Trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc áp thêm thuế bất động sản là không phù hợp. Ảnh: Dũng Minh

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc áp thêm thuế bất động sản là không phù hợp. Ảnh: Dũng Minh

Đề xuất đánh thuế tài sản dưới góc nhìn pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đề xuất của TP.HCM về việc được quyết định chính sách thu thuế bổ sung đối với việc sở hữu bất động sản thứ 2 trở đi gây nhiều băn khoăn.

Cơ sở pháp lý ban hành văn bản pháp luật áp dụng nghĩa vụ thuế

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017). Trong các cơ chế về tài chính ngân sách, TP.HCM đề xuất được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất đối với bất động sản thứ 2 trở đi.

Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở như hiện nay.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM

Thực tế, chính sách thuế tài sản đã được Bộ Tài chính đề xuất từ nhiều năm trước, bao gồm cả việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi, nhưng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này.

Điều 47 - Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Điều này có nghĩa, chỉ văn bản pháp luật là luật thì mới được quy định áp dụng thuế đối với người dân.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, UBND cấp tỉnh/thành phố chỉ được phép ban hành quyết định, tức là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế không thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM.

Ngoài ra, hiện chưa có chương trình xây dựng luật tại Quốc hội thể hiện việc xây dựng văn bản dự thảo luật này. Như vậy, căn cứ theo thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản là luật, chính sách này sẽ không được UBND TP.HCM ban hành và khó thể áp dụng trong 3-4 năm tới. Thậm chí, dù có ban hành văn bản là luật nhưng chắc chắn quy trình soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua không thể làm nhanh được. Việc đề xuất chính sách này có thể là do chưa kiểm tra, thẩm tra kỹ theo quy định Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Chưa kể, cũng không thể lấy lý do tình hình kinh tế, thị trường bất động sản không thuận lợi như hiện tại để nêu ra lo ngại đối với một sắc thuế mới chưa được định danh, chưa được xây dựng với nội dung cơ bản. Việc thông qua và ban hành văn bản luật cần căn cứ vào chất lượng dự thảo luật được chuẩn bị tốt hay không.

Chính sách thuế bất động sản nên xây dựng như thế nào?

Quy định về áp dụng chính sách thuế tài sản (bao gồm cả bất động sản) được nhiều nước ban hành và đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, là nước đi sau, cần phải hiểu các văn bản luật này một cách đầy đủ, chính xác thì việc học hỏi kinh nghiệm xây dựng luật và áp dụng cho Việt Nam mới đạt hiệu quả, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”.

Thứ nhất, về bản chất, thuế tài sản là nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước được áp dụng đối với người sở hữu tài sản ở mức nhất định (giá trị, số lượng). Thông thường, chính sách thuế này được xây dựng để đánh vào những người có tài sản lớn nhằm phân phối lại thu nhập và chính quyền sử dụng toàn bộ nguồn thu này để cung cấp các dịch vụ, điều kiện, hạ tầng về an sinh chung cho xã hội tại địa phương đó, mà không chuyển về Trung ương.

Theo quy định tại Điều 4 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, UBND cấp tỉnh/thành phố chỉ được phép ban hành quyết định, tức là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thuế không thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ áp dụng đối với bất động sản thứ 2 trở đi thì chưa khoa học để bảo đảm sự công bằng và tính khả thi. Chẳng hạn, dự thảo Luật Đất đai 2022 sửa đổi đang được điều chỉnh theo hướng mở rộng hạn điền cho cá nhân, hộ gia đình thì đáng ra nên cần được quy định ở một mức độ hạn điền phù hợp, còn hạn điền dành cho tổ chức kinh tế thì nên cởi mở hơn vì Nhà nước quản lý theo dự án sẽ tốt hơn so với cá nhân sử dụng.

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đăng ký dự án nông nghiệp nên có quỹ đất nông nghiệp lớn, doanh nghiệp sẽ trực tiếp sản xuất và không thể cho thuê lại để hưởng địa tô. Đối với cá nhân, dù được mở rộng hạn điền hơn nhưng sau đó họ sẽ không trực tiếp sản xuất, mà chỉ cần cho thuê để thu địa tô. Chưa kể, việc mở rộng hạn điền quá nhiều để tích tụ đất đai cho cá nhân sẽ chỉ giải quyết được số ít trường hợp do tài nguyên đất có hạn, mà khó đạt quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn như các tổ chức kinh tế.

Trên thực tế, không nên căn cứ theo số lượng bất động sản (chẳng hạn căn cứ vào số lượng thửa đất) để đánh thuế vì như vậy sẽ không bảo đảm sự công bằng. Chẳng hạn, trường hợp chỉ sử dụng 1 mảnh đất có nhà ở nhưng diện tích lớn gấp nhiều lần hạn mức giao đất ở (150 m2), trong khi người sở hữu 2 bất động sản lại không vượt quá hạn mức này. Để xác định một người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản thì cần có hệ thống dữ liệu về đất đai kết nối với dữ liệu về dân cư, bên cạnh việc yêu cầu người dân khai báo trong quá trình giao dịch…

Thứ hai, một trong những mục đích của đề xuất này là nhằm tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, song không khó thể nhận ra sự khác biệt so với chính sách thuế của nhiều nước đang áp dụng (thu thuế để chi cho mục đích chung của xã hội), cho thấy chúng ta đang học hỏi kinh nghiệm từ ngước ngoài để tạo phương thức thu thuế nhưng mục đích, hiệu quả việc sử dụng nguồn thu lại không như họ, dẫn đến sai lệch mục tiêu của chính sách thuế.

Từ điều này có thể đánh giá, những lý luận khoa học nước ngoài nếu không tương xứng với việc xây dựng chính sách thuế của Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng lớn, thậm chí còn mất nhiều hơn là được trong bài toán kinh tế chung của xã hội (thu không đủ chi phí, tăng nguồn thuế mới nhưng giảm nguồn thu của loại thuế khác…).

Thứ ba, thuế bất động sản là thuế trực thu, tức là áp dụng trực tiếp đối với người sở hữu bất động sản, từ đó phát sinh chi phí cho chủ sở hữu và chi phí này sẽ được phản ánh vào lợi nhuận của người đầu tư bất động sản. Chi phí thuế tăng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh, nhưng đây không phải là khoản chi lớn như lãi suất ngân hàng, mức độ tăng chi phí cũng không lớn như mức độ tăng giá bất động sản thời gian qua, nên hiệu quả của mục tiêu hạn chế đầu cơ sẽ có tác động rất thấp.

Mặt khác, để giảm số thuế phải đóng, trên thị trường xuất hiện nhiều hình thức “né” thuế như ghi giá giao dịch thấp hơn giá thực tế của bất động sản, giao dịch thông qua hình thức ủy quyền, nhờ người đứng tên để hưởng chính sách miễn thuế đối với nhà ở duy nhất… Do đó, không loại trừ khả năng khi chính sách thuế áp dụng đối với bất động sản thứ hai được ban hành sẽ xuất hiện thêm các hình thức “lách” thuế khác như thành lập công ty để đứng tên nhà đất nhưng giao dịch 2 giá, thu theo tiền chênh lệch bên ngoài, giao dịch qua giấy tay, nhờ người đứng tên để không phát sinh bất động sản thứ 2…

Tóm lại, với những thông tin ban đầu còn quá hạn chế đối với một chính sách thuế mới, đồng thời căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, theo quan điểm cá nhân tôi, đề xuất của UBND TP.HCM về chính sách thuế tài sản (đối với bất động sản thứ 2) khó được đưa vào nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 54/2017.

Tin bài liên quan