Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh diễn biến thị trường chung khởi sắc cùng giao dịch sôi động, nhiều cổ phiếu đã có tuần mở màn tháng 9 tích cực và xác lập vùng đỉnh mới trong năm.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KDH và nâng mức giá mục tiêu lên 44.100 đồng/CP (tăng 22,8% so với giá mục tiêu cũ, tương đương upside 20,7%) khi (1) điều chỉnh giảm tỷ lệ lợi ích tại dự án Đoàn Nguyên và (2) giảm mức chiết khấu tại KDC Tân Tạo, KĐT Phong Phú 2 từ 50% xuống 30% do triển vọng triển khai rõ ràng hơn.

Sau tuần phục hồi khá tốt trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 và trở lại tiệm cận vùng đỉnh của năm, cổ phiếu KDH đã trở lại trạng thái rung lắc và điều chỉnh nhẹ do áp lực bán gia tăng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH giảm 800 đồng (-2,16%) từ mức 37.000 đồng/CP xuống 36.200 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của MSN với doanh thu thuần đạt 81.601 tỷ đồng (tăng 7,1% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.185 tỷ đồng (giảm 66,8%). Chúng tôi cho rằng những khó khăn đã phản ánh vào giá hiện tại, kỳ vọng vào tương lai và đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 97.100 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù chưa thể bứt phá nhưng cổ phiếu MSN vẫn nhúc nhắc đi lên, đặc biệt trong những phiên giao dịch đầu tháng 9, mã này giao dịch khá sôi động với những phiên khớp lệnh trên 2-3 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng nhẹ 300 đồng (+0,37%) từ mức 81.500 đồng lên mức 91.800 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu OCB

Chúng tôi ước tính OCB có thể đạt 4.825 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023 (tăng 9,93% so với năm ngoái) và khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu OCB với giá trị hợp lý là 18.309 đồng/cổ phiếu.

Vượt qua kỳ vọng của VCBS, cổ phiếu OCB có tuần giao dịch khởi sắc và tiếp tục xác lập đỉnh mới trong năm nay, đồng thời thanh khoản cũng tăng đột biến, với các phiên khớp lệnh lên tới 4,5-7 triệu đơn vị. Như vậy, với việc đón nhận cả 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu OCB tăng 1.700 đồng (+8,67%) từ mức 19.600 đồng lên mức 21.300 đồng/CP.

Đáng chú ý, cuối ngày 8/9, OCB đã có thông báo ngay sau khi nhận được công văn từ UBCK, về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền, cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 21/9.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BID và khuyến nghị mua CTG

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 7,4% lên 54.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị khả quan cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).

Đồng thời, nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) thêm 11,0% lên 40.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

Ngoại trừ một vài điểm sáng nhỏ lẻ còn lại hầu hết các cổ phiếu trong dòng bank vẫn chưa thoát khỏi trạng thái lình xình, trong đó có BID và CTG. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BID tăng nhẹ 50 đồng (+0,11%) từ mức 46.950 đồng/CP lên mức 47.000 đồng/CP.

Trong khi đó, CTG kém khởi sắc hơn khi đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG giảm 150 đồng (-0,46%) từ mức giá 32.450 đồng/CP xuống còn 32.300 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VNM

Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của VNM với doanh thu thuần đạt 63.205 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 9.321 tỷ đồng (tăng trưởng 8,7%). Chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 84.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VNM vẫn duy trì diễn biến khởi sắc dù đà tăng có phần chững lại do trong quá trình chinh phục đỉnh mới trong năm 2023. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM tăng 2.200 đồng (+2,83%) từ mức 77.800 đồng lên mức 80.000 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của mã này trong hơn 1 năm qua.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

Dựa trên định giá FCFF, EV/EBITDA và P/E chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT. Giá mục tiêu là 28.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức upside 24,5% so với giá tại ngày 31/08/2023.

Nhóm cổ phiếu vận tải đã có tuần giao dịch khởi sắc đầu tháng 9, trong đó PVT không ngoại trừ khi có thêm thông tin tích cực là ngày 14/9 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 800 đồng (+3,45%) từ mức giá 23.200 đồng/CP lên mức 24.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PTB

Chúng tôi áp dụng hệ số P/E bình quân cho ngành gỗ là 11x và ngành đá là 10x và đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu PTB là 61.600 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 6,6%). Đồng thời khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu PTB.

Bất chấp thông tin vợ Phó chủ tịch HĐQT Công ty đăng ký bán toàn bộ 587.823 cổ phiếu, cổ phiếu PTB vẫn tiến từng bước nhỏ để chinh phục những đỉnh cao mới của năm 2023. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB tăng nhẹ 500 đồng (+0,87%) từ mức 57.800 đồng/CP lên mức 58.300 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất của PTB trong năm 2023.

* PHS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BSR

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 20,200 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ với mức tăng giá tiềm năng là 8%. Định giá này đã tính đến kế hoạch nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất gần nhất và đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 dự kiến tiến hành trong năm 2024F.

Cổ phiếu BSR vẫn chưa “thấm mệt” sau chuỗi ngày dài tăng tốc và xác nhận phiên tăng thứ 13 liên tiếp kể từ cuối tháng 8 đến nay. Đặc biệt, trong phiên 8/9, dù có chút rung lắc do áp lực bán chốt lời gia tăng, nhưng thông tin tích cực từ lãnh đạo UBCK rằng, UBCK, Sở GDCK Việt Nam sẽ có cuộc trao đổi để sửa quy chế niêm yết, gỡ vướng cho việc chuyển sàn sang HOSE của BSR, cổ phiếu này đã hồi phục và tiếp tục ghi nhận phiên tăng tốt. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng 1.700 đồng (+8,67%) từ mức 19.600 đồng/CP lên mức 21.300 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm của mã này.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STK

Chúng tôi nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua và nâng giá mục tiêu thêm 37% cho CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) do chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế thêm 44%/39% cho các năm 2024/2025, một phần bị ảnh hưởng bởi mức giảm 6% trong dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 do dự báo chi phí bán hàng & quản lý (SG&A) và lãi vay cao hơn.

Cổ phiếu STK tiếp tục có thêm tuần giao dịch khởi sắc và chinh phục vùng đỉnh mới trong năm nay khi khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK tăng 1.400 đồng (+4,2%) từ mức 33.350 đồng/CP lên mức 34.750 đồng/CP.

Tin bài liên quan