ĐHCĐ IDICO (IDC) năm 2021: Thực hiện tái cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy sau khi nhà nước đã thoái toàn bộ vốn

ĐHCĐ IDICO (IDC) năm 2021: Thực hiện tái cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy sau khi nhà nước đã thoái toàn bộ vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 28/4, Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã chứng khoán: IDC - sàn HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 đẩy mạnh huy động vốn từ cổ đông hiện hữu để phát triển dự án khu công nghiệp.

Báo cáo về tình hình kinh doanh trong năm 2020, doanh nghiệp cho biết, trong năm 2020 doanh thu đạt 4.541,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 429,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,8% và 9,9% so với thực hiện trong năm 2020. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 17% lên 17,1%.

Trong năm 2020, IDC đã thu hút đầu tư 19 dự án với tổng diện tích cho thuê đất là 60,37 ha, doanh thu kinh doanh hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật khu công nghiệp là 656 tỷ đồng, lợi nhuận 182 tỷ đồng đóng góp 25% tổng lợi nhuận.

Đối với lĩnh vực bất động sản, doanh thu 86 tỷ đồng, lợi nhuận 36 tỷ đồng và đóng góp 5% tổng lợi nhuận.

Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện đóng góp 2.887 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 66 tỷ đồng và chiếm 9% tổng lợi nhuận.

Trong năm, tại dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn thành được 90,8% tổng diện tích dự án, thi công tuyến đường trục chính kết nối khu công nghiệp với Tỉnh lộ 830 và các tuyến đường nội bộ đến lớp kết cấu đá mi, san nền các lô tạo quỹ đất đủ điều kiện thu hút đầu tư.

Tại Khu công nghiệp Cầu Nghìn, đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường trục chính vào khu công nghiệp, nút giao khu công nghiệp với Quốc lộ 10, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhà đầu tư đã thuê đất và tạo quỹ đất có sẵn hạ tầng để thu hút đầu tư.

Đặc biệt, trong năm 2020, IDC đã hoàn toàn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bước sang năm 2021, doanh nghiệp dự kiến tổng doanh thu là 5.660,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 989,6 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 3% và 34% so với thực hiện trong năm 2020. Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%.

Trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến thực hiện tái cấu trúc và sắp xếp lại bộ máy các phòng ban công ty mẹ phù hợp với mô hình sở hữu mới các lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Bất động sản công nghiệp; năng lượng; xây lắp và hạ tầng; Dịch vụ khu công nghiệp và bất động sản dân dụng.

Đối với các dự án đã cho thuê hết đất là Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, Mỹ Xuân A, Nhơn Trạch 1, Xuân B1 tiếp tục cải tạo, chỉnh trang các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.

Đối với các dự án đang đầu tư và kinh doanh, hiện tại IDC sở hữu 771,52 ha đất công nghiệp, trong đó có 367,8 ha đã đầu tư hạ tầng đủ điều kiện cho thuê lại đất gồm dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Quế Võ II.

Dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng kiểu mẫu hiện tại; dự án Khu công nghiệp Cầu Nghìn hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 với diện tích 140 ha và tiếp tục đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư.

Ngoài ra, nghiên cứu đầu tư dự án khu công nghiệp tại tỉnh Thái Bình, TP. Hải Phòng với quy mô hơn 1.000 ha. Triển khai các dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê kết hợp điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp với quy mô khoảng 32 ha theo hình thức đầu tư cuốn chiếu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng trình cổ đông kế hoạch giữ lại lợi nhuận năm 2020 để có dòng tiền thực hiện các dự án đầu tư như Khu công nghiệp Hựu Thạnh, Khu công nghiệp Cầu Nghìn… Bước sang năm 2021, doanh nghiệp dự kiến cổ tức là 10%.

Một nội dung đáng chú ý mà doanh nghiệp trình cổ đông là kế hoạch chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự kiến thu được là 2.250 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng nếu phát hành thành công.

Được biết, trong số vốn huy động được, doanh nghiệp dự kiến sẽ dùng 1.441 tỷ đồng đầu tư vào Khu công nghiệp Hựu Thạnh và 809 tỷ đồng đầu tư vào Khu công nghiệp Cầu Nghìn.

Phần thảo luận

Hiện nay, đang có trào lưu nhiều doanh nghiệp đều đầu tư phát triển khu công nghiệp trên cả nước như các khu vực Long An, Đồng Nai, Hải Phòng … điều gì sẽ giúp IDC có thể thu hút được các nhà đầu tư tới các dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh, Cầu Nghìn trong tương lai?

