ĐHCĐ Chứng khoán Bản Việt (VCSC): Thị trường IPO sẽ bùng nổ 2022, chú trọng hơn mảng retail

ĐHCĐ Chứng khoán Bản Việt (VCSC): Thị trường IPO sẽ bùng nổ 2022, chú trọng hơn mảng retail

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022 sẽ bùng nổ IPO, hiện VCSC đã ký hợp đồng tư vấn nhiều khách hàng. Tổng giá trị hợp đồng IB đã ký và sắp ký tương đương năm ngoái, khoảng 40.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế số 1 trong mảng IB.

Tại ĐHCĐ thường niên 2022 VCSC diễn ra chiều nay (30/3/2022), Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC – mã chứng khoán VCI) cho rằng, năm nay Công ty cần nhìn lại mình và tìm ra công thức để hoạt động hiệu quả hơn.

"Nhìn vào VND có tỷ suất lợi nhuận tăng cao năm qua, liệu có duy trì tương lai không thì cần theo dõi tiếp, nhưng rõ ràng, VCSC tiến lên thì các đơn vị bạn cũng không dừng lại. Hay như SSI tăng vốn lớn nhưng năm nay cũng tỷ suất lợi nhuận trên 20%. Bản thân VCSC vẫn đang duy trì về hiệu quả hoạt động, trong tương lai có thể giảm xuống 1 chút vì công ty đang xoay trục, chuẩn bị phát triển cho dài hạn", ông Hải chia sẻ.

Năm 2021 là năm thứ 8 liên tiếp VCSC đạt và vượt kế hoạch, với lợi nhuận để dành trong AFS lên thêm 1.500 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng tự doanh phình ra đáng kể, từ mức 49% lên 53% năm 2021, lợi nhuận chiếm gần 60%, trong khi các mảng khác đang co lại. Năm 2022, ông Hải kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều, và năm 2023 sẽ cơ cấu lại để các mảng cân đối hơn.

Ông Hải cho rằng, 2021 là năm đầu tiên thị phần môi giới tụt dưới 5% (từ trước đến nay trên 6%). Trước đây VCSC mạnh về khách hàng tổ chức và đóng góp lớn vào thị phần, nhưng thị trường năm qua khách hàng cá nhân bùng nổ, chiếm đến 93 - 95% giao dịch thị trường nên thị phần VCSC co lại.

Theo đó, năm nay VCSC sẽ xoay trục, phát triển nhiều hơn ở môi giới cá nhân. Năm 2022 có thể thị phần vẫn có thể giảm nhẹ trước khi tăng lại vào năm 2023. Điểm sáng là môi giới nước ngoài (chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức thì VCSC nắm phần lớn miếng bánh ở đây, thị phần 26%).

Về mảng trái phiếu, ông Hải từng hứa tham gia ở ĐHCĐ 2021 thì nay đang bước chân vào thị trường trái phiếu và đã phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu. Năm 2022 đặt ra mục tiêu trên 5.000 tỷ đồng.

Đối với mảng ngân hàng đầu tư (IB), trong năm 2021 ghi nhận một phần doanh thu đã làm năm trước, đồng thời ký mới với một số doanh nghiệp, đặc biệt hoạt động IPO năm nay chắc sẽ bùng nổ.

Ông Hải đánh giá trong mảng này có đối thủ cạnh tranh mới, và VCSC không phải là đơn vị duy nhất thực hiện tư vấn IPO và M&A, vì thị trường không còn giống như xưa (các quỹ đầu tư tham gia rất mạnh) thì nay nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh nên lợi thế cho các đơn vị cùng ngành có khách hàng cá nhân đông đảo.

Tuy nhiên, theo quy định, tiến trình IPO, niêm yết vẫn kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân e ngại tham gia, còn doanh nghiệp muốn huy động vốn qua IPO thì VCSC vẫn là đơn vị có lợi thế vì cách tiếp cận, mạng lưới đối tác, các tổ chức trong nước và quốc tế…

Đối với mảng cho vay margin, dư nợ 7.700 tỷ đồng, tăng gấp đôi nhưng so với nhiều CTCK khác thì vẫn nhỏ, chưa kể nhiều đơn vị tận dụng bên thứ 3 để mở rộng danh mục cho vay.

Ông Hải cho biết, năm nay Công ty sẽ cố gắng huy động vốn quốc tế để có chi phí vay rẻ, trong nước hiện room cho vay CTCK đang co lại. Nếu so sánh trên vốn chủ sở hữu thì hiện VCSC là đơn vị có tỷ lệ huy động vốn nước ngoài nhiều nhất trong ngành, 150 triệu USD. Năm 2022 Công ty dự kiến huy động thêm 150 triệu USD nữa cho mảng này. Ở mảng này VCSC vẫn còn nhiều dư địa khai thác vì tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu chỉ mới hơn 1 lần.

Còn mảng tự doanh, đại diện VCSC cho biết, Công ty chỉ mở rộng chứ không bán, danh mục có nhiều khoản đầu tư đã 5 - 6 năm nhưng chất lượng công ty vẫn tốt, còn dư địa tăng trưởng nên Công ty chưa có kế hoạch thoái như KDH, MWG, IDP… Tới thời điểm này, lợi nhuận để dành trong AFS đã tăng lên 1.800 - 2.000 tỷ đồng.

