Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở TPHCM. Lâu nay, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng, người tiêu dùng lại lo giá xăng dầu trong nước biến động.

Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở TPHCM. Lâu nay, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng, người tiêu dùng lại lo giá xăng dầu trong nước biến động.

Đề án mới về quản lý xăng dầu: Giá xăng dầu sẽ ít biến động?

Như chúng tôi đã đưa tin, Bộ Tài chính vừa hoàn thành đề án mới về quản lý xăng dầu, dự kiến áp dụng ngay từ năm 2008 cho cả mặt hàng xăng và dầu. Đề án mới yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu phải đổi mới các phương thức nhập để đạt được giá bình quân thấp nhất

Đề án cũng quy định kiểm soát các yếu tố hình thành giá của DN, đặc biệt là các DN có thị phần lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong đề án này là việc quy định tỉ lệ dự trữ bình ổn giá bắt buộc hay còn gọi là quỹ phòng ngừa rủi ro xăng dầu. Cụ thể, khi giá xăng dầu biến động thấp thì DN đóng góp một phần lãi vào quỹ; khi giá tăng thì quỹ sẽ là nguồn hỗ trợ một phần thiệt hại cho DN nhằm giữ giá xăng dầu không tăng quá cao.

 

“Cõng” thêm khoản phí mới

 

Theo cơ chế hiện tại, hằng năm Bộ Tài chính vẫn dự trù một khoản ngân sách để bù lỗ cho giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Nguồn bù lỗ này thường được trích một phần từ xuất khẩu dầu thô nhưng số thu từ dầu thô hiện cũng giảm nhiều. Theo tính toán của Bộ Tài chính, lượng xuất khẩu dầu thô theo kế hoạch năm 2007 là 17,5 triệu tấn nhưng báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN cho thấy thực tế 10 tháng đầu năm 2007 chỉ đạt 12,437 triệu tấn và ước cả năm 2007 xuất khẩu chỉ đạt 14,970 triệu tấn do sản lượng khai thác ở một số mỏ mới không bảo đảm đúng tiến độ. Vì vậy, thiếu hụt doanh thu từ xuất khẩu dầu thô năm 2007 sẽ khoảng 7.210 tỉ đồng. Ngoài ra, khoản thu từ xuất khẩu dầu thô cũng còn phải bù cho nhiều khoản chi khác. Chính vì vậy, trong đề án này, Bộ Tài chính đã quy định sẽ trích một phần cho quỹ phòng ngừa rủi ro trong kết cấu giá bán xăng dầu.

 

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu tính toán, nếu quỹ này được áp dụng thì dự kiến giá bán xăng dầu ra thị trường sẽ bao gồm các chi phí: giá vốn, các loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xăng), các loại phí và khoản bình ổn dự trữ bắt buộc. Tất cả các khoản này sẽ tạo ra giá DN nhập về, cộng với chi phí bán hàng và lợi nhuận của các DN thì sẽ tạo ra giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng.

 

Như vậy, khi quỹ này được áp dụng, giá xăng dầu bán tới tay người tiêu dùng có thể sẽ phải tăng thêm khoản chi phí cho quỹ. Tuy nhiên, khoản quỹ này sẽ bù đắp chi phí lỗ cho DN (dự kiến là 2-3 tháng). Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao quá sức chịu đựng, DN vẫn được tăng giá.

 

Thấy tăng mà chưa thấy giảm

 

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho biết ý tưởng của Bộ Tài chính là sau này DN kinh doanh xăng dầu không thể cứ mỗi lần giá thế giới biến động thì giá thị trường trong nước lại điều chỉnh tăng hay giảm, như thế rất bị động cho nền kinh tế. Có quỹ bình ổn giá, khi giá lên, DN lấy quỹ đó để bù, khi giá xuống mà chưa điều chỉnh, thì lấy phần chênh lệch đó lập quỹ. Có quỹ này, giá xăng dầu trong nước sẽ không biến động đột biến.

 

Hiện tại, đề án này đang được lấy ý kiến các bộ ngành, sau đó sẽ lấy ý kiến của DN. Tuy nhiên, theo một DN kinh doanh xăng dầu, cái khó trong thực hiện đề án này là hiện nay giá xăng dầu vẫn chưa thực sự được điều hành theo giá thị trường. Các khoản lỗ những năm trước vẫn chưa được tính toán rạch ròi nên việc trích một khoản lợi nhuận cho quỹ này cũng không dễ.

 

Đứng về phía người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cũng e ngại quy định về kinh doanh xăng dầu đều có quy chế “mở”, DN có thể tăng giá khi giá thế giới tăng nhưng việc cam kết giảm giá khi giá thế giới giảm vẫn không rõ nên DN vẫn có thể nấn ná không giảm khi giá thế giới đã giảm mạnh.