Dệt may, da giày, thép chồng chất khó khăn

Dệt may, da giày, thép chồng chất khó khăn

Thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm... là tình cảnh phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là may mặc, da giày, thép.

Có lẽ ngành đầu tiên được nhắc đến khi nói về những khó khăn trong thời gian vừa qua phải kể là ngành dệt may. Bằng chứng là trong tháng 7 vừa qua, sản xuất ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng chưa ổn định và chưa có xu hướng tăng, kim ngạch nhập khẩu thấp so với cùng kỳ. Bên cạnh các bất lợi trên, những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao… là trở ngại chính đối với sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới đối với ngành dệt may.

 

Khác với dệt may, ngành da giày mặc dù đã có phần thuận lợi hơn tháng 6, song ngành cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, áp lực về nguồn lao động là trở ngại đối với các doanh nghiệp khi bước vào mùa sản xuất cao điểm. Dự báo tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành da giày còn kéo dài trong 2-3 tháng tới.

 

Không chỉ ngành dệt may và da giày, trong thời gian vừa qua ngành thép cũng được nêu ra như một mình chứng tiêu biểu cho sự ngưng trệ của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tình hình tiêu thụ chậm, lượng thép tồn kho cao, công suất dư thừa, nhiều nhà máy sản xuất thép phải giảm sản xuất. Dự báo tình tình hình tiêu thụ chậm sẽ còn tiếp tục diễn ra đối với ngành thép trong tháng 8 và tháng 9 tới.

 

Theo số liệu thống kê về thép, sản lượng thép các loại tháng 7 ước đạt 506,2 nghìn tấn, giảm 2,0% so với tháng 7 năm 2011. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng thép các loại ước đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong đó, thép tròn ước đạt 1,8 triệu tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ.

 

Cùng với những ngành trên, một ngành cũng được khá nhiều người tiêu dùng quan tâm cơ khí, điện, điện tử. Do những khó khăn về kinh tế trong thời gian vừa qua, đã khiến nhiều hộ gia đình cắt giảm mạnh chi tiêu, khiến sức mua bị giảm sút.

 

Theo đó, trong tháng 7 vừa qua, ngành tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua giảm mạnh, tồn kho nhiều. Mặc dù các siêu thị điện máy liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi dành cho nhiều đối tượng khách hàng để hỗ trợ sức mua, xả hàng tồn kho nhưng sức mua vẫn yếu nên tăng trưởng chưa cao.

 

Cụ thể, bên cạnh một số sản phẩm trong ngành 7 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: sản lượng máy giặt tăng 34,7%; tủ lạnh, tủ đá tăng 9,1%; ti vi các loại tăng 4,9%, thì lại có khá nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Sản lượng điều hòa, nhiệt độ giảm 30,6%; bình đun nước nóng giảm 25,6%; sản lượng ô tô giảm 12,7%; xe máy giảm 5,1%.

 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 1/7 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 39,4%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 33,3%...

 

Dệt may, da giày, thép chồng chất khó khăn ảnh 1Hiện nay nhiều ngành phải đối mặt với thách thức là thép, dệt may, da giày. Ảnh minh họa.

 

Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm ngày 1/7 so với tháng trước cũng tăng 6. Đây được xem là thời điểm có mức tăng chỉ số tồn kho tương đối cao trong các tháng từ đầu năm đến nay.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết, đây là các vấn đề nội cộm của các doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, việc ban hành đề án tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường... là rất cần thiết.

 

"Hiện Bộ Công thương được giao xây dựng đề án Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Dự kiến sắp tới, Bộ Công thương sẽ ban hành đề án này và những vấn đề gì liên quan đến Chính phủ sẽ trình Chính phủ, còn những vấn đề liên quan đến Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước thì cũng sẽ thông báo cho những đơn vị này", Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết.

 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, trong tháng 8 các Vụ, Cục, Tổng cục sẽ khẩn trương thực hiện các giải pháp đã đề xuất tại Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Giảm lượng hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng sản xuất hoặc phá sản.

 

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong năm, làm tiền đề để bắt đầu từ năm 2013 các doanh nghiệp có sự tăng trưởng bù lại sự sụt giảm trong những năm qua, gắn với việc tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp. Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã đặt ra.