Cẩn trọng, tuân thủ kỷ luật là đòi hỏi luôn được đặt ra với nhà đầu tư, kể cả trong uptrend.

Cẩn trọng, tuân thủ kỷ luật là đòi hỏi luôn được đặt ra với nhà đầu tư, kể cả trong uptrend.

Để không "chết" trong uptrend

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thị trường chứng khoán đang nghiêng dần theo chiều hướng tích cực, dòng tiền ngắn hạn nhập cuộc thể hiện qua thanh khoản thị trường cải thiện tốt trong vài tuần gần đây. Nhưng sau đợt sụt giảm mạnh kéo dài của thị trường, nhà đầu tư cũng có phần cẩn trọng hơn để “không chết trong uptrend”.

Cẩn trọng, tuân thủ kỷ luật

Thị trường rất phân hóa, chọn hàng không chuẩn là "chết" trong uptrend, là câu nói đùa nhưng có ý cảnh báo của một trưởng phòng môi giới chứng khoán với khách hàng của mình.

Góc nhìn này được nhiều môi giới cũng như nhà đầu tư lâu năm đồng thuận, bởi ai cũng hiểu, nền kinh tế còn nhiều thách thức, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, sự chuyển biến rõ ràng ở thời điểm này là chưa thể kết luận. Những chính sách khơi thông từ ngân hàng, bất động sản, hay thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng… đều cần thời gian để thẩm thấu. Bởi vậy, con sóng lúc này là sóng của kỳ vọng khi nhìn thấy dường như những gì khó khăn nhất đã qua đi, có cơ sở để tin vào một tương lai tích cực hơn.

Theo đó, chiến thuật được các nhóm tư vấn chứng khoán hiện nay khuyến nghị là phải có sự cẩn trọng nhất định, tuân thủ kỷ luật nhiều hơn; trong đó, tập trung vào các cách chọn hàng như ưu tiên cổ phiếu có dòng tiền, hoặc những cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ, dự báo kết quả kinh doanh quý II tích cực. Đơn cử, HVN đang được khuyến nghị mua với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II sẽ khởi sắc, tăng trưởng lợi nhuận tốt từ mức nền thấp năm 2022, dù rằng để lên được mức lợi nhuận như trước đại dịch Covid-19 thì cần thêm thời gian vì chi phí nhiên liệu cao, hiệu suất thấp.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán có thị phần trong nhóm dẫn đầu chia sẻ, dòng tiền chủ đạo lúc này đang ưu tiên chảy vào nhóm chứng khoán, hạ tầng, đầu tư công, một số cổ phiếu bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí… nhờ các câu chuyện kỳ vọng khá rõ nét.

Với nhóm chứng khoán, sự hồi phục của thị trường kỳ vọng sẽ giúp danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán tăng trưởng về giá trị, doanh thu môi giới và cho vay margin cũng tăng khi nhà đầu tư giao dịch sôi động hơn. Theo đó, cổ phiếu chứng khoán tăng khá tốt và được quan tâm như CTS (dự báo lợi nhuận tốt), hay ORS (kỳ vọng câu chuyện tăng vốn)…

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu vĩ mô từ đầu năm tới nay đều đạt được rất thấp như GDP, giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng tín dụng…, do vậy, giải ngân đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhằm tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Đây là cơ sở cho nhóm cổ phiếu đầu tư công, hay dầu khí có nhịp tăng khá chắc chắn thời gian qua; trong đó, các cổ phiếu được ưa thích như VCG, LCG, PVD, PVS… được khuyến nghị khá nhiều.

Bất động sản là nhóm có nhiều câu chuyện nhất, vì hàng loạt chính sách, nghị định, thông tư… nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững được ban hành trong thời gian qua.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của vị chuyên gia, các yếu tố cơ bản hiện tại chưa đủ mạnh nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường. Dòng tiền luân chuyển quanh các nhóm cổ phiếu có câu chuyện ở trên thì vùng giá đang nhích lên, đưa định giá P/E lên cao dần và sẽ bị chốt lời, bị bán mạnh hơn vì đà tăng giá của cổ phiếu không đi liền với kết quả kinh doanh. Đây là vấn đề mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Bên cạnh đó, những động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế như giảm lãi suất điều hành, mua USD, bơm tiền đồng, sắp giảm thuế VAT, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp… đều cần thời gian thẩm thấu, nên giai đoạn này, nền kinh tế chưa hồi phục lại ngay. Đó là lý do dòng tiền lớn chưa mạnh dạn vào thị trường.

“Bản chất thị trường chứng khoán vẫn phải đi từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, của nền kinh tế. Chưa kể, việc khối ngoại bán ròng khá mạnh cũng có thể ảnh hưởng lên thị trường”, vị chuyên gia nói.

Theo một nhà đầu tư có bề dày kinh nghiệm tham gia thị trường, giai đoạn này, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân dưới 50% những cổ phiếu tích nền tốt và vừa bật tăng từ nền để có vị thế tốt. Khi tiệm cận kháng cự, có thể xem xét những phiên hưng phấn để chốt lãi dần, bảo vệ thành quả.

