Ảnh shutter

Ảnh shutter

Để “sống” qua thời gian khó

(ĐTCK) “Không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới sống sót. Thay đổi của chúng ta trước thách thức toàn cầu là điều rất quan trọng lúc này”.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 10/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn thuyết tiến hóa của Darwin để mô tả bối cảnh đặc biệt mà Việt Nam và thế giới đang trải qua.

Với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng, khó khăn là điều không kể ra lúc này thì ai cũng biết, và thực tế, các doanh nghiệp cũng đã bớt “than khó” mà tập trung vào việc làm thế nào để "thích ứng” và vượt qua thời gian khó.

Bằng chứng là tại hội nghị trực tuyến "Đối thoại với doanh nghiệp" do Hà Nội tổ chức diễn ra cuối tuần trước với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Vương Đình Huệ, hầu hết các ý kiến của các doanh nghiệp đều nhìn rộng ra cả nhóm ngành, nhóm lĩnh vực để cùng cơ quan quản lý tìm ra "liều vắc-xin" đủ mạnh để cả cộng đồng tăng sức đề kháng.

Họ ít nói về chuyện riêng doanh nghiệp mình, nếu có thì đó cũng là vấn đề mà số đông doanh nghiệp cùng ngành đang vướng, đồng thời có hướng đề xuất gỡ khó, chứ không chỉ “kêu để mà kêu”!

Sau chỉ vài tháng đình trệ vì dịch bệnh, thiệt hại của nhiều doanh nghiệp lớn đã là những con số hàng ngàn tỷ. Chẳng hạn, Vingroup thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng với riêng hoạt động sản xuất công nghiệp, cộng với khoảng 3.000 tỷ đồng mất đi từ các dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng. Với BRG, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn ước tính mức độ thiệt hại sơ sơ cũng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng...

Cái thiếu hụt của đa số doanh nghiệp hiện tại là dòng tiền trực tiếp để có thể cầm cự hoạt động ở mức tối thiểu. Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ là rất kịp thời, tuy nhiên, dường như "liều vắc-xin" này vẫn chưa đủ tạo nên sức đề kháng khi tình thế đã ở mức độ sống còn.

Một khảo sát của VCCI thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2020 cho thấy, có tới gần 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.

Hơn nữa, 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30 - 50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Với những số liệu của VCCI, dường như cần phải tăng thêm liều lượng mới giúp "vắc-xin" có hiệu quả!

Cũng cần phải nói thêm, tính đến thời điểm này, đại dịch đã bước sang tháng thứ 4. Trong chính sách ứng phó dịch bệnh được ban hành, theo phân tích của nhiều chuyên gia, thoạt nhìn rất toàn diện, từ tiền tệ, tài khóa đến bảo hiểm xã hội, an sinh, nhưng vấn đề nằm ở việc tổ chức thực thi, bởi nếu không nhanh, doanh nghiệp sẽ chịu cảnh "bó cỏ trước mũi ngựa".

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm và 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ thêm, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nói rằng, nghe chủ trương chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng, thì rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm. Hỏi chủ trương có rồi sao không thực hiện, thì họ trả lời: “Chưa có hướng dẫn gì, tiêu chí, quy trình đều chưa rõ...”.

Hiện tượng như vậy không phải là ngoại lệ, đặc biệt là thể hiện rõ với nhóm doanh nghiệp địa ốc khi chưa nói đến các hỗ trợ về thanh khoản, nhiều thủ tục, nút thắt hành chính trong triển khai dự án có thể xử lý ngay nhưng nhiều địa phương vẫn “thận trọng”.

Doanh nghiệp ngành địa ốc cũng đã và đang tìm đủ cách để tồn tại, từ công nghệ hóa hoạt động bán hàng, sử dụng các kênh marketing miễn phí, làm việc luân phiên để giảm lương nhân sự, tối thiểu hóa chi phí hoạt động để “cầm cự” và dần thích ứng với bối cảnh mới…

Vấn đề là khi con virus không có biên giới thì không doanh nghiệp nào có thể một mình thích ứng với tình thế mới!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan