Điểm nhấn tuần này là đáo hạn phái sinh, định giá thị trường đang rất hấp dẫn

Điểm nhấn tuần này là đáo hạn phái sinh, định giá thị trường đang rất hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia CTCK Maybank Investment bank (MSVN) nhận định, với điểm nhấn tuần này là đáo hạn phái sinh, các nhà đầu tư cần quan sát chặt các thay đổi cung cầu, vốn có thể tạo ra các thay đổi rất nhanh và mạnh trong ngắn hạn.

Tuần qua, TTCK Việt Nam lao dốc kỷ lục, chỉ số VN-Index thủng mốc 1.200 điểm và đóng cửa tại 1.182,8 điểm, giảm mạnh 11%. Do lực bán mạnh từ nhà đầu tư cá nhân trước các tin tức tiêu cực, trong khi lực cầu tỏ ra rất yếu bởi nhà đầu tư trông chờ VN-Index sẽ kiểm tra thành công các mức hỗ trợ thấp hơn.

Đồng thời, theo MSVN, giảm mức vay ký quỹ và thanh khoản yếu ở nhóm nhà đầu tư lớn như quỹ và các “nhà tạo lập thị trường” cũng đang đè nặng lên thị trường. Cụ thể, thanh khoản bình quân trong tuần qua đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, cải thiện hơn tuần trước đó 7% nhưng thấp hơn 32,5% so với mức bình quân từ đầu năm đến nay.

Điểm cộng là khi dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước lại tập trung bán ròng mạnh, thì dòng tiền dài hạn từ nhóm nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài là bên cân lại lực bán đó, cho thấy sự hấp dẫn của các cổ phiếu sau mức điều chỉnh sâu. Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước thường đầu tư ngắn hạn do đó không quá quan ngại việc dòng vốn này sẽ tạo thành xu hướng.

Theo MSVN, tuần này, áp lực bán tháo có lẽ vẫn sẽ tiếp tục trong giai đoạn các phiên đầu tuần. Điểm nhấn sẽ là đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư sẽ cần quan sát chặt các thay đổi cung cầu vào lúc này, vốn sẽ có thể tạo ra các thay đổi rất nhanh và mạnh trong ngắn hạn.

Liên quan đến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang thị trường phái sinh, trong chương trình bí mật đồng tiền số 20, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho rằng, khi thị trường đi xuống thì nhà đầu tư thường thích di chuyển sang phái sinh vì có thể giao dịch trong ngày không bị rủi ro T+, còn thị trường biến động mạnh, như một số phiên tuần trước, gap của điểm cao nhất và thấp nhất hàng chục điểm thì khả năng kiếm được lợi nhuận nhanh trong ngày, cảm thấy đỡ đau xót khi mất mát trên thị trường cơ sở.

"Tuy nhiên, khi có quá nhiều người cùng sang phái sinh, thì gap khó duy trì ở mức độ cao và càng về sau sẽ càng khó hơn", ông Hưng nói.

Nói về triển vọng thị trường, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích - khối Khách hàng cá nhân MSVN cho rằng, định giá của thị trường Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn, mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn và giá trị “bỏ giỏ” và tích lũy những cổ phiếu chất lượng cho chiến lược “Mua và Nắm Giữ” nhằm hưởng lợi từ mức tăng trưởng EPS ổn định là 15 - 25% hàng năm trong giai đoạn 2022 - 2025 cũng như cơ cấu tăng từ tình hình phục hồi của thị trường (PER thị trường có thể được đánh giá lại từ 12 lần hiện tại lên trên 20 lần, bằng với mức tăng thêm ít nhất 60%) khi Việt Nam sẽ được nâng hạng lên “Thị trường mới nổi” bởi MSCI.

Theo bà Tuyền, tháng 5 - 6/2022 là thời điểm tốt để các nhà đầu tư dài hạn mở vị thế và tích lũy cổ phiếu trong các lĩnh vực được hưởng lợi từ tiêu dùng đang tăng của Việt Nam, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, dòng vốn FDI và xuất khẩu mạnh mẽ.

Đặc biệt, MSVN duy trì ưu tiên nhóm ngân hàng (TCB, MBB, VCB, VPB), chứng khoán (VND, VCI), bất động sản (VHM, NLG, NVL, VPI ), tiêu dùng (MWG, VIC, MSN, KDC ), các công ty liên quan đến cơ sở hạ tầng (HPG, GAS, FPT, PLC), Khu công nghiệp (BCM, KBC, IDC), logistics (GMD, ACV, VTP).

Còn ông Hưng chia sẻ, cơ cấu danh mục của ông giai đoạn này là 40% tiền mặt, và mua một số cổ phiếu có tính phòng ngự như NT2, hơi tấn công một chút là PVT với lợi nhuận ổn định và có thể có lợi nhuận đột biến từ bán tàu; và giải ngân vào cổ phiếu thiên tấn công như GMD - có tính comodity khá cao và đang kỳ vọng nhiều vào mảng cao su của doanh nghiệp này.

Tin bài liên quan