Một dự án đang xây dựng tại TP.HCM nằm trong danh sách đề xuất thanh tra. Ảnh: Gia Huy

Một dự án đang xây dựng tại TP.HCM nằm trong danh sách đề xuất thanh tra. Ảnh: Gia Huy

Đề xuất thanh tra 60 dự án, từ góc nhìn pháp lý

(ĐTCK) Liên quan đến sự việc Bộ Tài chính có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá, trong đó đề xuất thanh tra 60 dự án bất động sản,  Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO về vấn đề này. 

Ông đánh giá thế nào về khả năng các dự án bị đình chỉ theo kiến nghị của Bộ Tài chính?

Tôi cho là các dự án sẽ không bị đình chỉ. Trong lĩnh vực xây dựng, theo Điều 104 Luật Xây dựng năm 2014, thì biện pháp đình chỉ công trình xây dựng chỉ được áp dụng khi chủ đầu tư xây dựng công trình có vi phạm nghiêm trọng.

Vi phạm mức này xét theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,  môi trường và trật tự, an toàn xã hội... và không phải những sai phạm (nếu có) như thông tin phản ánh trong Công văn số 2000 của Bộ Tài chính.

Cần lưu ý là, theo quy định tại Điều 77 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì cơ quan có thẩm quyền kiến nghị để đình chỉ các dự án kinh doanh bất động sản là Bộ Xây dựng. Ngoài ra, theo Điều 78 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, thì UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện việc đình chỉ các dự án kinh doanh bất động sản sau khi đã tổ chức kiểm tra, rà soát.

Nếu các dự án có sai phạm phát sinh như kiến nghị của Bộ Tài chính thì việc xử lý sai phạm cần giải pháp nào?

Trước hết, cần xác định rõ sai phạm được Bộ Tài chính kiến nghị ở đây là sai phạm gì. Theo báo chí phản ánh thì Công văn số 2000/BTC-TTr ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính xác định nhiều dự án định giá đất chưa đầy đủ và đúng với giá thị trường, việc định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Luật sư Trần Minh Hải 

Từ đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá. Như vậy, có thể hiểu sai phạm (nếu có) của các chủ đầu tư là xuất phát từ việc tính, xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, trình tự, thủ tục giao đất khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Nếu dự án bị kết luận có sai phạm như nội dung nêu trên, thì vấn đề là cần xác định sai phạm thuộc về ai. Giả sử nếu dự án đất đai liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì khi cổ phần hóa, doanh nghiệp đã phải xây dựng phương án sử dụng đất (bao gồm nội dung về tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp) trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Do đó, nếu doanh nghiệp đã thực hiện theo đúng phương án được phê duyệt thì đối tượng bị xem xét trách nhiệm phải là các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Còn về phía doanh nghiệp, thì Điều 52 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ có nêu "những vấn đề liên quan đến quá trình cổ phần hóa được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước sau khi doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì mọi tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định hiện hành, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý".

Sai phạm nào có cách xử lý của lĩnh vực đó, tuy nhiên, dự án không phải đối tượng bị xem xét dừng thực hiện trong trường hợp này.

Như vậy, nếu dự án có sai phạm như nội dung kiến nghị của Bộ Tài chính thì với sai phạm về mặt tài chính, biện pháp xử lý tương ứng nên là xử lý về mặt tài chính như nội dung pháp luật quy định.

Quyền lợi của người mua sản phẩm các dự án liệu có bị ảnh hưởng từ vụ việc này?

Về mặt tâm lý người mua sản phẩm bất động sản, thông tin phản ánh trên báo chí đương nhiên phần nào đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, quyền lợi người mua vẫn được bảo đảm. Các thông tin nêu trên chỉ đang trong giai đoạn được Bộ Tài chính đề xuất, Chính phủ chưa có quyết định chính thức.

Nếu có quyết định thanh tra nhưng kết luận thanh tra cho thấy chủ đầu tư không có hành vi vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nhưng biện pháp xử lý vi phạm không ảnh hưởng đến hoạt động của dự án, thì quyền lợi của người mua vẫn được bảo đảm.

Mặc dù như đã phân tích, khả năng chủ đầu tư bị đình chỉ thi công dự án là không cao, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất, đúng là kết luận thanh tra cho thấy chủ đầu tư có vi phạm về xây dựng và dự án bị dừng thực hiện, thì lúc đó quyền lợi của người mua nhà mới cần căn cứ vào hợp đồng đã ký với chủ đầu tư và các vấn đề bảo lãnh tiến độ bàn giao bất động sản cho chủ đầu tư của ngân hàng…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan