ĐHCĐ Eximbank (EIB): Bầu xong HĐQT nhiệm kỳ mới và chưa thông qua xây dựng trụ sở

ĐHCĐ Eximbank (EIB): Bầu xong HĐQT nhiệm kỳ mới và chưa thông qua xây dựng trụ sở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Danh sách ứng viên dự kiến được bầu làm HĐQT của Eximbank có 7 người. Trong danh sách 7 nhân sự được đề cử và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên duy nhất của HĐQT hiện tại dự kiến ở lại.

Chốt xong vấn đề nhân sự

Sau hơn cả buổi sáng thực hiện các thủ tục, thông qua quy chế Đại hội và đọc báo cáo, đầu giờ chiều nay 15/2, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần 2 của Eximbank đã tiến hành bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới theo danh sách đề cử đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận (bầu theo phương thức cộng dồn phiếu bầu (*)).

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, 7 ứng viên trúng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2022-2025) gồm có:

Ông Võ Quang Hiển đạt tỷ lệ phiếu bầu 212%; ông Nguyễn Hiếu đạt tỷ lệ 119,64%; Lê Hồng Anh đạt tỷ lệ 92,9%; Đào Phong Trúc Đại đạt tỷ lệ 82%; Đào Phong Trúc Đại - 81,96%; Lương Thị Cẩm Tú - 62,16%; Nguyễn Thanh Hùng - 61%; Đỗ Hà Phương - 61%.

Các thành viên đã trúng cử vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, với tỷ lệ: ông Ngô Tony 72,47%; Phạm Thị Mai Phương 135,59%; ông Trịnh Bảo Quốc 117,92%.

Đáng chú ý, trong danh sách 7 nhân sự trúng cử vào HĐQT Eximbank và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên duy nhất của HĐQT nhiệm kỳ trước ở lại.

Bà Tú cũng từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào đầu năm 2019 nhưng quyết định này sau đó bị chính ông Lê Minh Quốc, người bị miễn nhiệm khỏi ghế Chủ tịch HĐQT, khởi kiện. Sự kiện này cũng khởi đầu cho loạt biến động tại thượng tầng nhà băng này.

Bà Tú sinh năm 1980, từng làm Tổng giám đốc Nam A Bank giai đoạn 2015-2018 trước khi làm thành viên HĐQT Eximbank từ tháng 4/2018 đến nay.

Một nhân sự khác có mối liên hệ với Nam A Bank được trúng cử HĐQT Eximbank là bà Đỗ Hà Phương (sinh năm 1984).

Bà Phương từng có thời gian làm việc tại Ngân hàng VIB, hiện tại là Giám đốc Điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners.

Trong danh sách cổ đông đề cử bà Phương, xuất hiện nhóm Công ty Hoàn Vũ Sài Gòn, Hoàng Gia ĐL, Rồng Ngọc. Các doanh nghiệp này đều có mối liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.

Song song đó, hai thành viên trúng cử HĐQT Eximbank khác gồm: ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh (cùng sinh năm 1975) liên quan đến Tập đoàn Thành Công, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực công nghiệp ôtô, bất động sản, thương mại. Thành Công được biết đến nhiều nhất trong vai trò đối tác liên doanh với hãng xe ôtô Hyundai.

3 thành viên còn lại được bầu vào HĐQT Eximbank đại diện cho các nhóm cổ đông khác nhau.

Ông Võ Quang Hiển (sinh năm 1969) do SMBC đề cử. Ông Hiển hiện là Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ Thương mại toàn cầu tại ngân hàng Nhật Bản này.

SMBC lại mới chính thức chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược trước thời hạn với Eximbank được ký kết vào năm 2007.

Một ứng viên khác là ông Nguyễn Hiếu (sinh năm 1973), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và hiện cũng là thành viên HĐQT VDSC.

Trong danh sách cổ đông đề cử ông Hiếu, xuất hiện cái tên quen thuộc là bà Ngô Thu Thúy. Bà Thúy được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Âu Lạc, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải xăng dầu tại TPHCM.

Nhóm Âu Lạc đã hiện diện tại Eximbank nhiều năm qua khi 2 nhân sự liên quan gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng tham gia HĐQT Eximbank.

Ngoài ra, một thành viên trúng cử vào HĐQT Eximbank lần này là ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978).

Ông Hùng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital. Một trong những người đề cử ông Hùng cũng chính Là Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam.

Chưa thông qua xây dựng trụ sở mới

Ngoài vấn đề nhân sự, Đại hội lần này của Eximbamk, vấn đề đầu tư dự án trụ sở Eximbank tại số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM cũng được đưa ra để xin ý kiến cổ đông thông qua. Tuy nhiên, vấn đề này cuối cùng đã không qua được cửa.

Khu đất 3.513,7 m2 tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm có vị trí đắc địa, nằm ở khu vực sầm uất bậc nhất trung tâm Quận 1 ban đầu thuộc sở hữu của Văn phòng Thành uỷ TP.HCM.

Cách đây hơn một thập kỷ, Eximbank đã mua lại lô đất từ Văn phòng Thành uỷ TP.HCM với tổng giá trị gần 240 tỷ đồng, trong đó thanh toán 144,6 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phần.

Eximbank sử dụng vị trí này làm trụ sở cho tới năm 2011, trước khi chuyển sang Vincom Center 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, đồng thời triển khai dự án trụ sở trên lô đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên năm đó thông qua.

Theo dự tính ban đầu, dự án có tên gọi Eximbank Tower quy mô 5 tầng hầm, 40 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng là 69.045 m2.

Tổng vốn đầu tư 3.538 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc của Eximbank và căn hộ.

Ngày 18/12/2011, Eximbank ký hợp đồng với Công ty Nikken Sekkei để tư vấn thiết kế công trình.

Tuy nhiên do nhiều lý do, trong đó có quy định của Luật Các TCTD không cho phép ngân hàng kinh doanh bất động sản, HĐQT Eximbank ngày 23/6/2014 đã có Nghị quyết số 27 chấp thuận chủ trương cho thay đổi quy mô, chức năng của Dự án: bỏ chức năng căn hộ, chỉ còn chức năng văn phòng làm việc Eximbank, với 3 tầng hầm và 20 tầng cao.

Tiếp đó, ngày 10/7/2014, Eximbank gửi văn bản đến Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM xin điều chỉnh chức năng và quy mô dự án. Chưa đầy một tháng sau, ngày 6/8/2014, Eximbank gửi thông báo đến các đơn vị tư vấn yêu cầu tạm dừng thực hiện dự án.

Và một lần nữa, ngày 8/9/2014, Eximbank lại gửi văn bản đến Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM xin hủy bỏ và rút lại văn bản ngày 10/7/2014 nói trên. Sau một thời gian, ngày 3/2/2015, HĐQT Eximbank có nghị quyết với nội dung tạm thời chưa triển khai dự án này và chờ HĐQT nhiệm kỳ 6 xem xét, quyết định.

Dự án tiếp tục nóng lên trong mùa Đại hội cổ đông năm 2016, HĐQT Eximbank thời điểm đó đã trình chủ trương chọn đối tác trong và ngoài nước để liên doanh, hợp tác với tiêu chí: giảm chi phí đầu tư của Eximbank ở mức thấp nhất.

Theo đó, nhà băng này dự định chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, Eximbank sở hữu một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà.

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 5/2016, các cổ đông của Eximbank đã không tiếc lời chỉ trích về dự án này. Nhiều cổ đông phẫn nộ: trong khi tòa nhà ở số 7 Lê Thị Hồng Gấm đang yên đang lành thì Eximbank lại phá bỏ.

Mấy năm qua, dự án hết thay đổi cái này đến điều chỉnh cái khác, cuối cùng thì vẫn “trùm mền”, trong khi số tiền mà Eximbank bỏ ra để thuê lại mặt bằng của Vincom Centrer ở Quận 1 là rất đắt đỏ.

Ở diễn biến mới đây, Eximbank cho biết trong năm 2018 đã thực hiện rà soát lại dự án số 7 Lê Thị Hồng Gấm và ký hợp đồng dịch vụ để thuê Công ty Savills Việt Nam tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án.

Qua phân tích, đánh giá, Savills đã gửi cho Eximbank bảng đánh giá để đề xuất 3 nhà đầu tư tiềm năng. Hiện nay, Eximbank đang thực hiện các thủ tục nhằm lựa chọn nhà đầu tư để tối ưu hoá việc đầu tư và sử dụng tài sản của ngân hàng.

Theo Eximbank, lý do chậm trễ là bởi việc triển khai dự án phải tuân thủ quy định của Luật các TCTD và các quy định của pháp luật về xây dựng cơ bản.

Eximbank vẫn đang tiếp tục triển khai các công đoạn trong việc đầu tư và phương án này Eximbank phải xin ý kiến NHNN và phải được ĐHĐCĐ chấp thuận trước khi thực hiện.

(*) Theo khoản 3, Điều 148, Luật Doanh nghiệp 2020, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong công ty cổ phần được thực hiện theo phương thức dồn phiếu nếu như điều lệ công ty không có quy định khác.

Theo phương thức bầu dồn phiếu, khi bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, một cổ đông sẽ được quyền nhân số cổ phần của mình với số thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát để ra số phiếu biểu quyết, rồi dồn toàn bộ số phiếu biểu quyết cho một hoặc một vài ứng viên.

Mục đích cơ bản của việc bầu dồn phiếu chính là tăng cường sự hiện diện của các cổ đông thiểu số trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần, đảm bảo điều hoà được quyền hành và kiểm soát công ty giữa các nhóm cổ đông với nhau.

Trong đó, cổ đông có quyền sử dụng tổng số quyền bầu cử của mình cho một ứng cử viên; hoặc một số ứng cử viên với số lượng bầu cho mỗi ứng cử viên không bắt buộc phải bằng nhau; hoặc chỉ bầu một phần tổng số quyền bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên, phần quyền bầu còn lại cho bất kỳ ứng cử viên nào. Số lượng ứng viên được bầu trong mỗi phiếu không vượt quá số lượng tối đa được phép bầu.

Cách thức bầu:

1. Xác định tổng số quyền bầu cử của 1 cổ đông (hoặc đại diện cổ đông)

Tổng số quyền bầu cử của cổ đông/ đại diện cổ đông được xác định theo công thức sau:

Tổng số quyền bầu cử = Tổng số cổ phần nắm giữ hoặc đại diện x Số thành viên được bầu

Ví dụ: Số lượng thành viên bầu vào Hội đồng quản trị là 5 người (trong số 6 người được giới thiệu, đề cử vào Hội đồng quản trị), vào Ban Kiểm soát là 3 người (trong số 4 người được giới thiệu, đề cử). Ông X là cổ đông nắm giữ 1.000 cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, quyền bầu cử Hội đồng quản trị của ông X là (1.000*5) = 5.000 phiếu và quyền bầu cử Ban Kiểm soát là (1.000*3) = 3.000 phiếu.

2. Cách thức bỏ phiếu:

Thực chất việc bầu cử là phân phối toàn bộ hoặc một phần tổng số quyền bầu cử của mình cho một hoặc một số ứng viên, trong đó số lượng phân phối cho mỗi ứng viên có thể khác nhau, tuỳ thuộc vào sự tín nhiệm đối với ứng viên đó. Đối với trường hợp bầu 5 trong số 6 ứng viên thì mỗi cổ đông (hoặc đại diện cổ đông) chỉ được phân phối cho tối đa là 5 người.

Tin bài liên quan