Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

ĐHCĐ Vietnam Airlines (HVN): Đang xấu nhất trong 3 kịch bản đặt ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trả lời câu hỏi của các cổ đông tại ĐHCĐ diễn ra sáng 14/7, lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN - UPCoM) cho biết, hiện nay Tổng công ty đang ở tình trạng xấu nhất trong 3 kịch bản kinh doanh đã đặt ra.

Cụ thể, năm 2021 ảnh hưởng của đại dịch còn nghiêm trọng và kéo dài hơn so với năm 2020. Hai mùa cao điểm của ngành hàng không là Tết Nguyên Đán và mùa hè đều gặp phải làn sóng dịch bệnh thứ 3 và thứ 4. Thậm chí tình hình hiện tại đang rất phức tạp, không thể dự liệu.

Hiện nay, Vietnam Airlines chỉ khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày, chủ yếu chở hàng hóa, khách đi lại rất ít, trong khi bình thường trước dịch là 550 chuyến mỗi ngày.

Khoảng 9.400 cán bộ nhân viên của VNA hiện không có việc làm, chỉ được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2021, VNA đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.526 tỷ đồng, nộp ngân sách hợp nhất 3.972 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh Vietnam Airlines dựa trên các hoạt động bán 11 tàu bay A321, Chính phủ cho phép mở cửa du lịch đến Phú Quốc; hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ với ngành hàng không và đặc biệt là điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí bảo dưỡng...

6 tháng đầu năm, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết đã có sự chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều phương án kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh tương ứng với các kịch bản thị trường và diễn biến dịch bệnh. Công ty thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, bổ sung nguồn thu, quản lý chặt dòng tiền để duy trì tính thanh khoản.

Bên cạnh việc đàm phán với các đối tác trong lĩnh vực thuê tàu bay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu cắt giảm cho hoạt động quảng cáo… Các giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí dự kiến tiết kiệm được 6.800 tỷ đồng trong năm nay.

Dù cho tình hình hiện tại đang hết sức khó khăn, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà nói rằng Vietnam Airlines đang hy vọng vào chiến lược vắc xin của Chính phủ, dự kiến cuối quý III và quý IV năm nay Việt Nam sẽ tiêm được vắc xin cho số lượng lớn người dân, qua đó hàng không có thể hoạt động trở lại.

Tổng công ty chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Ngoài ra, các tàu bay ATR-72 cũ đến 12 năm tuổi sẽ được bán và thay thế bằng các tàu bay phản lực khu vực để tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên.

Đối với kế hoạch bay quốc tế và nội địa, Vietnam Airlines điều hành linh hoạt, tận dụng các cơ hội phục hồi đến từ kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử. Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở công dân về nước, chở chuyên gia, phối hợp thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử.

Trên thị trường nội địa, Vietnam Airlines xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh; tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới. Đồng thời, mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021 của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) được ban lãnh đạo xác định trên cơ sở điều hành tải cung ứng và mở bán linh hoạt.

Vietnam Airlines đặt ưu tiên hoàn thành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn quy mô 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu.

Ngày 7/7 vừa qua, Tổng công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.

Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng cũng đã được thông qua tại Đại hội và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý III/2021.

Nguyên tắc chung của Vietnam Airlines trong việc sử dụng 12.000 tỷ đồng từ gói vay tái cấp vốn và phát hành thêm cổ phiếu là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tin bài liên quan