DCVFM Diamond ETF có thể bán khoảng 60 triệu cổ phiếu nếu Thế giới Di động (MWG) bị loại khỏi VNDiamond Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Thế giới Di động (MWG - sàn HOSE) đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số và đạt điểm hòa vốn đối với chuỗi Bách hóa Xanh vào cuối năm 2023, nhưng 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm chuỗi này vẫn chưa thể thoát lỗ.
DCVFM Diamond ETF có thể bán khoảng 60 triệu cổ phiếu nếu Thế giới Di động (MWG) bị loại khỏi VNDiamond Index

Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, chuỗi Bách hoá Xanh ghi nhận lỗ 904,91 tỷ đồng và luỹ kế từ năm 2016 tới nay lỗ lũy kế 8.299,87 tỷ đồng, chưa năm nào chuỗi này có lãi kể từ khi thành lập.

SSI Research vừa công bố Báo cáo phân tích về Thế giới Di động và đã dự báo chuỗi Bách hóa Xanh sẽ tiếp tục lỗ và chưa đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 như kỳ vọng đầu năm. Theo đó, dự báo Bách hóa Xanh lỗ khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, sang năm 2024 lãi 441 tỷ đồng và sẽ tăng trưởng từ năm 2025.

Trong tháng 10/2023 vừa qua, doanh thu/tháng/cửa hàng tăng lên 1,7 tỷ đồng so với trung bình 1,6 - 1,65 tỷ đồng trong quý III/2023 và 1,4 tỷ đồng trong quý II/2023.

Về bức tranh tổng thể trong năm 2023, SSI Research đưa ra 3 kịch bản doanh thu và lợi nhuận cho Thế giới Di động. Trong đó, kịch bản khả quan lãi 0,4 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ lãi 4.101,7 tỷ đồng), giảm 90% so với cùng kỳ; kịch bản cơ bản lãi 0,4 nghìn tỷ đồng và kịch bản kém khả quan lãi 0,3 nghìn tỷ đồng.

SSI Research dự báo tình hình kinh doanh Thế giới Di động năm 2023 và năm 2024

SSI Research dự báo tình hình kinh doanh Thế giới Di động năm 2023 và năm 2024

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, doanh thu và lợi nhuận dự kiến sẽ bước vào hồi phục. Trong đó, kịch bản khả quan, lợi nhuận tăng 666%, lên 3,2 nghìn tỷ đồng; kịch bản cơ sở lợi nhuận sẽ tăng 453%, lên 2,3 nghìn tỷ đồng; và kịch bản kém khả quan thì lợi nhuận sẽ tăng 457%, lên 1,9 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, SSI Research vẫn lưu ý nhà đầu tư về cổ phiếu MWG bởi vẫn có nguy cơ bị loại khỏi chỉ số VNDiamond Index (với P/E dự phóng năm 2023 là 147x có thể vượt gấp 3 lần P/E của nhóm đủ tiêu chuẩn), việc này có thể gây ra áp lực bán lớn từ DCVFM Diamond ETF (nắm giữ khoảng 60 triệu cổ phiếu MWG).

Khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu MWG

Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 10/11, nhóm quỹ liên quan Gordon Yeo/Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd (địa chỉ tại Singapore) vừa chính thức bán 114.000 cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 5,005%, về 4,997% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Công ty Thế giới Di động.

Trước đó, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 2.397.200 cổ phiếu; ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd vừa bán ra 1.338.300 cổ phiếu; ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu; ngày 24/7, Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 576.000 cổ phiếu; và ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG.

Thêm nữa nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 979.600 cổ phiếu; ngày 1/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra ròng 4.137.900 cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 7,19%, về còn 6,91% vốn điều lệ.

Bên cạnh các nhà đầu tư ngoại giảm sở hữu, các lãnh đạo Công ty thời gian qua cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 13/7, ông Đặng Minh Lượm, Thành viên HĐQT bán ra 300.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,24% về còn 0,22% vốn điều lệ; từ ngày 7/9 đến ngày 8/9, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,266%, về còn 0,197% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MWG để nâng sở hữu từ 2,4%, lên 2,47% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/11 đến ngày 7/12.

Thực tế, trong thời gian gần đây, cổ phiếu MWG là tâm điểm bán ròng của khối ngoại khiến mức hở room liên tục nới rộng. Trong đó, nếu ngày 22/9 khối ngoại có thể mua thêm tối đa khoảng 9,32 triệu cổ phiếu MWG thì tới ngày 20/11, khối ngoại có thể mua thêm tối đa 59,6 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang là 44,93% (sở hữu tối đa của khối ngoại là 49%).

Như vậy, chỉ từ ngày 22/9 đến ngày 20/11, sau khi khối ngoại liên tục bán ròng, khối lượng khối ngoại có thể mua thêm đã tăng thêm 50,28 triệu cổ phiếu, lên 59,6 triệu cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/11, cổ phiếu MWG giảm 850 đồng, về 40.550 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan