Những thắc mắc của cổ đông đã được Ban lãnh đạo FLC trả lời chi tiết

Những thắc mắc của cổ đông đã được Ban lãnh đạo FLC trả lời chi tiết

ĐHCĐ FLC: Lợi ích cổ đông là ưu tiên số 1

(ĐTCK) Ngày 4/6/2014, CTCP Tập đoàn FLC đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2014. Bên cạnh việc thông qua các chỉ tiêu kết quả hoạt động năm 2013, phương hướng kinh doanh năm 2014, các cổ đông rất đồng tình ủng hộ các quyết định của FLC sau khi nghe lãnh đạo Công ty chia sẻ tầm nhìn hoạt động, lý giải cho các quyết định trong thời gian qua.

Duy trì mục tiêu tăng trưởng

Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2013, với doanh thu 1.804 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 137 tỷ đồng. Với kết quả này, FLC đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 115,5% về doanh thu, 350% về lợi nhuận trước thuế so với cả năm 2012.

Trong năm 2014, FLC tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng, với kế hoạch lợi nhuận 350 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ lên 3.750 tỷ đồng, thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, phát hành riêng lẻ 600 tỷ đồng với giá bán bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP). Ngoài ra, với 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đã phát hành thành công, vốn điều lệ trong năm tới của FLC có thể đạt mức 4.550 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Ban lãnh đạo FLC đã nhận được nhiều thắc mắc của cổ đông xung quanh việc phát hành tăng vốn, việc ồ ạt đầu tư vào Thanh Hóa và các thông tin chi tiết liên quan đến Dự án FLC Complex tại 36 Phạm Hùng. Những thắc mắc này đã được Ban lãnh đạo Công ty trả lời chi tiết, thuyết phục, dựa trên một nguyên tắc chung là hiệu quả kinh tế và sự phát biển bền vững, lâu dài cho cổ đông, khiến các cổ đông có mặt thêm tin tưởng, ủng hộ chiến lược phát triển của Công ty.

“Tăng vốn vì lợi ích bền vững của cổ đông”

Liên quan đến việc tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 4.450 tỷ đồng, có cổ đông băn khoăn, 2 đợt phát hành liên tiếp tăng vốn lớn như vậy liệu có gây loãng và giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu FLC? Về vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay, quyết định tăng vốn này được đưa ra trên cơ sở lợi ích của cổ đông, chứ không vì bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Cụ thể, theo ông Quyết, kể từ cuối năm 2011, thời điểm FLC bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên TTCK chính thức đến nay, dù nền kinh tế trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, nhiều công ty phải đối mặt với thua lỗ, mất thanh khoản và nguy cơ phá sản, thì FLC vẫn liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. Đây là thước đo đánh giá chính xác nhất tính đúng đắn của việc cổ đông đã góp vốn vào FLC.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của TTCK là trở thành kênh dẫn vốn, biến dòng vốn ngắn hạn thành dòng vốn dài hạn phục vụ nền kinh tế và giúp thanh khoản đồng vốn cho NĐT. Như quý vị đã thấy, trong năm 2013, hàng loạt doanh nghiệp đã bày tỏ ý định xin hủy niêm yết do không huy động vốn thành công. Điều này có nghĩa là, nếu không đạt được mục tiêu huy động vốn cho DN, cổ phiếu không có thanh khoản trên thị trường, thì việc niêm yết cổ phiếu có thể coi là quyết định thất bại.

Với FLC, tôi cho rằng, chúng ta phải tự hào về những gì đã đạt được. Mỗi ngày, hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cho thấy sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư đối với Công ty. Không ai có thể can thiệp vào tất cả các giao dịch đó được.

“Một NĐT có thể bị nhầm, nhưng hàng vạn cổ đông đã đầu tư vào FLC thay vì một doanh nghiệp nào khác đang niêm yết, thì phải có lý do. Lý giải cho điều này chỉ có thể có một nguyên nhân duy nhất: đó là hiệu quả đồng vốn mà họ đã góp vào FLC, với tỷ lệ cổ tức năm sau luôn cao hơn năm trước”, ông Quyết nói.

Cũng theo ông Quyết, với danh mục hàng chục dự án đang sở hữu; trong đó, nhiều dự án đã mua được với mức giá hợp lý trong giai đoạn trước, việc tăng vốn điều lệ là đương nhiên, bởi FLC phải có nguồn lực tài chính lớn tương xứng để tài trợ cho các dự án.

