Mặt bằng dự kiến triển khai dự án Officetel The Lotus Center 2.

Mặt bằng dự kiến triển khai dự án Officetel The Lotus Center 2.

Điểm mặt những dự án của chủ sở hữu The Lotus Center

(ĐTCK) Số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về những băn khoăn liên quan đến pháp lý Dự án Officetel The Lotus Center (quận Tây Hồ, Hà Nội) của Vimefulland. Tuy nhiên, không chỉ dự án này, nhiều dự án khác tại Hà Nội của Vimedimex Group (đơn vị sở hữu thương hiệu Vimefulland) cũng có vấn đề.

Từ The Emerald…

Một trong những dự án đầu tiên phải kể đến The Emerald Mỹ Đình tại Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình, một liên doanh giữa Vimedimex Group với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 7/1/2015 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Tiền thân là dự án tái định cư, tháng 1/2010, dự án được UBND TP. Hà Nội ra quyết định cho phép chuyển đổi và giao Handico 7 tổ chức, triển khai dự án thương mại. Tới tháng 11/2016, UBND TP. Hà Nội ra quyết định cho phép Liên danh Công ty Mỹ Đình và Handico7 cùng triển khai dự án này với tên thương mại là The Emerald.

Tháng 3/2015, Ngân hàng VietABank đã tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo cho mô hình công ty có từ 10 - 299 nhân viên cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình với 2 loại tài sản được đưa ra để đảm bảo đều là "tài sản hình thành trong tương lai", một hình thức đảm bảo chưa từng có trong các quy định về thế chấp tài sản.

Điểm mặt những dự án của chủ sở hữu The Lotus Center ảnh 1

Dự án Emerald

Tiếp đó, tháng 7/2015, VietABank tiếp tục tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo cho khoản vay 420 tỷ đồng của Công ty Mỹ Đình với tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 3 loại tài sản gồm: “Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, hoặc hạ tầng”; “các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án”; “quyền đòi nợ hoặc các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật được chủ đầu tư giao kết hợp pháp theo quy định của pháp luật về nhà ở” của Dự án The Emerald CT8 - Mỹ Đình.

Điều này đồng nghĩa, tại thời điểm đăng ký tài sản đảm bảo cho khoản vay trên, Dự án The Emerald CT8 - Mỹ Đình chưa được UBND TP. Hà Nội có quyết định chấp thuận đầu tư, cũng như chưa có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình.

…Tới Iris Garden

Tương tự The Emerald, một dự án khác của Vimefulland cũng tạo ra những băn khoăn là Dự án Iris Garden trên đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tiền thân là nhà máy sản xuất cũ của Công ty TNHH Một thành viên Xuân Hòa (sau cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Xuân Hòa), theo chủ trương di dời các nhà máy trong khu vực nội đô, tháng 2/2009, Xuân Hòa và Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình có văn bản về việc xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai dự án bất động sản trên lô đất này.

Sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, tới tháng 3/2010, UBND TP. Hà Nội có văn bản chấp thuận di dời cơ sở sản xuất tại nhà máy. Đến năm 2011, trên cơ sở chấp thuận chủ trương của TP. Hà Nội, Xuân Hòa đã cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ba Đình 1, 2, 3 thành lập Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán tại số 27 đường Đông Lạnh, thị trấn Cầu Diễn - Hà Nội”. Công ty Nhuệ Giang có vốn điều lệ ban đầu 55 tỷ đồng, trong đó Xuân Hòa góp 16,5 tỷ đồng (tương đương 30%) vốn điều lệ để triển khai dự án.

Điểm mặt những dự án của chủ sở hữu The Lotus Center ảnh 2

IRIS GARDEN

Do vướng mắc về quy hoạch, nên dự án không được cấp giấy chứng nhận đầu tư (cho đến thời điểm 30/6/2014 - thời điểm bắt đầu xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa). Do đó, Công ty Xuân Hòa tiếp tục được tạm sử dụng khu đất trên cho đến khi UBND Thành phố có quyết định thu hồi đất thực hiện dự án, cắm mốc giao đất theo quy định. Đồng thời, Công ty phải tiến hành nộp tiền thuê đất theo thông báo của Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm (trước đây là huyện Từ Liêm).

Trong quá trình đợi dự án được cấp phép, các bên tham gia thành lập Công ty Nhuệ Giang đã có biên bản thống nhất nhằm hạch toán chi phí giải phóng mặt bằng phát sinh vào chi phí của dự án, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Xuân Hòa khi có biên bản bàn giao chính thức mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của UBND TP. Hà Nội.

