Chuyển đổi là con đường dài và nhiều chông gai

Chuyển đổi là con đường dài và nhiều chông gai

Đi đường dài với doanh nghiệp chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị tốt rủi ro, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi chuyển đổi số là con đường nhất định phải đi. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trò chuyện đầu năm về vấn đề này với ông Danny Ngô - Giám đốc Giải pháp số, Công ty INGO Digital Transformation, thành viên Ban cố vấn Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nếu như một vài năm trước, nhắc đến chuyển đổi số, người ta nghĩ đó là một lựa chọn của doanh nghiệp, nhưng hiện tại, có lẽ mọi doanh nghiệp đều coi đó là con đường nhất định phải đi trong chiến lược quản trị bền vững. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng số hóa 4.0. Với sự hỗ trợ của một công nghệ tiên tiến như IOTs, AI, Big Data, Blockchain…, con người đã sáng tạo ra những mô hình kinh tế dịch vụ mới giúp giảm thiểu chi phí điều hành, tự động hóa quy trình, mở rộng quy mô doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng một cách tự động và hiệu quả.

Thế giới đã bước qua giai đoạn mới chuyển đổi số của “nền kinh tế trải nghiệm phi tập trung” như nâng cao trải nghiệm khách hàng, thành phố thông minh, ngân hàng số, tài sản số..., thay vì chỉ tập trung vào ERP (quản lý tài nguyên doanh nghiệp) như trước đây.

Vậy nên, trên con đường phát triển với trọng tâm là hiệu quả và gia tăng giá trị kinh tế bền vững, chuyển đổi số mang yếu tố tiên quyết, sống còn đối với doanh nghiệp nếu không muốn đứng ngoài chuỗi cung ứng giá trị số toàn cầu.

Điều này càng đúng khi trải qua đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị trên thế giới, lạm phát leo thang, chiến lược “zero covid” của Trung Quốc, khủng hoảng năng lượng…, chúng ta thấy những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thành công đều có sức chống chọi tốt, vượt qua khủng hoảng một cách nhanh chóng, thậm chí còn tận dụng được cơ hội trong nghịch cảnh.

Đây cũng chính là vận hội của Việt Nam trong mục đích gia tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp và giúp nền kinh tế tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với quốc gia có độ mở kinh tế cao như Việt Nam.

Với một người chưa biết gì về chuyển đổi số, ông sẽ nói với họ thế nào về vấn đề này?

Hãy coi dữ liệu là vận mệnh và tài sản quốc gia để bảo vệ, vì nó có giá trị khác biệt và sức mạnh riêng. Từ đó hãy dự đoán, sáng tạo ra các mô hình kinh tế mới bền vững có thể kết nối, phát huy giá trị di sản để tạo ra những giá trị xã hội bền vững mới cho tương lai. Trong bối cảnh hiện tại, hãy tập trung vào làn sóng mới của chuyển đổi số, đó là “nền kinh tế trải nghiệm phi tập trung”.

Được biết, ông và INGODT có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số. Vậy thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện ra sao?

Cách đây 5 năm, khi còn ở Singaprore, tôi có cơ hội hợp tác với nhiều dự án công về chuyển đổi số, cụ thể là những mô hình đổi mới sáng tạo liên quan tới trải nghiệm hành trình khách hàng, thành phố thông minh, định danh công dân số, quản trị tài sản số Fintech, thương mại điện tử…, trong khi Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai về khái niệm chuyển đổi số.

Tuy nhiên, sau khi Covid-19 xảy đến và đặc biệt là sau những động thái quyết liệt của Chính phủ và hành động hưởng ứng của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng, chẳng hạn chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 48/132, theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố tháng 9/2022.

Từ việc bỡ ngỡ trong khái niệm chuyển đổi số, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã biết áp dụng kinh doanh thương mại điện tử, quản trị làm việc từ xa, cải tiến quy trình hoạt động, chăm sóc và tìm kiếm khách hàng mới qua bán hàng đa kênh…

Dẫu vậy, do giai đoạn đầu phát triển ồ ạt, dẫn đến việc phân mảnh các nền tảng công nghệ, giải pháp, thiếu sự đồng bộ liên kết dữ liệu giữa các bên, thậm chí chất lượng mô hình giải pháp số còn chưa hoàn thiện, thiếu bảo mật thông tin, gây lãng phí và thất thoát dữ liệu, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp chưa đầu tư đúng chiến lược chuyển đổi số trọng tâm phù hợp với hoạt động kinh doanh, nhu cầu khách hàng và phân khúc thị trường của mình nên hiệu quả chưa cao.

Doanh nghiệp Việt Nam với đặc thù hơn 90% là vừa và nhỏ, quy mô vốn mỏng, năng lực quản trị còn hạn chế. Những doanh nghiệp này muốn chuyển đổi số thì nên bắt đầu từ đâu?

Với những doanh nghiệp tiềm lực và kinh nghiệm trong nền kinh tế thị trường số còn hạn chế, không nhất thiết phải xông pha, đi đầu khai phá những điều mới nổi trội, mà hãy bắt đầu bằng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”: Học hỏi và là đối tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc những tập đoàn lớn trong nước để phát triển hệ sinh thái đối tác cung ứng, cùng bảo vệ và hỗ trợ giá trị cho nhau. Những doanh nghiệp này nên tập trung vào số hóa và cải tiến năng lực vận hành, định vị năng lực cạnh tranh trên thị trường và tập trung vào giá trị trải nghiệm khách hàng.

Bên cạnh đó, họ cũng không nên ôm đồm chuyển đổi số toàn bộ ngay từ đầu, mà hãy bắt đầu bằng những chiến lược chuyển đổi số phù hợp, linh hoạt hàng tháng, hàng quý, hàng năm theo mô hình “micro -win/quick win”. Hãy đo lường sự thành công chuyển đổi số bằng việc quản trị dòng tiền để đảm bảo tính hiệu quả và linh hoạt của chiến lược.

Qua quá trình hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ một mô hình chuyển đổi số thành công?

Theo kinh nghiệm của tôi, mô hình chuyển đổi số thành công nhất là “mô hình kinh tế trải nghiệm”, dựa trên nguyên lý kết hợp bài học từ thành công và cải tiến từ thất bại để tạo ra giá trị kinh tế khác biệt.

Tôi đã có dịp hợp tác với đối tác Singapore phát triển hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) trong thu thập và phân tích điểm chạm khách hàng (Customer Journey Management). Người ta đã đúc kết, 20% khách hàng thân thuộc sẽ mang tới 80% tổng lợi nhuận cho doanh nghiệp, trong khi để có được 20% khách hàng mới, có khi doanh nghiệp phải chi tới 80% doanh thu trong thị trường cạnh tranh như hiện nay.

Mô hình này dựa trên dữ liệu phân tích được để giúp doanh nghiệp thấu hiểu hành vi khách hàng và níu chân họ càng lâu trong hệ sinh thái của mình càng tốt, từ đó gia tăng doanh thu cũng như sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới theo nhu cầu của khách hàng.

Nền tảng quản lý điểm chạm khách hàng có thể được áp dụng linh hoạt trong ngân hàng số, thương mại điện tử bán lẻ, xe ô tô điện, chứng thực định danh công dân số, thành phố thông minh…

Ở Việt Nam, tôi đã tham gia triển khai mô hình quản trị bán lẻ từ xa của Apple Việt Nam trong hệ sinh thái của Tập đoàn IPPGroup (mô hình eDigi HCM). Mô hình này giúp Apple đảm bảo được việc chăm sóc và duy trì trải nghiệm khách hàng luôn ở mức cao cấp nhất tại TP.HCM với sự hỗ trợ từ Singapore và từ trụ sở chính của Apple, nhờ đó tối ưu doanh thu trong hệ sinh thái kinh doanh của IPPGroup.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình chuyển đổi số Quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến tới toàn cầu. Theo ông, doanh nghiệp cần phản ứng ra sao để công cuộc chuyển đổi số đạt được nhiều thành tựu?

Thời gian qua, quá trình chuyển đổi số toàn diện chưa đạt kỳ vọng do phần thực thi còn lúng túng, thiếu quyết tâm, đôi khi do sự chồng chéo trong quy định, hoạt động điều hành giữa các bên. Vậy nên, cần sự đồng bộ hóa và kiện toàn toàn diện hơn, tập trung vào những điểm khúc mắc của doanh nghiệp.

Bằng việc ban hành chương trình này, Chính phủ đã chủ động cung cấp hành lang pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, để chuyển đổi số không dừng lại ở sự hô hào phong trào thì cần kiện toàn đồng bộ cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực, các công cụ, mô hình… Doanh nghiệp cần không ngừng học hỏi, đúc kết nền tảng quản trị chuyển đổi số phù hợp từng thời điểm, vùng miền, đặc thù kinh tế. Chuyển đổi số cần sự đồng lòng của từng con người trong doanh nghiệp để kiên trì con đường dài và nhiều chông gai này.

Tin bài liên quan