Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tất cả các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều không thoát khỏi xu hướng giảm của thị trường chung, thậm chí nhiều mã đã giảm hơn 10%.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MWG

Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG – sàn HOSE) thêm 12% nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua xuống khả quan do giá cổ phiếu đã tăng khoảng 30% trong 4 tháng qua.

Trái với nhận định của VCSC, trong bối cảnh thị trường lao dốc, cổ phiếu MWG cũng đã không thoát khỏi diễn biến chung. Cũng như diễn biến chỉ số chung, cổ phiếu MWG tuần qua đã đón nhận 4 phiên giảm khá mạnh vào đầu tuần và chỉ hồi phục duy nhất trong phiên cuối tuần ngày 20/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 4.800 đồng (-9,7%) từ mức 49.500 đồng/CP xuống 44.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan, còn TPS khuyến nghị mua cổ phiếu FRT

VCSC nâng giá mục tiêu cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) thêm 16% và duy trì khuyến nghị khả quan. Do chúng tôi có quan điểm thận trọng hơn đối với việc FPT Shop phục hồi lợi nhuận, nên chúng tôi điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự kiến cho năm 2023 và 2024 từ âm 40 tỷ đồng và 247 tỷ đồng xuống lần lượt âm 305 tỷ đồng và 25 tỷ đồng, đồng thời giảm 23% dự báo lợi nhuận sau thuế tổng hợp giai đoạn 2025-2027.

Trong khi đó, TPS đã kết hợp phương pháp DCF và P/S để đưa ra giá mục tiêu FRT là 119.500 đồng/cp, upside 26,5% so với giá đóng cửa 17/10/2023, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuỗi Long Châu, FRT đã có động thái nhảy vào “miếng bánh” vaccine tiêm chủng, đã giúp cổ phiếu FRT leo lên mức giá cao nhất của năm trong tuần trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung giảm mạnh, cổ phiếu FRT cũng đã rung lắc và điều chỉnh nhẹ ở vùng đỉnh vừa xác lập. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT giảm 2.700 đồng (-2,77%) từ mức 97.400 đồng/CP xuống 94.700 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG

Sử dụng phương pháp định giá P/E so với các doanh nghiệp xây dựng cùng lĩnh vực, và P/B so với các doanh nghiệp BDS, tính toán giá hợp lý là 33.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá là 42%.

Mặc dù VCG đã có pha “quay xe” ấn tượng với mức tăng sát trần khi đóng cửa phiên 20/10, nhưng không đủ để giúp cổ phiếu này thoát khỏi tuần giảm sâu trước áp lực bán khá mạnh trong những phiên còn lại, thậm chí phiên 17/10 đã giảm kịch sàn. Theo đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCG giảm 2.650 đồng (-10,35%) từ mức 25.600 đồng/CP xuống 22.950 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu QNS

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS với giá mục tiêu 1 năm là 65.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi sẽ cập nhật các ước tính chi tiết trong báo cáo đầy đủ sắp tới.

Không được như kỳ vọng của SSI, cổ phiếu QNS đã không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm trong tuần lao dốc của thị trường và cũng là tuần đảo chiều giảm sau 2 tuần đầu tháng 10 khởi sắc. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng ngày 20/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QNS giảm 2.400 đồng (-4,84%) từ mức 49.600 đồng/CP xuống 47.200 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

Chúng tôi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF và cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu VRE là 39.400 đồng/CP Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE, mức tăng trưởng là 45% so với giá đóng cửa ngày 12/10/2023.

Mặc dù cũng trong xu hướng điều chỉnh giảm, nhưng diễn biến cổ phiếu VRE tuần qua không quá tiêu cực như thị trường chung. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE giảm nhẹ 750 đồng (-2,74%) từ mức 27.350 đồng/CP xuống 26.600 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

D/A và D/E lần lượt đạt 0,38 lần và 0,19 lần vào cuối quý II/2023 – là một trong những công ty bất động sản trên sàn có đòn bẩy tài chính lành mạnh nhất. Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 40.500 đồng/CP.

Bất ngờ với báo cáo tài chính quý III/2023 khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 66,3 tỷ đồng, gấp tới 8 lần so với cùng kỳ, nhờ khoản 80,7 tỷ đồng tiền thuế TNDN hoãn lại, nhưng diễn biến cổ phiếu NLG tuần qua cũng không thoát khỏi xu hướng giảm. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng sát trần ngày cuối tuần 20/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG giảm 950 đồng (-2,73%) từ mức 34.800 đồng/CP xuống 33.850 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HT1

Với mức giá 13.950 đồng/cổ phiếu, HT1 đang giao dịch ở mức P/E 2024 là 27x và EV/EBITDA 2024 là 7x. Chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu HT1 lên 12.600 đồng/cp (từ 12.000 đồng/cp) khi chúng tôi chuyển cơ sở định giá sang năm 2024 và duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu do nhu cầu xi măng có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa đầu năm 2024 (và có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024).

Một trong những thông tin đáng chú ý tại Hà Tiên 1 tuần qua là ngày 8/11 tới đây Công ty sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung giảm sâu, cổ phiếu HT1 đã có tuần giao dịch khá ảm đạm. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày 20/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HT1 giảm 1.400 đồng (-10,14%) từ mức 13.800 đồng/CP xuống 12.400 đồng/CP.

Tin bài liên quan