Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 6 tháng, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Sau ngày 30/6/2024, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế GTGT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn.
Theo dự báo của Chính phủ, thu NSNN năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn.

Theo dự báo của Chính phủ, thu NSNN năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn.

Sau khi được Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ sáu, tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được Chính phủ gửi Quốc hội.

Mục tiêu của đề xuất này, theo Chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Dự kiến thu NSNN năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như nội dung chính sách giảm thuế GTGT đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Cụ thể là giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn việc giảm thuế suất thuế GTGT và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.

Sau ngày 30/6/2024, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế GTGT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đánh giá tác động, Chính phủ cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương 25.000 tỷ đồng.

Dự kiến này được dựa trên cơ sở số giảm thu NSNN ở khâu nội địa tính cho giai đoạn từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023, bình quân mỗi tháng giảm khoảng 2.550 tỷ đồng, dự báo tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng thu: Giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng thu NSNN năm 2024 khoảng 5-7% thì mức giảm thu ở khâu nội địa bình quân 1 tháng trong năm 2024 dự kiến là 2.700 tỷ đồng (bằng 2.550 x 106%), mức giảm thu bình quân 1 tháng ở khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Về tác động với người dân, theo Chính phủ, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Còn đối với doanh nghiệp thì việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Dự kiến vào ngày 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc giảm thuế GTGT.

Tin bài liên quan