Dự án Bảy Hiền Tower dù chưa thi công xong nhưng vẫn cho người dân vào sinh sống - Ảnh: Gia Huy

Dự án Bảy Hiền Tower dù chưa thi công xong nhưng vẫn cho người dân vào sinh sống - Ảnh: Gia Huy

Điểm danh những dự án “tai tiếng” nhất năm 2016

(ĐTCK) Dự án chất lượng kém bị người dân khiếu kiện; dự án chưa xây xong đã “lùa” người dân vào ở; hay dù đã bàn giao nhà cho người dân sinh sống, nhưng chủ đầu tư vẫn âm thầm “cầm cố” ngân hàng… Đó là tình trạng tại những dự án “tai tiếng” nhất thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016.

Chuyện lạ của thị trường 2016

Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản đã phục hồi rõ nét trong năm 2015 và nhiều chờ đợi thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững hơn trong năm 2016. Diễn biến thị trường trong năm 2016 dù chững lại so với năm trước, nhưng cũng đã cho thấy sự phát triển ổn định như kỳ vọng. Tuy nhiên, thị trường năm qua cũng xuất hiện nhiều chuyện lạ đáng buồn.

Chẳng hạn, cuối tháng 5/2016, người dân mua căn hộ Dự án Chung cư Bảy Hiền Tower, quận Tân Bình, TP.HCM tố chủ đầu tư là Công ty Long Hưng Phát dù chưa xây dựng xong dự án nhưng đã đưa người dân vào ở.

Dự án có chiều cao 23 tầng, trong đó có 18 tầng căn hộ, được xây dựng từ năm 2009, nhưng mãi tới năm 2016 mới xây dựng xong phần thô và bắt đầu hoàn thiện từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thiện được tới tầng 15, chủ đầu tư đã đưa nhiều hộ dân vào ở. Lý giải cho quyết định định vi phạm này, chủ đầu tư cho biết, là vì… dự án quá hạn giao nhà cho khách hàng, sợ khách kiện và bị phạt, nên phải bàn giao vội để khách vào ở.

Sau đó, khi Sở Xây dựng TP.HCM kiểm tra công trình thì phát hiện đơn vị này xây sai thiết kế, toàn bộ các tầng đều lấn diện tích, trong đó có những tầng như tầng 4 dự án lấn 400 m2 diện tích sàn, tầng 6 chỉ được phép xây 5 căn hộ, nhưng chủ đầu tư này đã tự ý xây sai ghép thành căn hộ officetel. Khi bị Sở Xây dựng, cũng như UBND quận Tân Bình ra quyết định cắt điện, cắt nước và dừng thi công, thì 20 hộ dân đang sinh sống tại đây buộc phải ra khỏi nhà đang ở.

Trở lại dự án này sau 2 tháng sự việc xảy ra, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy, tầng 6 vi phạm xây dựng căn hộ officetel đã bị chủ đầu tư đập phá, trả lại đúng thiết kế.

Một dự án bàn giao nhà cho người dân khi chưa đủ điều kiện khác tại TP.HCM trong năm qua là Dự án The Easter City do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Ban đầu, đây được thiết kế là dự án nhà ở thương mại. Đến tháng 2/2015, dự án được chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội và thu hút nhiều khách hàng đến tìm mua. Dù chưa hoàn thiện và chưa được nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư vẫn cho người dân vào ở. Lúc này, hàng loạt vấn đề về chất lượng công trình, nâng khống giá bán nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng đã bị phanh phui. Dù đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chủ đầu tư và các cơ quan chức năng, nhưng đến nay, The Easter City vẫn gặp hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng thi công, thang máy, công trình công cộng...

Trong khi đó, tại Dự án Chung cư The Harmona, có quy mô diện tích 9.137 m2, gồm 3 block tòa nhà cao 19 tầng với khoảng 600 căn. Công trình được khởi công xây dựng từ quý IV/2009, chào bán rộng rãi ra thị trường từ năm 2010 với giá từ 20 triệu đồng/m2 do Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình làm chủ đầu tư.

Không bị tai tiếng về việc chậm tiến độ, “bàn giao non” cho khách hàng như 2 dự án trên, cư dân tại chung cư này tưởng sẽ an cư yên ổn, thì vào tháng 5/2016, cư dân bất ngờ khi bị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn phát hành văn bản yêu cầu thực hiện bàn giao tài sản thế chấp do chủ đầu tư mang dự án này đi vay nợ, nhưng quá hạn không thể trả. Với thông báo này, người dân sống tại chung cư này có nguy cơ phải ra đường.

Sự việc tại dự án này sau đó đã được giải quyết khi chủ đầu tư thanh toán nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện này đã dẫn tới việc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và Hà Nội công bố danh sách hơn 100 dự án thế chấp dự án tại ngân hàng trong tháng 7 và tháng 8/2016, gây xôn xao thị trường và ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch mở bán của nhiều chủ đầu tư.

Một dự án nhà ở xã hội khác do một tên tuổi lớn của thị trường địa ốc TP.HCM, nhất là trong phân khúc nhà ở xã hội triển khai cũng được xếp hạng tâm điểm “tai tiếng” của thị trường 2016. Sau một thời gian triển khai, dự án đã bị khách hàng phản ứng về tiến độ thi công chậm chạp, chất lượng công trình kém, chưa xây xong đã cho người dân vào sinh sống. Nguy hiểm diễn ra vào ngày 15/7, block 4 của dự án này bất ngờ bốc cháy, gây hoảng loạn cho hàng trăm hộ dân. Sau vụ cháy này, nhiều người “tá hỏa” khi biết rằng, dự án chưa hề được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy…

Đây chỉ là số ít trong hàng chục dự án “tai tiếng” của thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016. 

“Vi phạm đại trà”

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Giảng viên Khoa kỹ thuật xây dựng Đại học Bách Khoa TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Cũng theo ông Hiệp, hiện những chủ đầu tư này sai phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng, Nghị định 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

“Chủ đầu tư phải biết vi phạm phát luật sẽ như thế nào và biết bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ đầu tư không tôn trọng quy định của pháp luật và an nguy của khách hàng, mà chỉ biết làm sao đạt tối đa lợi nhuận cho mình. Nhà nước luôn ủng hộ chủ đầu tư phát triển, nhưng không khuyến khích chủ đầu tư vi phạm pháp luật. Tuy nhiện, hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang làm ngược lại. Đặc biệt nhiều cơ quan chức năng biết, nhưng lại e dè không xử lý”, ông Hiệp cho biết.

Nếu xử lý rất khoát thì sẽ giải quyết được tình trạng sai phạm trong xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, rất tiếc, các cơ quan quản lý tại TP.HCM hiện chưa làm được việc này. Phải chăng đang có chuyện bao che hay “dây mơ rễ má” gì ở đây, nên cơ quan quản lý mới bỏ qua cho chủ đầu tư và bỏ mặc người dân

- Ông Nguyễn Văn Hiệp,
nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Cũng theo ông Hiệp, luật quy định, công trình được nghiệm thu mới được phép đưa vào sử dụng. Ngoài ra, trước khi nghiệm thu, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng để cơ quan này có văn bản chấp nhận nghiệm thu thì mới được phép. Như vậy, việc các chủ đầu tư chưa được nghiệm thu công trình đã đưa người dân vào ở là đã phạm pháp, nên phải xử lý thật nghiêm.

Ngoài ra, nếu tai nạn xảy ra với người dân khi sống tại những tòa nhà mà do lỗi chất lượng của công trình, thì tránh nhiệm vẫn thuộc chủ đầu tư, sau đó là cơ quan quản lý nhà nước. Bởi cơ quan quản lý nhà nước biết mà không xử lý khi đã có quy định, chế tài, cũng có tội.

“Theo tôi, cơ quan có trách nhiệm quản lý xây dựng cần xử lý nghiêm những dự án này để làm đúng vai trò của mình, với trách nhiệm của người dân và với cả trách nhiệm khi hưởng đồng lương hàng tháng, bởi lương hàng tháng cũng là tiền của người dân đóng góp. Nếu chẳng may có tai nạn đáng tiếc xảy ra tại các công trình này, thì việc xử lý sau đó của cơ quan quản lý thì đã quá muộn. Đồng thời, Bộ Xây dựng phải can thiệp ngay vào vấn đề này, bởi không thể để tình trạng sai phạm trong xây dựng cứ diễn ra triền miên và kéo dài như hiện nay. Nếu không không xử dứt điểm, nó sẽ trở thành “bệnh mạn tính” và nhiều chủ đầu tư khác sẽ làm theo”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp còn cho rằng, nếu người dân phát hiện ra sai phạm của chủ đầu tư, báo với cơ quan chức năng, thì các cơ quan chức năng phải cảm ơn người dân và thực hiện xử lý ngay như cúp điện, cúp nước, đình chỉ thi công. Đồng thời, nếu người dân vào sinh sống rồi thì phải có biện pháp di dời ngay cư dân ra khỏi dự án để đảm bảo an toàn cho người dân, chi phí di dời thì chủ đầu tư phải chi trả.

“Nếu xử lý rất khoát thì sẽ giải quyết được tình trạng sai phạm trong xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, rất tiếc, các cơ quan quản lý tại TP.HCM hiện chưa làm được việc này. Phải chăng đang có chuyện bao che hay “dây mơ rễ má” gì ở đây, nên cơ quan quản lý mới bỏ qua cho chủ đầu tư và bỏ mặc người dân”, ông Hiệp đặt câu hỏi.

Đồng tình với quan diểm trên, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, những chủ đầu tư này đang lừa gạt người mua nhà. Tại các nước trong khu vực và trên thế giới, không có chuyện sai phạm trong xây dựng nhiều như Việt Nam và quyền lợi của người khách hàng mua bất động sản bị xâm phạm nghiêm trọng như Việt Nam. Đây là việc làm thiếu trách nhiệm với những người đã bỏ ra khoản tiến lớn để mua nhà.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan