Quả bóng danh tiếng bị xì hơi
Được ca tụng như một nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương vĩ đại nhất còn sống khi rời cương vị Chủ tịch FED năm 2006 nhưng hiện nay, Greenspan đang phải đối mặt với những lời chỉ trích của cả giới báo chí lẫn các chuyên gia kinh tế về việc để xảy ra cơn bùng phát nhà ở giai đoạn 2000 - 2005. “Danh tiếng của ông ta chỉ như quả bong bóng được bơm lên từ sự hưng thịnh của thị trường nhà ở. Và khi thị trường này suy thoái thì ông ta sẽ “lãnh đủ” với danh tiếng siêu sao của mình”, Edward Chancellor, tác giả cuốn sách “Khôn sống mống chết: Lịch sử đầu cơ tài chính” cho biết.
Không chỉ riêng bản thân Greenspan, mà cả tương lai của những chính sách ông này theo đuổi trong suốt hơn 18 năm nắm vị trí lãnh đạo FED cũng đang lâm nguy. Phe chỉ trích đổ lỗi cho Greenspan trong việc không ban hành các chính sách và lưỡng lự trong việc sử dụng tỷ lệ lãi suất để kiềm chế hiện tượng bong bóng bất động sản, gây nên sự bùng phát cho vay thế chấp và giá nhà leo thang hiện đang có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cơn suy thoái.
Thiện cảm dành cho Greenspan đã bị lu mờ bởi tình trạng của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường nhà ở trở nên xấu đi kể từ khi ông này hết nhiệm kỳ. Nhà báo Blinder từng ca ngợi Greenspan là người lãnh đạo FED vĩ đại nhất hồi năm 2005 giờ phải cân nhắc lại, liệu đánh giá ấy có còn đúng đắn hay không.
“Greenspan vẫn xứng đáng được vinh danh vì những đóng góp của mình trong những chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, vị cựu Chủ tịch FED đã bị “mất điểm” do không theo dõi sát sao ngành ngân hàng”, nhà báo này cho biết.
Ứng phó kém
“FED và các cơ quan điều tiết khác đã xử lý một cách chậm trễ. Đáng lẽ ra, họ đã có thể giúp tình trạng không đến nỗi nghiêm trọng đến như thế bằng các chính sách điều tiết và giám sát tốt hơn, chứ không phải bằng chính sách tiền tệ”, Blinder phát biểu.
Desmond Lachman, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, chủ trương tự do hóa của Greenspan đã khiến ông không thể hãm phanh việc lạm dụng cho vay bất động sản.
Tỷ lệ lãi suất quá thấp
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Greenspan đã giúp thổi phồng quả “bong bóng nhà ở” bằng cách giữ tỷ lệ lãi suất ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài. FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất trong vòng 45 năm hồi tháng 6/2003, giữ mức này trong 1 năm và sau đó tăng lên rất từ từ.
Một chuyên gia khác có chung nhận định khi giả định rằng, nếu FED không cắt giảm lãi suất ở mức thấp như thế, và nâng tỷ lệ này một cách nhanh chóng thì cơn bùng phát thị trường nhà ở đã có thể tránh được.
Chưa có hồi kết
Tuy nhiên, ông già 81 tuổi Greenspan lại lập luận rằng, bong bóng thị trường nhà ở xảy ra không phải do các chính sách tiền tệ của FED, mà là tình trạng dư thừa tiền tiết kiệm trên toàn cầu, khiến lãi suất cho vay dài hạn giảm xuống trên khắp thế giới. Greenspan cũng cho biết, chả riêng gì nước Mỹ, mà còn có nhiều quốc gia đã phải hứng chịu cơn bão nhà ở đầu những năm 2000.
Giới hàn lâm bao gồm các giáo sư đại học và cựu quan chức FED nói chung vẫn dành cho Greenspan những đánh giá rất cao trên cương vị Chủ tịch FED. Trong suốt nhiệm kỳ của Greenspan, nền kinh tế Mỹ đã vượt qua 2 đợt suy thoái, mỗi đợt kéo dài không đầy một năm, và đã đạt được sự phát triển dài nhất từ trước tới nay.