hành động bán ra quyết liệt. Nhóm vốn hoá lớn hôm trước là trụ đỡ giúp thị trường giữ được sắc xanh trong bối cảnh nhà đầu tư xả hàng cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ thì phiên 7/4 cũng bị bán quyết liệt.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là tâm điểm xả hàng. Chỉ số đại diện cho nhóm này mất 1,81%, cao hơn mức giảm của VN-Index và chỉ xếp sau chỉ số nhóm tiêu dùng và công nghiệp. 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung đều thuộc rổ VN30. Dù vậy, điểm an ủi là thanh khoản thị trường vẫn đạt xấp xỉ 27.150 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình giao dịch phiên của tháng qua.

Bên cạnh đó, nhiều mã tăng nóng trước đó ở nhiều ngành với tin đồn là có "đội lái" hay "nhà tạo lập" tất nhiên sẽ theo quy luật "bạo phát thì bạo tàn" bất chấp bức tranh hoạt động kinh doanh "hoành tráng" 2022 được vẽ ra.

Nhìn vào con số nhà đầu tư mở mới tài khoản trong tháng 3 lên tới 270.000, tăng 45.000 tài khoản so với tháng trước, tạo ra kỷ lục mới đã cho thấy, TTCK vẫn là 1 kênh đầu tư thời thượng thu hút sự quan tâm cao của nhà đầu tư. Cho đến nay, có 5 triệu tài khoản, chiếm 5% dân số hay 7% dân số trưởng thành tham gia thị trường.

Bất chấp những thông tin tiêu cực gần đây và diễn biến khó dự đoán của thị trường dưới tác động của các cú sốc thông tin, góc nhìn của các chuyên gia vẫn cho thấy triển vọng tích cực của thị trường và những đợt giảm điểm chính là cơ hội.

Tham lam khi thị trường sợ hãi!

Nhà đầu tư có kinh nghiệm Lê Như An nêu ra những điểm đáng suy ngẫm về dòng tiền và thị trường chứng khoán. Dữ kiện đầu vào là số nhà đầu tư mở mới tháng 3 kỷ lục, tiền vào trái phiếu thắt chặt, lãi suất tiền gửi tăng không đáng kể, tiền cho vay bất động sản chặt hơn. Vậy người dân cầm tiền sẽ làm gì đây? Đặt câu hỏi, nhà đầu tư này cũng đưa luôn ra câu trả lời: Có lẽ giai đoạn này tiền tiếp tục đổ vào TTCK và tìm những doanh nghiệp tốt mua tích sản.

Còn tổng giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc cũng nêu quan điểm: “Thấy mọi người lo lắng về những vụ bắt bớ, kỷ luật đang diễn ra. Với một người làm đầu tư nhiều năm trên TTCK như tôi, đây là những thông tin tốt lành nhất."

Nhìn lại từ 2011, ngành Ngân hàng được tập trung tái cơ cấu, đưa vào khuôn khổ giám sát chặt chẽ, phát triển lành mạnh hơn. Kết quả là nền tảng vĩ mô Việt Nam từ trạng thái bấp bênh liên tục trải qua khủng hoảng đã ổn định trở lại. Lạm phát, lãi suất, tỷ giá, thâm hụt ngân sách... của Việt Nam trong 5 năm qua thuộc nhóm ổn định và lành mạnh nhất thế giới.

Năm nay, thị trường bất động sản và chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) được tái cơ cấu, dẹp bớt những đội nhóm lũng đoạn, thao túng, bớt dần tính đầu cơ, làm cho thị trường lành mạnh hơn. Dòng tiền của nhà đầu tư không còn bị cuốn vào các cuộc phát hành cổ phiếu và trái phiếu vô tội vạ của các doanh nghiệp yếu kém, và các cuộc làm giá tưng bừng của các đội lái. Khi đó, vai trò phân bổ vốn của thị trường tài chính sẽ phát huy được hiệu quả.

Trên một nền tảng vĩ mô ổn định, nguồn lực xã hội được phân bổ hiệu quả chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng cộng hưởng, giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn”.

Khi thị trường trải qua giai đoạn rung lắc, thanh lọc, phân hóa cổ phiếu như hiện nay, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu nào, dòng nào?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhà đầu tư nên chú ý đến các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý I khả quan, thuộc các ngành triển vọng và có thông tin tích cực về cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức.

Công ty Chứng khoán BSC khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, cũng như từ tác động xung đột địa chính trị và gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc thuộc nhóm ngành: Bán lẻ, phân bón, thủy sản, hóa chất, dệt may, công nghệ thông tin, hoạt động chuyển phát.

Với ngành thủy sản, Chứng khoán Yuanta nhận định, giá cá tra sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu 2022 do nguồn cung hạn chế. Chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng, các nước lớn về nguồn cung cá tra hầu như đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong quý II-III/2021.

Giá cả đang neo mức cao với nhu cầu phục hồi sau đỉnh dịch giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng đến ba chữ số. Đơn cử, ĐHCĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) họp ngày 10/4 tới sẽ trình kế hoạch lãi 900 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm ngoái, thu nhập trên mỗi cổ phần dự phóng hơn 4.000 đồng.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng hơn 318% lên 200 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thủy sản Mê Kông đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận tăng hơn 340%. Các doanh nghiệp lớn khác như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) hay Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số.

“Khi thị trường yếu đi, bạn có cơ hội nhặt được những cổ phiếu tốt với giá hời. Mỗi ngày thêm một lớp nhà đầu tư mới tham gia vào TTCK nên tại sao những cổ phiếu tốt sau mỗi nhịp chỉnh lại tiếp tục tăng là như vậy”, nhà đầu tư Lê Như An chia sẻ kinh nghiệm thực chiến của mình.

Tin bài liên quan