Năm 2022, VCSC vẫn đặt mục tiêu duy trì vị trí số 1 ở mảng IB, dự báo thị trường IB sẽ bùng nổ IPO. VCSC không cố gắng tập trung cho doanh nghiệp bất động sản vì cho rằng năm nay khó khăn cho ngành này. Theo đó, Công ty cố gắng tiếp cận doanh nghiệp ở mảng hạ tầng, năng lượng, còn mảng hàng tiêu dùng không còn nhiều.

Đặc biệt, VCSC sẽ chú trọng hơn mảng retail năm nay, dự kiến dư nợ margin tăng lên trên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ mảng này. Đồng thời, mở thêm các chi nhánh ở các thành phố lớn, liên kết các đơn vị, ngân hàng để mở điểm giao dịch.

Năm 2022, VCSC đặt kế hoạch doanh thu 3.240 tỷ đồng, giảm 12,6% và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, tăng 2,7% so với thực hiện năm trước. Được biết, kế hoạch kinh doanh trên được VCSC xây dựng dựa trên cơ sở VN-Index đạt 1.550 điểm vào cuối năm.

Quý I/2022, VCI ước đạt lợi nhuận 500 - 550 tỷ đồng, quý II có thể tương đương. Nửa đầu năm, Công ty có thể đạt 1.000 - 1100 tỷ đồng lợi nhuận.

Thảo luận tại Đại hội với Tổng giám đốc Tô Hải

Đánh giá thị trường M&A, IPO năm 2022 sẽ bùng nổ, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

M&A không bùng nổ như các năm trước, mà khó khăn hơn, nhưng IPO thì rất nhiều công ty năm nay muốn huy động vốn. Cùng kỳ thì VCI làm DXS, còn năm nay, đã ký hợp đồng 4 công ty, 2 công ty sẵn sàng ký. Vậy các đơn vị bạn khác cũng sẽ có những hợp đồng.

P/E trung bình 14 mà doanh nghiệp chưa huy động được vốn là không hợp lý.

Thông tin Chủ tịch FLC bị tạm giam và nhiều tin đồn tới các nhân vật khác có vẻ ảnh hưởng tới thị trường những phiên gần đây. VCI đánh giá trung lập, công bằng về thực trạng thao túng giá trên thị trường ra sao?

Thông tin trên thị trường đều đã biết cả. Quan điểm là người sống trong nghề lâu năm thì cái gì không đúng với thị trường đều sẽ có điều chỉnh, trên cả thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Tôi nghĩ chỉ ảnh hưởng ngắn hạn (1 - 2 ngày), tuần sau có thể quên ngay và thị trường sẽ tốt hơn.

Nhà đầu tư sẽ muốn tiếp cận tới thị trường nhiều hơn vì họ thấy mình được bảo vệ. Nếu cơ quan chức năng làm thường xuyên hơn thì sẽ tốt hơn cho thị trường.

Công ty VCI thành lập tại Singapore sẽ hoạt động cụ thể thế nào?

Năm 2021 có 3 kỳ lân là VNG, Momo và Vnpay, đều định giá trên 2 tỷ USD và sẽ có nhiều công ty nữa, nên nhu cầu niêm yết ở thị trường nước ngoài là không tránh khỏi. Nhiều công ty công nghệ chưa được đánh giá tương xứng, đồng thời cũng không đủ điều kiện niêm yết ở Việt Nam vì đang lỗ. Do đó, Công ty sẽ đón đầu để giúp công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài chứ không phải đầu tư ra nước ngoài.

Khoản đầu tư thú vị của VCI là vào Sữa Quốc Tế (IDP) mang lại kết quả thế nào?

Khi VCI đầu tư vào IDP thì công ty này đã có sự xoay chuyển về tình hình kinh doanh, và sau đó có đột phá.

Họ thay đổi chiến lược hoàn toàn, tập trung nhất là chuyển sang digital marketing đưa thương hiệu và sản phẩm lan tỏa hơn, tới người tiêu dùng nhiều hơn. Năm 2020, IDP đột phá tăng gấp đôi doanh thu.

Thương hiệu lõi của IDP vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2021. VCI vẫn đầu tư vào IDP. Năm 2022, IDP sẽ là công ty hiếm hoi trong ngành tăng trưởng.

Công ty làm gì để chuyển hướng về retail khi VND, VPS đã đi trước 2 năm?

VCI trước nay không hy sinh lợi nhuận để lấy thị phần, vì mảng retail không lớn, nhưng khi trái phiếu bùng nổ thì các CTCK mạnh retail thì gặt hái thành quả.

VCSC đã tăng vốn chủ sở hữu chủ yếu bằng lợi nhuận giữ lại, chỉ duy năm 2017 là tăng vốn thêm 500 tỷ đồng, qua đó cũng giúp tỷ suất lợi nhuận vượt trội. Nhưng với tình hình hiện nay không cho phép VSC đi theo hướng cũ và phải chấp nhận không hiệu quả như xưa để bước chân vào lĩnh vực rủi ro hơn, như retail chẳng hạn.

Đường đi sẽ như CTCK khác, vì môi giới retail không có bí mật gì to tát, đầu tư công nghệ ai cũng làm được, và cả margin. Tôi quan điểm là đi vào mà vẫn giữ chất của ta, giữ cân đối trên bảng cân đối để đảm bảo an toàn.

Nói chính xác là ta mở rộng tệp khách hàng ở mảng retail chứ không tăng dư nợ để chạy đua thị phần. Muốn thành công thì phải kết hợp cho vay margin và công nghệ. Nhưng VCI sẽ đầu tư nhiều vào công nghệ và cho vay có kiểm soát.

Tin bài liên quan