Sau khi Công ty Xuân Hòa cổ phần hóa, ngày 11/6/2016, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhuệ Giang đã có Văn bản số 04/2016/VB-LD gửi Bộ Xây dựng xin hướng dẫn giấy phép xây dựng của dự án nêu trên. Ngày 17/6/2016, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1195/BXD-HĐXD gửi Công ty Nhuệ Giang khẳng định, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang được tiếp tục triển khai thi công xây dựng công trình và không cần phải thực hiện cấp giấy phép xây dựng.

Đến ngày 25/1/2017, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã có Công văn số 532 - TB/TU đồng ý đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội tại Báo cáo số 501/BC-BCS ngày 29/12/2016 về chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại số 119 K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (chính là khu đất 24.000 m2 của Xuân Hòa quản lý cũ).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án có tổng vốn đầu tư 1.480,9 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của các bên tham gia là 222,14 tỷ đồng, chiếm 15% (riêng phần của Công ty Xuân Hòa là 50,14 tỷ đồng), vốn vay tín dụng là 296,18 tỷ đồng, chiếm 20%, vốn huy động từ khách hàng là 962,61 tỷ đồng, chiếm 65%.

Ghi nhận tại thời điểm báo cáo tài chính quý III/2017 của Công ty cổ phần Xuân Hòa từng thể hiện, Công ty này mới góp vào Công ty Nhuệ Giang 3,3 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ của Nhuệ Giang. Nếu đúng như vậy, vốn điều lệ thực tế của Nhuệ Giang chỉ là chưa đến 11 tỷ đồng, chưa bằng 0,74% tổng quy mô dự án.

Không những vậy, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, giống như The Emerald, tháng 10/2016, tức là dù chưa được chấp thuận từ Thành ủy và UBND TP. Hà Nội về việc có được phép tiếp tục triển khai dự án hay không, Công ty Nhuệ Giang đã được VietABank chấp thuận giải ngân tới 490 tỷ đồng với toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Dự án Iris Garden.

Trong một diễn biến khác, dù ngày 17/6/2016, Bộ Xây dựng khẳng định dự án không thuộc dạng phải xin giấy phép xây dựng, nhưng điều khó hiểu vào tháng 4/2018, Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp một Giấy phép xây dựng cho dự án.

… Dự án BT Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên…

Một công ty khác có liên quan đến Vimedimex Group là Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) cũng thế chấp quyền tài sản từ Dự án Khu nhà ở Ao Mơ hay các lô đất tại các quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng, Hà Nội cho VietA Bank. Đây là các tài sản đối ứng cho Dự án BT tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, thực hiện từ quý I/2016 đến tháng 6/2019. Công ty Vĩnh Hưng với tư cách nhà đầu tư chính sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện dự án một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, trên thực tế, tới nay, dự án BT vẫn còn nằm trên "giấy". Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều đoạn chưa giải phóng mặt bằng xong, có đoạn nhà dân vẫn tồn tại. Đoạn giải phóng xong chỉ là bãi đất hoang, có nơi làm chỗ chứa vật liệu xây dựng… Đường điện cao thế vẫn chưa được hạ ngầm. Trong khi đó, tại các khu đất đối ứng đã xuất hiện các tòa chung cư cao tầng. Ngoài ra, khu nhà ở Ao Mơ (một phần đối ứng, gần dự án BT) đã được phân lô và rao bán (cả đất nền và chung cư).

Gần đó, phần đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (có khu đất đối ứng cho dự án thuộc phường Vĩnh Tuy như nêu trên) đang bị người dân khiếu kiện, yêu cầu cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, toàn bộ các quyền tài sản của bên bảo đảm với tư cách là chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác Dự án đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân cũng đã được Công ty Vĩnh Hưng đem thế chấp tại Ngân hàng VietA Bank từ tháng 6/2017 để huy động vốn.

…và nhiều dự án khác

Trở lại với các câu hỏi gần đây với Dự án Officetel The Lotus Center tại Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội), theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, toàn bộ các lô đất TM1, CT05, CT06, BT05 do các doanh nghiệp thành viên Vimedimex Group mua lại từ UDIC dù đang vướng pháp lý và chưa triển khai được, nhưng cũng đã được đem ra làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng để huy động vốn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan