Địa ốc 7 ngày: Chung cư “ông Thản” lại gây bão

(ĐTCK) Đề xuất xử lý hình sự sai phạm tại dự án Đại Thanh; doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ “than trời” vì thủ tục nhiêu khê; và toàn cảnh vụ “PetroVietnam Landmark bị phong tỏa, PVC Land nguy cơ phá sản” là các thông tin địa ốc đáng chú ý tuần qua.

1. Doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ “than trời” vì thủ tục nhiêu khê

Liên quan đến câu chuyện phát triển nhà giá rẻ, mới đây, tại một Hội thảo được tổ chức tại TP.HCM, nhiều tâm tư của các doanh nghiệp được ghi nhận đã nêu lên vấn đề nhức nhối đó là trở ngại về chính sách và thủ tục hành chính.

Địa ốc 7 ngày: Chung cư “ông Thản” lại gây bão ảnh 1 

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân than thở, để có được một giấy phép đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, nhà đầu tư phải mất ít nhất từ 2 hoặc thậm chí dài đến 7 năm.

Cũng theo ông Tuấn, trong khi các dự án nhà ở cao cấp có diện tích đất lớn hàng trăm ha thì các đơn vị chức năng phê duyệt dự án cực nhanh, nhưng với một dự án 36,5ha của ông đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay ở khâu lấy ý kiến sở ngành về quy hoạch, đền bù giải toả...

Cùng chung ý kiến trên, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc công ty Lê Thành cho biết thêm đơn vị ông chuyên đầu tư nhà ở giá rẻ cho thuê bởi nhu cầu này vô cùng lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được một dự án như vậy có khi cũng mất đến hơn 5 năm, lúc đó cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp không còn.

Ông Vũ Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, đơn vị chuyên xây nhà ở xã hội cho biết, quy định mỗi địa phương dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhưng phân bổ như thế nào, giá giao đất ra sao chưa quy định.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, để “cởi trói” khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Chính phủ nên phân cấp cho các tỉnh, thành tự phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Tương tự, Sở Xây dựng các địa phương cũng nên là cơ quan được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Như vậy sẽ nhanh hơn và hạn chế được tiêu cực xin-cho của quy trình hiện nay là tách quyết định cấp phép xây dựng thành 2 khâu chia cho Cục Quản lý Các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng các địa phương xử lý.

2. Hé lộ chân tướng vụ “dự án PetroVietnam Landmark bị phong tỏa, PVC Land nguy cơ phá sản”

Thời gian qua, thông tin Chi cục thi hành án dân sự quận 2, TP.HCM ra quyết định “phong toả” hơn 15.000m2 dự án PetroVietnam Landmark, đồng thời chủ đầu tư dự án này là CTCP BĐS Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand) đứng trước nguy cơ phá sản gây ra sự hoang mang lớn cho khách hàng của dự án và trở thành mối quan tâm lớn của dư luận.

Địa ốc 7 ngày: Chung cư “ông Thản” lại gây bão ảnh 4 

Theo thông tin ghi nhận của báo chí, chân tướng vụ việc đã được hé lộ. Việc bị phong tỏa dự án và bị tòa án quyết định mở thủ tục phá sản của PVCLand đều bắt nguồn từ khiếu kiện của khách hàng dự án PetroVietnam Landmark, cũng là chủ nợ của PVCLand.

Cụ thể, một khách hàng là bà Trần Thị Châu Giang mua căn hộ từ năm 2010, sau khi đóng đủ tiền theo hợp đồng nhưng không được nhận nhà đúng hẹn đã khiếu kiện đòi lại tiền.

Theo kết luận của bản án phúc thẩm năm 2016, tổng số tiền cả nợ gốc và lãi phạt chậm giao nhà nhiều năm qua PVCLand phải trả cho bà Giang là 2,62 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm ngoái, công ty chỉ trả cho bà Giang 300 triệu đồng. Để đòi nợ, bà Giang nộp hồ sơ yêu cầu chủ đầu tư phá sản, phong tỏa tài sản và mở thủ tục phá sản đối với PVCLand.

