ĐHĐCĐ Nhơn Trạch 2 (NT2): Ước đoán trong 3 tháng 8, 9, 10 sẽ lỗ ít nhất 180 tỷ đồng

ĐHĐCĐ Nhơn Trạch 2 (NT2): Ước đoán trong 3 tháng 8, 9, 10 sẽ lỗ ít nhất 180 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 19/4, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 và dự kiến đại tu nhà máy trong 44 ngày (tháng 9, 10/2023).

Cụ thể, năm 2023, Công ty đặt chỉ tiêu sản lượng khí đạt 4.100 triệu kWh, khối lượng khí đạt 779 Tr.Sm3; tổng doanh thu kỳ vọng đạt 8.299 tỷ đồng, tổng chi phí là 7.801 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp lần lượt giảm 5,83% và giảm 46,4% so với thực hiện năm 2022.

Nhiệm vụ quan trọng của Nhơn Trạch 2 trong năm là thu được tiền điện, thu được dòng tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. Sắp tới, Nhơn Trạch 2 sẽ tăng cường công tác ngoại giao, cử cán bộ phụ trách đàm phán thu hồi tiền điện tại EVN.

Ông Uông Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT đánh giá, 2022 là năm gần như khó khăn nhất kể từ khi nhà máy hoạt động. Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn như: giá khí đầu vào tăng cao, sản lượng khí giảm, A0 ưu tiên huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, dừng máy 13 ngày để thực hiện công tác tiểu tu,… đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng phát điện của Nhà máy điện Nhơn Trạch 2.

Kết quả, Nhơn Trạch 2 ghi nhận sản lượng điện đạt 4,054 tỷ kWh, chỉ đạt 93,5% so với kế hoạch. Tuy nhiên, Công ty vẫn ghi nhận tổng doanh thu đạt 8.813 tỷ đồng, đạt 108,4% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 883 tỷ đồng, đạt 188,7% kế hoạch.

Ông Hồ Công Kỳ, đại diện nhóm cổ đông chi phối - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – PV Power (POW) đánh giá, ngoài những vấn đề khó khăn đã nêu, năm 2022 đối với chung ngành điện có thêm khó khăn bị hệ luỵ bởi khó khăn của EVN, bao trùm cả ngành điện Việt Nam và hệ luỵ sang cả năm 2023 khi EVN, Bộ Công thương chưa có lộ trình tăng giá điện rõ ràng. Theo một vài thông tin hiện tại, EVN mới dự kiến tăng giá khoảng 5%, trong khi đó, theo tính toán của các tổ chức, EVN phải tăng 12% mới giảm được lỗ.

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch đại tu nhà máy năm 2023, ông Ngô Đức Nhân, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty ước khoảng 407 tỷ đồng để sửa chữa bảo dưỡng toàn bộ nhà máy (máy phát, thiết bị, lò bơm...) chi phí này được phân bổ trong 3 năm, một năm khoảng hơn 130 tỷ đồng.

Về việc tìm nhà thầu mới cho bảo dưỡng dài hạn, Công ty sẽ tổ chức đấu thầu, hiện có 3 nhà thầu đăng ký. Ngày 30/4 tới sẽ hết hạn nộp thầu, sau đó Công ty sẽ lựa chọn đánh giá.

Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Nhân cho biết, Công ty ước đoán trong 3 tháng 8, 9, 10 sẽ lỗ ít nhất 180 tỷ đồng. Để bù lỗ, Công ty sẽ lấy lợi nhuận từ tháng 7, tháng 11, 12.

Do đó, kế hoạch Công ty đưa ra là đến thời điểm 30/6 sẽ phải đạt lợi nhuận 450 – 500 tỷ đồng, đây là mục tiêu cao và không dễ. Do đó, trong quý I/2023 vừa qua, Công ty đã nỗ lực và ước đạt 230 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 46% kế hoạch năm.

"Việc đưa ra kế hoạch kinh doanh thấp do NT2 đã tính toán căn cứ vào các tác động, phù hợp với diễn biến, tính toán hiện tại. Ban lãnh đạo cũng mong muốn kết quả sẽ vượt con số này, nhưng vượt bao nhiêu và có tốt bằng năm 2022 thì tôi không dám hứa vì không còn nhiều lợi thế", ông Nhân nói.

Về kế hoạch trả cổ tức, ông Ngô Đức Nhân cho biết, Công ty vẫn đặt chỉ tiêu cổ tức 15% để làm động lực phấn đấu cho cán bộ công nhân viên tạo niềm tin cho cổ đông. Việc trả cổ tức còn lại cho năm 2022 Công ty sẽ cân đối từ tháng 7 đến tháng 10/2023.

Tin bài liên quan