Đề xuất cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng, Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay 7 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 dự thảo nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 32, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, về điều chỉnh Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình 7 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 dự thảo nghị quyết.

Cụ thể, hai dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp gồm: Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Theo tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng sẽ đề xuất 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, đảm bảo Thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Với Nghị quyết cho Nghệ An, Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị quyết với 5 nhóm chính sách với 17 chính sách cụ thể, gồm: Nhóm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (5 chính sách); Nhóm quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (3 chính sách); Nhóm quản lý đầu tư (4 chính sách); Nhóm phát triển kinh tế biển (2 chính sách); Nhóm tổ chức bộ máy và biên chế (3 chính sách).

Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội tán thành với đề nghị này của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu, theo tờ trình, Chính phủ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng, nhưng trong nội dung thì đề nghị các chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị được áp dụng chính thức (không thí điểm) từ ngày 1/7/2026 . Nội dung này không chỉ mâu thuẫn với chủ trương “thí điểm” như tên gọi của Nghị quyết, mà còn không hợp lý về chính sách, vì đã là vấn đề thí điểm thì phải có tổng kết, đánh giá trước khi xem xét, quyết định cho áp dụng chính thức.

Ngoài ra, đối với nhóm các chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng cũng có cách tiếp cận khác với đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 để quy định nội dung này thay vì ban hành nghị quyết mới để quy định việc thí điểm bổ sung các chính sách đặc thù mới và thực hiện đồng thời với Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Về vấn đề này, quá trình thảo luận trong Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020) quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (Điều 44, Điều 58). Như vậy, mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Đà Nẵng và đã có báo cáo trình Quốc hội, trong đó đánh giá việc thí điểm đạt nhiều kết quả tích cực, mô hình chính quyền đô thị đang thí điểm ở thành phố Đà Nẵng cơ bản là phù hợp, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do đó, đề nghị dự thảo Nghị quyết không quy định tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà cho thực hiện chính thức ngay từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực, không chia thành hai giai đoạn như đề nghị của Chính phủ.

Đối với nhóm các chính sách đặc thù, đề nghị cũng nghiên cứu quy định theo hướng thí điểm bổ sung thay vì ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 để thống nhất với đề nghị ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Với cách tiếp cận như trên, loại ý kiến này đề nghị chỉnh lý tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 để tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và bổ sung một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, các ý kiến này đề nghị không quy định áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2026 mà thực hiện thí điểm đến khi Quốc hội có quyết định khác. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội là chỉ “sửa đổi, bổ sung” Nghị quyết số 119/2020/QH14, tức giữ nguyên tính chất “thí điểm” của các nội dung điều chỉnh trong Nghị quyết này, đồng thời vẫn đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong đổi mới tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng như nêu trong Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Song, loại ý kiến này đề nghị chỉnh lý về mặt kỹ thuật tên gọi của Nghị quyết thành “Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng” để thống nhất với phạm vi sửa đổi và phù hợp với thông lệ sửa đổi, bổ sung các văn bản luật thời gian qua.

Cũng trong năm 2024, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ tám: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024), Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Tin bài liên quan