Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã quyết định đưa thêm “báo cáo phát triển bền vững” vào nội dung chấm giải

Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã quyết định đưa thêm “báo cáo phát triển bền vững” vào nội dung chấm giải

Đến lúc lập báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) Khi thực hiện báo cáo phát triển bền vững là DN đã “ghi thêm điểm” với nhà đầu tư, khách hàng lẫn đối tác.

Vì sao lập báo cáo?

Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có gần 60.000 DN được thành lập. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra, chỉ có khoảng 20% DN kỷ niệm sinh nhật lần thứ 3. Rất nhiều DN đã “biến mất” không lâu sau ngày thành lập. Số khác sống ngắc ngoải hoặc không định hình được khả năng của mình.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân của việc “biến mất” và “mờ nhạt” ở DN chủ yếu do DN thiếu định hướng phát triển lâu dài. Trong khi đó, DN nào quản lý tốt khía cạnh phát triển bền vững thì thường thành công.

Vì lý do này, ngày càng có nhiều DN quyết định công bố thêm thông tin về tính bền vững. Theo Công ty Tài chính quốc tế (IFC), tại Mỹ, có 48% DN trong rổ chỉ số S&P 500 hiện đã cung cấp báo cáo phát triển bền vững (BCPT). Ở một số nước như Trung Quốc , Malaysia , Nam Phi, Ấn Độ, Singapore , Brazil , các Sở GDCK còn ban hành yêu cầu hay các hướng dẫn về lập BCPT.

Tại Việt Nam , mới đây, Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã quyết định đưa thêm “báo cáo phát triển bền vững” vào nội dung chấm giải. Từ năm 2013, IFC cùng Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) phối hợp với Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã khởi xướng thêm giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững cho các DN niêm yết.

Rõ ràng, vai trò của BCPT đã được nhìn nhận ở một tầm quan trọng hơn. Bởi khi hiện báo cáo này, DN còn thúc đẩy cải tiến nhiều mặt trong sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, BCPT sẽ giúp DN nhận diện các rủi ro và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh mới. BCPT hiệu quả sẽ tăng thêm uy tín, năng lực kinh doanh của DN qua việc xây dựng lòng tin với các bên liên quan. Hay BCPT là biện pháp để DN xác định cách thức mới trong xây dựng và định lượng giá trị kinh doanh. Vì không riêng nhà đầu tư, mà khách hàng, đối tác luôn muốn biết các dự án mới, các cải tiến hệ thống, các sản phẩm dịch vụ của DN khi xem xét trong tương quan môi trường - xã hội sẽ đem lại lợi ích lâu dài như thế nào?

 

Các bước thực hiện

Có một số khuôn khổ báo cáo chất lượng tốt được triển khai để hướng dẫn DN cách thực hiện BCPT. Tuy nhiên, tùy mục đích của DN mà DN sẽ có những lựa chọn tiêu chuẩn thực hiện khác nhau.

Theo khung phát triển bền vững do IFC xây dựng, áp dụng từ năm 2006 cho hơn 70 thể chế tài chính thì khi thực hiện BCPT, DN phải lưu tâm đến 8 vấn đề sau: đánh giá và quản lý rủi ro, tác động của môi trường và xã hội; lao động và điều kiện lao động; hiệu quả nguồn tài nguyên - phòng tránh ô nhiễm; sức khỏe, an toàn, an ninh cộng đồng; thu hồi đất - tái định cư; bảo toàn đa dạng sinh học, quản lý bền vững đối với tài nguyên thiên nhiên; người dân bản địa; cuối cùng là di sản văn hóa.

Điều này đòi hỏi DN phải xác định được tầm nhìn đối với hoạt động phát triển bền vững, có chỉ đạo và giám sát thực hiện, có nhóm phụ trách báo cáo để thu thập, xác minh thông tin và tích hợp tất cả vào trong báo cáo. Theo Sổ tay hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững do IFC cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) soạn thảo, công việc này vất vả nhưng đem lại nhiều lợi ích cho DN như giúp DN biết thêm nhiều thông tin, có cái nhìn đúng đắn về chiến lược và lãnh đạo; chú ý hiệu quả hoạt động, sáng tạo sản phẩm, tăng tính hấp dẫn trong mắt NĐT…

Bước tiếp theo là phân tích vị thế DN trong hành trình phát triển bền vững, nhờ đến tham vấn từ các bên liên quan. Mục tiêu là thiết lập sự đối thoại và xây dựng kênh phản hồi thông tin thường xuyên với các bên liên quan. Các bên có thể tham gia qua các phương tiện truyền thông, qua khảo sát, trao đổi điện tử, phóng vấn nhóm…

DN cần xác định đâu là vấn đề quan trọng nhất cần báo cáo. Từ đây, DN sẽ cung cấp đúng thông tin thực chất, giúp xác định thông điệp chính của bản báo cáo. Trên cơ sở này, DN sẽ lập kế hoạch cụ thể cho quá trình thu thập thông tin. Sự hỗ trợ từ lãnh đạo cấp cao như trao chức năng, ủy quyền cho nhóm báo cáo sẽ là yếu tố giúp DN đạt được số liệu thực chất.

Khi đã có đầy đủ thông tin, nhóm báo cáo sẽ bắt tay vào tổng hợp, viết báo cáo. DN cần cân nhắc hình thức thể hiện vì những đối tượng khác nhau sẽ có những mối quan tâm khác nhau. Hỏi trực tiếp các bên liên quan, DN sẽ có câu trả lời phù hợp.

Cuối cùng, DN cần ưu tiên củng cố tính xác thực của báo cáo. Vì giá trị của báo cáo chính ở tính chính xác và đầy đủ của thông tin. Khi làm tốt BCPT, DN đã chứng minh được tính minh bạch, cam kết cải tiến liên tục của mình.