“Một dự án tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu sử dụng đòn bẩy quá cao, đều có rủi ro, bao gồm cả rủi ro lãi suất, thanh khoản và rủi ro thời điểm bán hàng. Chúng ta đã từng chứng kiến rủi ro ấy ở hầu hết các DN bất động sản trong giai đoạn 2009-2012, khi lãi suất ngân hàng có lúc lên tới xấp xỉ 30%/năm. Với cương vị là Chủ tịch HĐQT, là người đại diện cho quyền lợi của hàng vạn cổ đông đã tin tưởng, tôi sẽ không chấp nhận những rủi ro đó, vì đó là quyền lợi của tôi, của hàng chục nghìn cổ đông khác cũng như rất nhiều cán bộ, công nhân viên của FLC.

Tôi khẳng định rằng, Ban lãnh đạo FLC đã, đang và sẽ làm những điều tốt đẹp nhất vì lợi ích của cổ đông, vì tương lai của Công ty. FLC cũng xứng đáng nhận được sự đánh giá tích cực hơn nữa từ phía các cổ đông, công chúng đầu tư”, Chủ tịch HĐQT FLC nhấn mạnh.

4 kênh huy động vốn của FLC

Liên quan đến việc tài trợ vốn cho hàng loạt dự án của FLC, Ban lãnh đạo Công ty cho hay, ngoài việc huy động vốn từ các cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu, FLC sẽ dựa vào 3 kênh huy động khác bao gồm: huy động từ khách hàng mua sản phẩm dự án; vốn vay các tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu quốc tế.

Hiện tại, các dự án FLC Garden, FLC Complex đã nhận được sự quan tâm của nhiều NĐT thứ cấp, người mua nhà, dự báo Công ty sẽ thuận lợi trong việc thu tiền về triển khai dự án. Bên cạnh đó, Dự án FLC Garden City, Dự án nhà ở Bộ Tư pháp đã có BIDV Thanh Xuân ký cam kết tài trợ. MB cũng đang rất quan tâm đến việc tài trợ cho Dự án FLC Complex ở 36 Phạm Hùng.

Về huy động vốn nước ngoài, FLC đã tính đến việc huy động vốn trái phiếu quốc tế, nhưng hiện nay vẫn đang trong giai đoạn làm việc với đối tác.

Đầu tư lớn vào Thanh Hóa: cũng vì bài toán hiệu quả

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, FLC đã được cấp phép đầu tư trên 10 dự án vào Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Đây là một điều gây thắc mắc cho các cổ đông, bởi thay vì Thanh Hóa, FLC hoàn toàn có thể tập trung đầu tư vào các địa bàn khác ở Hà Nội và các tỉnh lân cận?

Trả lời câu hỏi này, ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết, Thanh Hóa có vị trí địa lý rất thuận lợi, có chính sách ưu đãi đầu tư tốt, đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư lớn từ các NĐT trong và ngoài nước, đặc biệt là khu kinh tế Nghi Sơn.

“Chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Thanh Hóa, với nhiều thắng cảnh đẹp, khu du lịch tâm linh. Ngoài ra, việc phát triển các dự án kinh tế cũng là động lực làm tăng nhu cầu nghỉ dưỡng tại đây. Thêm vào đó, FLC cũng nhận được sự ủng hộ cao từ phía chính quyền địa phương. So với việc triển khai tại các địa phương khác, chi phí đầu tư của FLC vào đây giảm đi rất nhiều, góp phần làm tăng hiệu quả đầu tư các dự án này”, ông Phương nói.

Ngoài các dự án đầu tư vào Thanh Hóa, FLC Complex 36 Phạm Hùng được nhiều cổ đông quan tâm, do đây là dự án sở hữu vị trí “vàng”, gây xôn xao dư luận thời gian qua, sau khi được gắn biển FLC Group.

“Hiện nay, các quận nội thành đã bị hạn chế xây dựng chung cư. Trong khi đó, FLC Complex sở hữu vị trí mặt đường lớn, gần trung tâm, gần 2 công viên lớn của Hà Nội và trụ sở các bộ, ban, ngành… Chính vị trí thuận lợi và cam kết chất lượng, tiến độ, thẩm mỹ của FLC trong triển khai dự án sẽ là những điểm nhấn thu hút dự án hút khách hàng, kỳ vọng mang lại thành công lớn cho FLC”, ông Phương nói. Theo kế hoạch, FLC sẽ khởi công dự án này ngay trong quý III/2014.

Tin bài liên quan