Cho vay tiêu dùng tăng nhanh khi thị trường bùng nổ các sản phẩm công nghệ hiện đại.

Cho vay tiêu dùng tăng nhanh khi thị trường bùng nổ các sản phẩm công nghệ hiện đại.

Đẩy mạnh cho vay cá nhân, coi chừng nợ xấu

(ĐTCK) Dư nợ tín dụng tiêu dùng cũng tăng cao trong những năm gần đây, và theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu lĩnh vực này cũng cao. Đáng chú ý là ở các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nợ xấu chiếm tỷ lệ đáng kể.

Theo NHNN, dư nợ cho vay tiêu dùng hiện chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng. Như vậy, có thể thấy, dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, việc phát triển tín dụng tiêu dùng là hiệu quả về mặt xã hội, quy định trả góp hàng tháng sẽ giảm gánh nặng trả nợ cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, chương trình đang được đánh giá tốt trong giai đoạn hiện nay, kích thích tiêu dùng, đặc biệt là giúp đối tượng thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận.

Số liệu đưa ra từ ông Minh, cuối năm 2010, ở TP. HCM, cho vay tiêu dùng, kể cả cho vay mua nhà chiếm 2,3% tổng dư nợ (khoảng 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, cho vay tiêu dùng tăng lên 90.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,8% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM.

Trong đó, các công ty tài chính chiếm thị phần đáng kể, trên dưới 20% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Nợ xấu cả hệ thống tín dụng ở TP. HCM vẫn đảm bảo tốt, dưới 2% tính đến cuối năm 2015, nhưng nợ xấu của công ty tài chính còn hơi cao.

Cụ thể, nếu không tính 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, CB, GBank), nợ xấu cả hệ thống tín dụng ở TP. HCM ở mức 2,02%. Tính riêng khối công ty tài chính thì nợ xấu chiếm khoảng 2,4 - 2,5%.

Cũng theo ông Minh, rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ cao hơn các tổ chức tín dụng khác, bởi đối tượng khách hàng thường nhỏ, nhiều khi bị các tổ chức tín dụng khác chê. Bởi vậy, thời gian qua, NHNN đã kiên trì phối hợp quản lý để kiểm tra, kiểm soát nợ xấu của khối công ty này.

Thực tế cho thấy, tín dụng tiêu dùng phát triển khá mạnh tại Việt Nam trong những năm qua khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Đáng chú ý là khi thị trường bùng nổ các sản phẩm công nghệ hiện đại. Các nhà sản xuất - kinh doanh cũng nhanh chóng liên kết với công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay mua sản phẩm, tăng doanh thu. Nhiều chương trình cho vay mua hàng lãi suất 0% của các công ty tài chính đã ra đời.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, tiềm năng để phát triển tín dụng tiêu dùng còn lớn. Việt Nam với quy mô dân số 93 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu vay và trang trải chi phí cho gia đình, vay tiền du học... Nhờ đó, các công ty tài chính phát triển mạnh, với sự tham gia của nhiều công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng đưa ra thắc mắc, các công ty tài chính không thể huy động vốn từ dân cư mà chỉ có thể vay mượn từ tập đoàn mẹ hoặc ngân hàng để cho vay lại người tiêu dùng thì việc cho vay ra lãi suất 0% liệu có phải chiêu trò để thu hút người tiêu dùng hay không? Bởi trên thực tế, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường áp dụng mức khá cao 40%/năm, thậm chí còn cao hơn để hạn chế rủi ro nợ xấu.

Rủi ro nợ xấu của loại hình tín dụng tiêu dùng được các công ty tài chính triển khai là điều khó tránh khi không cần tài sản thế chấp, thời gian giải ngân khá nhanh gọn, chỉ trong vòng 15 - 20 phút. Như vậy, nếu không quản trị được rủi ro và quản lý được khách hàng thì nợ xấu tăng là điều khó tránh.

Hiện quy định về tỷ lệ rủi ro đối với các công ty tài chính có phần cao hơn ngân hàng, song theo nhận định từ các chuyên gia tiền tệ, nếu các tổ chức tài chính không thận trọng trong cho vay, nợ xấu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống.

Một chuyên gia tài chính đánh giá, việc trích lập dự phòng rủi ro của các công ty tài chính cũng không rõ ràng như ngân hàng, đồng thời các công ty tài chính cũng không thể bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, nếu không có sự quản trị và kiểm soát rủi ro nợ xấu thì hậu quả sẽ khó lường.

Cũng theo vị chuyên gia trên, không chỉ với công ty tài chính, mà ngay cả ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà, tiêu dùng trong thời gian tới cũng phải kiểm soát chặt các khoản vay để tránh nguy cơ nợ xấu tái tăng cao.

Tin bài liên quan