Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Họp báo Chính phủ chiều 4/11 (Ảnh: M.Minh)

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Họp báo Chính phủ chiều 4/11 (Ảnh: M.Minh)

Đề xuất kỷ luật một nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và nguyên Tổng giám đốc EVN

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin trên vừa được ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/1, liên quan đến kết luận thanh tra về cung ứng điện tại EVN và các đơn vị liên quan thời gian qua.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 vào chiều tối 4/11, phóng viên đặt câu hỏi với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt, cách tính giá điện đã hợp lý hay chưa, quá trình xử lý sai phạm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Kết luận thanh tra đến đâu...

Về vấn đề cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công thương đã triển khai các giải pháp, trong đó có giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn nhiên liệu đầu vào như than, khí, dầu để sản xuất điện.

Bộ đang chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt đường dây 500kV Quảng Trạch, điều độ vận hành hệ thống điện tối ưu, khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống điện mái nhà.

Bộ cũng chỉ đạo EVN nâng cao dự báo, xây dựng kịch bản đối phó với tín hiệu cực đoan, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt người dân.

Về cách tính giá điện, Thứ trưởng cho biết, tại Quyết định 24 của Chính phủ đã quy định phương pháp xây dựng giá bán lẻ điện bình quân với các khâu trong quy trình sản xuất cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, dịch vụ hỗ trợ…

Cơ chế điều chỉnh mức giá bình quân cũng đã quy định rõ trong Quyết định 24 trong mối liên quan với các thông số đầu vào. Theo đó, nếu các nguyên liệu đầu vào tăng hơn 3% trở lên thì sẽ điều chỉnh tăng và ngược lại.

Tuy nhiên, điện là nguyên liệu có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng đến toàn xã hội; do đó Quyết định 24 cũng quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu mức tăng từ 5% trở lên.

"Hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định 24 để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện cho lộ trình phù hợp. Chúng tôi đã trình Chính phủ đề xuất này", ông Tân thông tin.

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 vào chiều tối 4/11

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 vào chiều tối 4/11

Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra về cung ứng điện tại EVN và các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã thanh tra và có kết luận, trong đó có nội dung liên quan việc kiểm điểm một số cá nhân của EVN và đơn vị liên quan.

Vừa qua, Bộ Công thương đã giám sát việc thực hiện kết luận của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có EVN. Theo đó, EVN đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm các cá nhân đơn vị được chỉ ra trong kết luận thanh tra. Các hình thức kỷ luật đã báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đã tiến hành kiểm điểm các đơn vị liên quan.

"Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, và EVN khắc phục hậu quả, tránh lặp lại sai sót đã chỉ ra trong kết luận thanh tra", ông Tân khẳng định.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin thêm, kết luận thanh tra của Bộ Công thương về cung ứng điện đã nêu một số tồn tại và vi phạm với 5 nhóm nội dung.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin tại buổi họp báo (Ảnh: M.Minh)

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin tại buổi họp báo (Ảnh: M.Minh)

Bao gồm: Chậm đầu tư hoàn thành một số nguồn và lưới điện; vi phạm trong đảm bảo dự trữ nguồn nguyên liệu sơ cấp, điều độ hệ thống điện và cân đối các nguồn điện; vi phạm chỉ đạo điều hành và lập lịch; để gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng ở khu vực miền Bắc...

Theo ông Hùng, đây là những nội dung rất quan trọng nên để làm rõ trách nhiệm, các đơn vị liên quan lập hội đồng kỷ luật để tiến hành kiểm điểm. Đến nay EVN đã thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục và báo cáo các đơn vị liên quan, đảm bảo kiểm điểm đúng vi phạm và tồn tại.

"Kết quả, đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan. Hiện quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đã thực hiện theo quy định của trung ương và cơ bản đã hoàn tất", ông Hùng cho biết.

Trong đó, EVN đã làm rõ trách nhiệm và thực hiện xử lý kỷ luật một số nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý. Bao gồm xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách với một phó tổng giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện; ban hành quyết định kỷ luật khiển trách với ba giám đốc, phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

Ngoài ra, theo Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị này cũng đề xuất kỷ luật khiển trách với một nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn và thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn.

"Tuy nhiên, do vấn đề này vượt thẩm quyền nên Uỷ ban đang báo cáo các cấp có thẩm quyền", ông Hùng thông tin.

Tin bài liên quan