Đề xuất mở rộng không gian cho công ty chứng khoán

Đề xuất mở rộng không gian cho công ty chứng khoán

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) Nhữ Đình Hòa cho rằng, nếu nhà quản lý mở rộng không gian cho khối CTCK, chắc chắn BVSC và nhiều CTCK khác sẽ tham gia thị trường TPCP nhiều hơn.

Sau 5 năm hoạt động của thị trường TPCP chuyên biệt tại HNX, ông đánh giá như thế nào về cơ hội kinh doanh của khối CTCK trên thị trường này?

BVSC luôn nỗ lực tham gia thị trường TPCP trên cả Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM. Tuy khối CTCK nói chung, BVSC nói riêng không thể so sánh với khối ngân hàng về tiềm lực tài chính, nhưng trong phạm vi của mình, BVSC đã có những đóng góp nhất định trên thị trường TPCP trong những năm qua.

Năm 2013, tổng giá trị trái phiếu đấu thầu qua BVSC đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng. BVSC đã thực hiện thành công đợt bảo lãnh phát hành TPCP kỳ hạn 15 năm đầu tiên kể từ năm 2006. Đợt bảo lãnh thành công đã góp phần ghi dấu ấn của Công ty trên thị trường này.

Cùng với đó, chúng tôi kết nối khách hàng, thực hiện nghiệp vụ môi giới trái phiếu, tìm kiếm cơ hội mua bán ngắn hạn trái phiếu, tích cực repo trái phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy lợi nhuận từ mảng kinh doanh trên thị trường trái phiếu đóng góp vào kết quả chung của BVSC chưa cao, nhưng chúng tôi tin rằng, nếu nhà quản lý mở rộng không gian trên thị trường TPCP cho khối CTCK, sẽ kích thích sự tham gia nhiều hơn và khối CTCK nói chung, BVSC nói riêng sẽ có cơ hội đạt được lợi ích lớn hơn từ thị trường này. 

Mở rộng không gian kinh doanh cho khối CTCK trên thị trường TPCP, cụ thể là như thế nào, theo ông?

Có nhiều cách để thực hiện việc này. Đơn cử, tại Sở GDCK TP. HCM, thành viên giao dịch trên thị trường TPCP chỉ có khối CTCK, các tổ chức tài chính khác muốn tham gia đầu tư trái phiếu, sẽ sử dụng CTCK như tổ chức tài chính trung gian.

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) - nơi vận hành thị trường TPCP chuyên biệt với quy mô rất lớn, thành viên giao dịch hiện gồm cả CTCK và các ngân hàng. Điều này vô hình chung làm mất đi phần lớn vị thế nhà môi giới của khối CTCK trên thị trường TPCP.

Tôi cho rằng, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nên cân nhắc, sửa đổi theo hướng trên thị trường TPCP chuyên biệt, khối CTCK được thực hiện trọn vẹn vai trò của tổ chức trung gian, kết nối các nhà đầu tư, trong đó có khối ngân hàng thương mại.

Trường hợp đề xuất trên không thực hiện được, thì Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nên tính đến việc cho phép các CTCK đủ tiềm lực tài chính, được trở thành thành viên giao dịch trên thị trường tiền tệ, để khối CTCK được tiếp cận không gian kinh doanh trên thị trường vốn - thị trường tiền tệ bình đẳng như các ngân hàng TMCP. Đây là cách người Nhật đã và đang phát triển thị trường trái phiếu. 

Không thể phủ nhận thị trường TPCP chuyên biệt là đã giúp Ngân sách Nhà nước huy động được lượng vốn rất lớn, phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu cũng còn nhiều điểm hạn chế, như sản phẩm chưa nhiều, cơ cấu thị trường chưa hoàn chỉnh, giao dịch chủ yếu tập trung vào tự doanh của khối ngân hàng thương mại… Theo ông, phải xử lý những hạn chế trên như thế nào?

Theo cảm nhận của chúng tôi, qua từng năm, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan có nhiều nỗ lực để hoàn thiện thị trường TPCP, như việc đưa tín phiếu lên sàn, thúc đẩy phát hành trái phiếu lô lớn, hoán đổi trái phiếu để giảm bớt số lượng trái phiếu, triển khai đấu thầu trái phiếu điện tử, rút ngắn thời gian niêm yết của trái phiếu hay vận hành đường cong lợi suất TPCP…

Theo kế hoạch, từ năm 2016, thị trường phái sinh sẽ vận hành và một trong các sản phẩm đầu tiên được HNX xây dựng là sản phẩm phái sinh trên trái phiếu. Tuy nhiên, để thị trường TPCP thực sự sôi động, theo tôi, điểm mấu chốt là phải hình thành được hệ thống nhà tạo lập thị trường, cùng với đó cần giảm thời gian giao dịch trái phiếu xuống T+0.

Vấn đề nhà tạo lập thị trường không mới, nhưng cho đến nay, vai trò của nhà tạo lập thị trường ra sao, quyền và nghĩa vụ của họ như thế nào… vẫn chưa được định hình rõ ràng. Nếu nhà quản lý có những khuyến khích thiết thực thúc đẩy sự hình thành các nhà tạo lập thị trường, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng kết nối các nhu cầu đầu tư TPCP của nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp thị trường sôi động và hiệu quả hơn.

Được biết, HNX đã có nghiên cứu để sớm cho ra đời các công cụ giao dịch mới như Zero Coupon Bond, When – issued, bộ sản phẩm Repo hay gần hơn là ra mắt chỉ sô trái phiếu (Bond-Index). Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Sự xuất hiện của các công cụ giao dịch, sản phẩm mới chắc chắn sẽ tác động tích cực đến thị trường TPCP, tuy nhiên, điều quan trọng không kém là cần phát triển những công cụ phòng vệ rủi ro, nhất là rủi ro lãi suất trên thị trường trái phiếu.

Cùng với đó, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích loại hình quỹ hưu trí ra đời và mở rộng không gian đầu tư trái phiếu cho nhà đầu tư ngoại, để đa dạng hóa đối tượng nhà đầu tư.

Nếu thị trường trái phiếu mà trong đó các Ngân hàng thương mại là những nhà đầu tư chiếm tỷ lệ áp đảo, thì vô hình chung Chính phủ đã làm thay việc cho vay của Ngân hàng

Việc HNX phát triển hệ thống chỉ số trái phiếu, theo chúng tôi là rất cần thiết, nhất là khi loại hình quỹ ETF tại Việt Nam đã bắt đầu ra đời. Chúng tôi tin rằng, khi có chỉ số trái phiếu, sẽ có các quỹ đầu tư chỉ số được xây dựng trên chỉ số trái phiếu, từ đó giúp đại chúng hóa đối tượng đầu tư, cho phép không chỉ các tổ chức, mà nhà đầu tư cá nhân, cũng có thể tham gia thị trường TPCP.

Tin bài liên quan