ĐHCĐ MB: Nóng chuyện cổ tức

ĐHCĐ MB: Nóng chuyện cổ tức

(ĐTCK) Nhiều cổ đông chưa thống nhất với mức cổ tức 12% mà HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trình tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 diễn ra sáng nay.

Với 534/551 phiếu không đồng ý chia 12%, nhưng ĐHCĐ vẫn thông qua phương án này, bởi 17 cổ đông còn lại sở hữu tới gần 80% vốn của MB đã thông qua phương án. Tuy nhiên, các cổ đông nhỏ ra về nhưng vẫn muốn HĐQT có phương án chia cổ tức mới cho cổ đông, bởi lợi nhuận còn giữ lại của MB năm 2012 là hơn 300 tỷ đồng.

Ngoài vấn đề cổ tức, ĐHCĐ của MB cũng thông qua việc bầu 2 thành viên HĐQT như tờ trình của HĐQT ban đầu và thông qua các báo cáo khác của HĐQT.

12h30, ĐHCĐ của MB vẫn tiếp tục nóng bỏng với những tranh luận trái chiều của cổ đông về mức cổ tức dự kiến chia 12% theo tờ trình của HĐQT.

Hàng chục ý kiến cổ đông phát biểu tại Đại hội đều bày tỏ sự chưa nhất trí với mức cổ tức dự kiến 12%, khi MB đạt kết quả lợi nhuận cao nhất trong khối NHTMCP năm 2012 và chưa bao giờ MB chia cổ tức ở mức này. Trong các năm trước, mức trung bình MB chia là 17-18%, năm thấp nhất cũng là 15%.

HĐQT, Ban giám đốc có nhiều giải thích với cổ đông, nhưng câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết, vì các cổ đông đều nêu quan điểm muốn nhận cổ tức ở mức 15% năm 2012, thậm chí 17% vì với TTCK khó khăn như hiện nay, cổ đông chỉ biết trông chờ vào cổ tức. Có cổ đông phát biểu rằng, nếu HĐQT quyết định cổ tức 15% thi mọi tờ trình từ sáng đến nay sẽ được thông qua hết. Tuy nhiên, HĐQT chưa chốt lại vấn đề này.

ĐHCĐ MB: Nóng chuyện cổ tức ảnh 1

Theo phương án tăng vốn từ 10.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng của HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông, MB chia đợt phát hành thành 3 đợt, với đối tượng mua dự kiến là cổ đông/cán bộ, nhân viên, đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài.

Cũng theo tờ trình, giá cổ phiếu chào bán cho cổ đông/đối tác chiến lược trong nước là giá thỏa thuận có chiết giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường, nhưng không thấp hơn mệnh giá. Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán cụ thể cho từng đối tác trên cơ sở phương án hợp tác với MB, phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của cổ đông, của MB.

Giá cổ phiếu chào bán cho đối tác chiến lược nước ngoài là giá thỏa thuận trên cơ sở tham khảo giá thị trường cộng với biên độ phù hợp nhưng không thấp hơn “Giá trị sổ sách” cộng với biên độ nhất định. Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán cụ thể cho từng đối tác trên cơ sở phương án hợp tác với MB, phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của cổ đông, của MB.

Giá cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên là 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến MB dành 10 triệu cổ phiếu bán cho cán bộ, nhân viên MB và 136,875 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông/đối tác chiến lược. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II-quý III/2013.

HĐQT cũng đề xuất cổ đông thông qua nguyên tắc xử lý cổ phiếu không phân phối hết, theo hướng, số cổ phiếu không được phân phối hết sẽ do HĐQT quyết định xử lý: chào bán với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông hoặc dừng đợt phát hành.

Khoản tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ được MB đầu tư tăng năng lực hoạt động (dự kiến 1.029 tỷ đồng); bổ sung vốn kinh doanh 2.219 tỷ đồng…

10h20. Ông Lê Văn Bé, Phó chủ tịch MB đọc tờ trình của HĐQT đề xuất ĐHCĐ bổ sung thành viên HĐQT. Cụ thể, đề xuất bầu bổ sung 2 thành viên, gồm 1 thành viên HĐQT độc lập và bổ sung 1 thành viên chuyên trách. Theo đó, MB sẽ có 9 thành viên HĐQT, nhiệm kỳ 2009 - 2014.

Tiêu chuẩn bầu vào HĐQT là phải đáp ứng đầy đủ theo quy định pháp luật và Điều lệ Ngân hàng. Danh sách ứng viên gồm ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK MB, ứng viên HĐQT chuyên trách và bà Lê Minh Hồng, ứng viên vị trí HĐQT độc lập.

Hai nhân sự dự kiến này đã được NHNN chấp thuận để đưa ra xin ý kiến ĐHCĐ.

100% cổ đông dự Đại hội đều đồng ý với tờ trình này.

 ĐHCĐ MB: Nóng chuyện cổ tức ảnh 2

Báo cáo thẩm tra tư cách các cổ đông tham dự ĐHCĐ cho biết, Đại hội có sự tham dự của khoảng 500 cổ đông, đại diện cho trên 72% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, đủ điều kiện tổ chức Đại hội

Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch HĐQT MB là Chủ tọa tại Đại hội. Đại diện cơ quan quản lý TTCK gồm ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE và ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký (VSD) tham dự ĐHCĐ của MB.

Theo Chủ tịch MB Lê Hữu Đức, năm 2012 tình hình kinh tế trong và ngoài nước hết sức khó khăn, có thể nói là khó khăn nhất  trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với phương châm “Tăng trưởng hợp lý, tái cơ cấu, hiệu quả”, cùng sự quyết tâm đồng hành với khách hàng, đối tác, MB đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu mà ĐHCĐ đề ra. Các chỉ tiêu hoạt động giữ mức tăng 10% -  30% so với năm 2011.

Toàn MBGroup, tổng tài sản đạt 175.610 tỷ đồng; huy động vốn đạt 152.358 tỷ đồng (trong đó huy động từ khách hàng là 117.747 tỷ đồng); tổng dư nợ cho vay đạt 74.479  tỷ đồng; lợi nhuận  trước  thuế đạt 3.090  tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm  soát ở mức 1,84%. Riêng với Ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế là 3.024 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2011.

Với các kết quả trên, mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng  lần đầu tiên MB đã vươn  lên đứng đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần về chỉ tiêu lợi nhuận và hiệu suất lợi nhuận/cán bộ nhân viên. MB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%  - mức cao nhất  trong số các ngân hàng TMCP,  thể hiện những cố gắng  trong việc đảm bảo các lợi ích gia tăng cho các cổ đông.

Cũng theo ông Đức, là một  công  ty  niêm  yết,  năm  2012, MB  đã    những  bước  tiến  quan trọng trong công tác quản trị - điều hành - giám sát hướng theo những chuẩn mực tiên tiến trên thế giới và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với các công ty con, trong năm 2012, HĐQT/BKS đã thực hiện tái cơ cấu toàn diện các công ty con của MB trong đó chủ trương quản lý các công ty con chặt chẽ như chi nhánh của MB, chú  trọng  tháo gỡ khó khăn, hỗ  trợ kịp  thời việc  thực hiện kế hoạch cũng như định hướng phát  triển. Hoạt động của các công  ty con của MB nhờ đó đã được nâng cao hiệu quả,  tập trung vào các hoạt động trọng tâm, chú trọng quản trị rủi ro, an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật.

Sang năm 2013, Chủ tịch MB cho biết, trên cơ sở những nhận định những biến động trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2013, những giải pháp ổn định vĩ mô của Chính phủ sẽ  tiếp  tục có tác động đến  toàn bộ nền kinh  tế nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng, HĐQT chủ trương tiếp tục định hướng “Tái cơ cấu, phát triển bền vững”.

Năm 2013, MB dự kiến vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng là 3.400 tỷ đồng và hợp nhất là 3.523 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2,5%.

9h40. Báo cáo trước Đại hội, Tổng giám đốc MB, ông Lê Công cho biết, năm 2013, theo phân tích của mb, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thực tế quý I chứng minh còn rất khó khăn, nền kinh tế chưa hoạt động ổn định, sự cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa ổn định, rõ ràng. Theo đó, năm 2013, MB sẽ tập trung tái cơ cấu hoạt động ngân hàng, với 2 kịch bản trình ĐHCĐ và HĐQT.

Một là xác định nền kinh tế sẽ xấu hơn 2012. Và hai là kịch bản nền kinh tế 2013 không xấu hơn 2013, với xu hướng tốt hơn vào cuối năm.

Trước Đại hội, Tổng giám đốc MB đề xuất kịch bản tươi sáng hơn (kịch bản 2): trong trường hợp này, MB đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng 12%, đạt 3.400 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2,5%.

Về tăng trưởng tín dụng, theo ông Lê Công, chủ trương của NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, những năm gần đây kiểm soát dưới 20%, nhưng thực tế toàn ngành ngân hàng chỉ tăng trưởng được 12%. Năm 2012, NHNN chia làm 4 nhóm ngân hàng với 4 mức trần tăng trưởng tín dụng. MB thuộc nhóm 1 (được tăng trưởng 17%), nhưng thực tế MB tăng trưởng tín dụng 27%.

Năm 2013, Tổng giám đốc MB đề xuất HĐQT tăng trưởng tín dụng 17%, nhưng hiện nay, NHNN mới cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa 12%. Ông Lê Công cho biết, ông đã báo cáo trực tiếp Thống đốc NHNN việc này với đề xuất, nếu MB hoàn thành tốt mục tiêu tăng trưởng 12% thì NHNN sẽ cho phép MB tăng tỷ lệ trưởng tín dụng lên 17%.