Công tác nghiên cứu phát triển luôn được PVCFC chú trọng

Công tác nghiên cứu phát triển luôn được PVCFC chú trọng

Điểm tựa giúp Đạm Cà Mau bứt phá

(ĐTCK) Với một đội ngũ nhân sự giỏi và tâm huyết, Nhà máy Đạm Cà Mau ngay từ khi đưa vào vận hành đã hoạt động ổn định và đạt công suất tối đa. Qua hơn ba năm hoạt động, Đạm Cà Mau đang từng bước cụ thể hóa chiến lược phát triển thông qua các hoạt động R&D, phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, vượt qua áp lực cung vượt cầu của thị trường phân bón trong nước...

Sức mạnh từ trí tuệ

Trong suốt 3 năm hoạt động, 2012 - 2014, Đạm Cà Mau luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt từ 15 - 20%.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án Khí Điện Đạm Cà Mau cho biết, một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Đạm Cà Mau là con người. Đội ngũ kỹ sư, cán bộ của Công ty đã sớm làm chủ công nghệ hiện đại, học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài để chủ động vận hành nhà máy. Nhờ đó, nhà máy luôn vận hành tối đa công suất thiết kế, sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng đều.

Dù được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm bảo giá khí hợp lý cho giai đoạn 2015 - 2018 để đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân là 12%/năm từ hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón, song Đạm Cà Mau xác định, đó chỉ là những thuận lợi trước mắt. Không hài lòng với những gì mình có, Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của nhà máy và đột phá trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh các sản phẩm mới, mang lại giá trị gia tăng cho cổ đông, khách hàng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. 

Phát triển thị trường tiềm năng

Hiện Đạm Cà Mau đang chiếm 55% thị phần phân bón tại miền Tây Nam Bộ, 25% thị phần tại miền Đông Nam Bộ và đặc biệt mở rộng xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết, thị trường Campuchia là một trong những thị trường mục tiêu có lợi nhuận tốt, vì vậy, việc phát triển thị trường Campuchia thành công không những giúp Công ty giảm bớt áp lực tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty. Ba năm qua, thị phần tiêu thụ tại Campuchia của Đạm Cà Mau liên tục tăng trưởng tốt. Nếu như năm 2012, thị phần của Đạm Cà Mau tại thị trường này vào khoảng 10%, thì đến năm 2013 đã tăng lên 30% và năm 2014 là 35%. Mục tiêu của Công ty với thị trường này là nâng thị phần lên 45 - 55% trong giai đoạn 2015 - 2018. Dự báo, nhu cầu sử dụng ure của thị trường này đến năm 2018 sẽ đạt con số 300.000 - 320.000 tấn, tăng 50% so với hiện nay.

Với lợi thế đạm hạt đục được hầu hết các nước trong khu vực và thế giới ưu tiên lựa chọn sử dụng chăm bón cây trồng, Đạm Cà Mau ngày càng phát huy lợi thế của mình trong việc thâm nhập, khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh sản xuất phân đạm, theo ông Bùi Minh Tiến, Đạm Cà Mau đang nghiên cứu triển khai mở rộng các hoạt động kinh doanh khác như sản xuất chế biến phân bón phức hợp, phân bón hữu cơ vi sinh có giá trị gia tăng cao, vừa cải tạo đất vừa tốt cho cây trồng. Đây hứa hẹn là những lĩnh vực đem lại biên lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp trong tương lai. 

Đáp ứng nhiều khẩu vị

Trên nền tảng doanh nghiệp hoạt động tốt, quy mô doanh nghiệp lớn và có vị thế đầu ngành, cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có các quỹ ETF và nhà đầu tư nước ngoài. Phân tích kỹ, có thể thấy, cổ phiếu DCM đang đáp ứng được nhiều khẩu vị đầu tư. Với mức lợi nhuận kế hoạch năm 2015 là 659 tỷ đồng (có khả năng đạt cao hơn khi so sánh với kết quả lợi nhuận năm 2014 là 802 tỷ  đồng), thị giá hiện tại 13.500 đồng/cổ phần, P/E 2014 của DCM ở mức 8,5 lần, thấp hơn mức định giá bình quân 12,5 lần của HOSE và 15 lần của nhóm VN30. ĐHCĐ thường niên 2015 được tổ chức mới đây đã thông qua mức cổ tức năm 2015 là 8%. Với những gì doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện, thị trường có thể kỳ vọng vào kết quả tốt hơn,

Hiện Tập đoàn Mitsui Nhật Bản và một số nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm đến việc tham gia mua cổ phần Đạm Cà Mau. Đây là những tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phân bón và hóa chất. Nếu họ hợp tác với Đạm Cà Mau, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, nắm bắt cập nhật được kỹ thuật, công nghệ tiên tiến thế giới, nâng cao trình độ quản trị các nguồn lực nói chung và các dự án nói riêng, từ đó, có khả năng gia tăng lợi nhuận, bên cạnh lợi nhuận định mức tối thiểu 12% vốn chủ sở hữu.          

Kết quả kinh doanh quý I/2015 của Đạm Cà Mau, được tính từ ngày 15/1/2015 đến ngày 31/3/2015, với doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận 195 tỷ đồng.

Tin bài liên quan