Đến lúc này, vấn đề trên trở thành nỗi hoang mang của hàng trăm khách hàng (đã nộp từ 95%-100% tiền mua căn hộ) đang nóng lòng chờ nhận căn hộ PetroVietnam Landmark. Bởi lẽ, nếu mở thủ tục phá sản và bước vào giai đoạn cuối là tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp sẽ bị bán đấu giá để trả nợ.

Điểm khúc mắc nằm ở chỗ, quan điểm của PVCLand là chỉ đồng ý trả lại cho bà Giang nợ gốc 1,9 tỷ đồng,  nhưng không chấp nhận trả lãi phạt chậm giao nhà trong 5-6 năm qua theo bản án phúc thẩm.

Đại diện PVCLand cho hay, công ty đã làm thủ tục giám đốc thẩm để xem xét lại bản án phúc thẩm. Nếu án giám đốc thẩm xử PVCLand sai, doanh nghiệp sẽ trả đầy đủ nợ gốc và lãi phạt.

3. Sốc với sai phạm tại dự án Đại Thanh của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản

Địa ốc 7 ngày: Chung cư “ông Thản” lại gây bão ảnh 7

Tuần qua, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và Cục thuế TP Hà Nội.

Đáng chú ý, kết quả thanh tra cho thấy những sai phạm nghiêm trọng tại dự án Đại Thanh. Thông báo nêu rõ các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…) trong quá trình thực hiện dự án.

Theo đó, đến thời điểm thanh tra dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư (Doanh nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - PV)  chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.

Với những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị  xử lý hình sự đối với vụ việc này. Trước đó, dự án Đại Thanh cũng được phản ánh những vi phạm hết sức nghiêm trọng như xây dựng sai phép, xây cả vào khu quy hoạch cây xanh, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy không đủ, người dân chưa được cấp sổ đỏ.

Chuyển động địa ốc

Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề xuất UBND Thành phố chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội.

Được biết, theo quy hoạch, dự án trên bao gồm 6 tòa nhà cao 20 tầng (A1, A2, A3, A4, A5, A6), cung cấp khoảng 22.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế, với 3 tòa đã đưa vào sử dụng (A1, A5, A6), lượng sinh viên vào không lấp đầy phòng gây lãng phí. Vì vậy, Sở đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án và cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.

Ngày 5/3, mở bán đợt cuối dự án The EverRich Infinity. Dự án phát triển bởi chủ đầu tư CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt và đơn vị phân phối là CTCP Đầu tư Bất động sản Thiên Minh. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao trong quý I/2017.

Địa ốc 7 ngày: Chung cư “ông Thản” lại gây bão ảnh 9 

Tọa lạc ngay trung tâm TP HCM, The EverRich Infinity gồm 2 tầng hầm và 25 tầng cao, phân bổ thành 6 tầng cho căn hộ văn phòng (có diện tích từ 30m2 đến 58m2) và 19 tầng cho căn hộ để ở (từ 72m2 đến 130m2). Dự án có tổng cộng gần 800 căn hộ .

Ngày 5/3, Đất Xanh Miền Trung ra mắt phân khu Greenwood tại dự án Danang Pearl. Phân khu Greenwood định hình là không gian sống gần gũi thiên nhiên, gồm các hệ thống tiện ích như trung tâm thể thao, trường học quốc tế, khu công nghệ FPT, công viên năng lượng mặt trời... với diện tích đất từ 100 đến 416m2.  

Dự án Danang Pearl có quy mô hơn 64 hecta, có vị trí ở trục đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa (Đà Nẵng), chia thành 5 phân khu gồm LightSquare, Kinderword, Shopping Street, Greenwood và phân khu công nghệ với đa dạng các loại hình bất động sản từ nhà liền kề, nhà phố thương mại, đất nền nhà phố, đất nền biệt thự đến đất nền biệt thự siêu sang.

Tin bài liên quan