Hiện tại, có nở rộ trào lưu đầu tư khu công nghiệp, nhưng điều kiện tham gia khu công nghiệp có gặp khó khăn về quy định. Tại dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh giáp với TP.HCM, tương lai đường Võ Văn Kiệt nối dài tạo sức hút sức cạnh tranh. Tại dự án KCN Cầu Nghìn đang giáp Hải Phòng, các đường giao thông kết nối tương đối thuận lợi, giá đền bù tương đối tốt so với các dự án. Do đó là cơ sở đón đầu để thu hút nhà đầu tư.

Ban lãnh đạo có nên ưu tiên sử dụng nguồn tự có và hạn chế tăng vốn?

Ban điều hành cân nhắc vì sao phải tăng vốn, trong bối cảnh hiện nay mở rộng quỹ đất, phát triển khu công nghiệp kết hợp khu dân cư… Công ty có tiền nhưng sử dụng đồng tiền hiệu quả từ tăng vốn, nên việc cân nhắc dùng tiền hiện tại hay tăng vốn, số tiền sẽ tập trung vào khu công nghiệp Hựu Thạnh, Cầu Nghìn.

Công ty xây dựng kế hoạch phát triển quỹ đất 1.200 - 1.500 ha, bên cạnh lĩnh vực năng lượng điện mặt trời. Trong đó, IDC có lợi thế mái nhà tại các khu công nghiệp. Chính vì chiến lược và tầm nhìn phát triển lâu dài, nên ban lãnh nhìn thấy cần phải tăng vốn cho phát triển dài hạn.

Kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để phát triển dự án, doanh nghiệp có các đối tác tổ chức nào dự phòng trường hợp huy động không hết cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu?

Về nguyên phát hành cổ phiếu riêng lẻ là công bằng cho cổ đông chiến lược, nếu phát hành không hết sẽ uỷ quyền cho ban lãnh đạo phát hành số cổ phiếu phát hành không hết.

Trước đây chủ của công ty là Bộ Xây dựng, nay Bộ Xây dựng đã thoái vốn. Hiện nay, ông chủ của doanh nghiệp hiện tại là ai?

Kiểm soát công ty trước đây hoàn toàn bị bó buộc, việc quyết định đầu tư kéo dài và có thể mất cơ hội. Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn đã giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.

Hiện tại trình cổ đông bãi bỏ quy định nắm giữ 10 năm của cổ đông chiến lược, điều này có thể dẫn tới cổ đông chiến lược sẽ thoái vốn?

Cổ đông chiến lược vẫn theo và gắn bó với doanh nghiệp khoảng 5 năm và chính thức hơn 3 năm. Để việc vận hành của chủ sở hữu chủ động tái cơ cấu, huy động vốn, cầm cố và nhóm cổ đông chiến lược sẽ vẫn nắm giữ lâu dài.

HĐQT có quan tâm tới giá cổ phiếu không, tại sao giá cổ phiếu liên tục giảm từ cuối tháng 3 tới nay sau khi ra thông tin tăng vốn? Điều này có phải hệ quả thoái vốn của Bộ Xây dựng?

Giá cổ phiếu giảm là do yếu tố thị trường, ví dụ như tình hình do dịch Covid-19 tại Ấn Độ. Nếu lướt sóng cổ phiếu IDC thì ban lãnh đạo sẽ không chắc nhưng về dài hạn là cổ phiếu cơ bản khi sở hữu quỹ đất lớn.

Tại sao thu nhập của ban lãnh đạo dự kiến tăng mạnh như vậy?

Trước đây Nhà nước có nhiều quy định, ban lãnh đạo dự kiến tăng như vậy là phù hợp.

Công ty thay đổi quy định là muốn giao dịch tài sản trên 75% tổng tài sản mới xin ý kiến cổ đông thay vì điều lệ trước đây là 35% tổng tài sản? Liệu điều này có thất thoát tài sản của doanh nghiệp không?

Ban lãnh đạo dự kiến làm sao cho công ty năng động nhất. Đây là chiến lược làm sao giải quyết vấn đề thuận lợi. Ảnh hưởng tới việc bán tài sản, như vậy một năm phải họp bao nhiêu lần vì vậy Ban điều hành cân nhắc sao cho năng động nên nâng tỷ lệ từ 35% lên 75% tổng tài sản thì mới xin ý kiến cổ đông.

Tin bài liên quan