Phần tiền còn lại luôn phải “để dành” để linh hoạt, tối ưu hiệu quả đầu tư khi dòng tiền có xu hướng luân chuyển liên tục qua các ngành và nhất định phải tuân thủ kỷ luật cắt lỗ, hạ tỷ trọng khi thấy thị trường không ổn. Khi thị trường điều chỉnh, có thể cân nhắc giải ngân những mã cổ phiếu hút dòng tiền, có yếu tố cơ bản tốt và không nên full margin.

Bám theo giai đoạn

Nhà đầu tư Trần Phong chia sẻ góc nhìn mà anh khá kiên định với thị trường từ đầu năm đến nay, tạm chia thành 3 giai đoạn để quan sát.

Giai đoạn 1, VN-Index ở vùng 1.030 - 1.070 điểm, là sóng penny và cổ phiếu cơ bản có thanh khoản thấp. Chỉ số đi ngang trong biên độ hẹp, midcap phân hóa và lình xình.

Căn nguyên là do tiền ít. Thời điểm này xuất hiện ở cuối giai đoạn thắt chặt tiền tệ đến đầu giai đoạn nới lỏng như hiện nay. Nhà đầu tư này đánh giá giai đoạn 1 đã đi được 80% chặng đường.

Giai đoạn 2, VN-Index ở vùng 1.070 - 1.160 điểm, sóng midcap. Đây là giai đoạn sôi động và tăng ổn định nhất. Chỉ số tăng nhịp nhàng nhờ bluechip luân phiên giữ nhịp, penny “trà đá” rã đám. Midcap vốn tích lũy tạo nền trước đó sẽ đón nhận dòng tiền lớn từ tất toán gửi tiết kiệm và chốt lời penny giai đoạn 1. Tạo lập tham gia mạnh và “tay to” đã gom đủ hàng trước đó. Thời điểm xuất hiện từ đầu giai đoạn tái nới lỏng tiền tệ đến khi lãi suất đi ngang ở mặt bằng thấp. Theo nhà đầu tư này, giai đoạn 2 đang nhen nhóm.

Giai đoạn 3, VN-Index 1.160 - 1.200 điểm, cao trào ngắn bluechip và tàn cuộc. Đây là giai đoạn dòng tiền no nê midcap nhảy sang vét sóng bluechip. Ngược lại, tạo lập kéo mớm bluechip để phân phối midcap. Chỉ số tăng nhanh nhưng tài khoản tăng chậm lại hoặc giảm. Thời điểm xuất hiện khi chính sách nới lỏng chính thức bão hòa và mặt bằng lãi suất khựng lại, không thể giảm thêm. Giai đoạn này đánh dấu việc tất toán tài khoản và nghỉ chơi đến hết năm 2023, hoặc khi có tín hiệu lớn mới.

Với góc nhìn trên, nhà đầu tư này đã mua và nắm giữ các cổ phiếu bất động sản có tính thị trường cao trong hơn 1 tháng nay và hiện đang có mức sinh lời trên 20%. Hiện danh mục chính của nhà đầu tư này gồm các cổ phiếu DIG, HBC, VGI, trong đó DIG chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Mới đây, nhà đầu tư này mở rộng danh mục thêm cổ phiếu DPG ở vùng giá quanh 34.000 đồng/cổ phiếu, với đặc tính tài chính vững, cơ cấu kinh doanh “chắc chân”, gồm thủy điện, cầu đường, bất động sản. Theo nhà đầu tư này, giá cổ phiếu đang vào xu hướng tăng chắc chắn và khá độc lập so với chỉ số nhưng tỷ trọng tối đa chỉ nên ở mức 20% NAV và cắt lỗ khi âm 5 - 7%.

“Tôi thích cách thị trường phản ứng điềm đạm với tin lãi suất hơn là đầu voi đuôi chuột. Khối ngoại vẫn đang rút vốn ròng tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, MSN, CTG... và gián tiếp kìm hãm chỉ số VN-Index những ngày qua. Tuy vậy, trái với bluechip, đến thời điểm này, các cổ phiếu midcap đang phân hóa và có những chuyển động riêng biệt. Đó là môi trường tốt cho hoạt động đầu cơ có trọng điểm”, nhà đầu tư Trần Phong cho biết.

Với nhiều nhà đầu tư trọng yếu tố cơ bản hơn, cũng có cách lựa chọn ngành nghề có dự báo sẽ hồi phục “từ đáy”, điển hình như chăn nuôi heo với giá heo hơi ở vùng đáy và đang hồi phục mạnh, giá thức ăn chăn nuôi đang hạ nhiệt, nên cổ phiếu liên quan như DBC, BAF được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Hoặc với dự báo kết quả kinh doanh quý II sẽ tích cực hơn nhờ giá dầu dự báo giảm, BSR đang có những phiên giao dịch bứt phá với thanh khoản tốt, cộng thêm chất xúc tác được chờ đợi là chuyển sàn niêm yết.

Hay những câu chuyện phát hành tăng vốn trong thời gian tới cũng được nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt ở những cổ phiếu đang có thị giá dưới mệnh giá. Việc doanh nghiệp khó có khả năng phát hành dưới mệnh giá và thị giá tăng cao là yếu tố giúp doanh nghiệp thực hiện đợt phát hành thành công hơn được kỳ vọng là lực đẩy với các cổ phiếu này.

Tin bài liên quan