Điện Gia Lai (GEG): Lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng, tăng trưởng 10%

Điện Gia Lai (GEG): Lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng, tăng trưởng 10%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã CK: GEG) cho biết, lợi nhuận trước thuế và sau thuế cả năm 2022 đạt 407 tỷ đồng và 371 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 14% so với năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, doanh thu GEG đạt gần 496 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng tương đối mạnh, đạt 275 tỷ đồng, chênh lệch 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ, lãi gộp của doanh nghiệp chỉ tăng 1%, đạt 220,7 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 49% xuống còn hơn 45%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt gần 24 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng 18%, lên 178 tỷ đồng. Khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm nhẹ còn 11,3 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15% lên hơn 47 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần của GEG đạt 30,5 tỷ đồng, giảm 35%.

GEG ghi nhận khoản lỗ khác 9,1 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 92 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 chưa tới 1/5 kết quả của cùng kỳ. Nguyên nhân theo GEG là do quý 4IV/2021, doanh nghiệp ghi nhận khoản thu nhập 97 tỷ đồng từ việc thanh lý nhượng bán tài sản cố định từ thương vụ chuyển nhượng nhà máy Ayun Hạ; trong khi quý IV/2022, khoản thu này không còn nữa, cộng thêm chi phí tài chính tăng gần 27 tỷ đồng do nợ vay tăng lên khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Tính tới thời điểm hiện tại, GEC đang vận hành và xây dựng 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và Điện Gió tại 14 tỉnh thành với tổng công suất gần 750 MWp.

Năm 2022 đánh dấu kế hoạch sản lượng điện gió và mặt trời bám sát kế hoạch, nếu không tính các tác động từ việc điều độ công suất. Tuy nhiên, khoản này được bù đắp phần nào bởi sản lượng thủy điện tốt hơn so với kế hoạch do năm 2022 là một năm tình hình thủy văn thuận lợi.

Theo đó, 12 nhà máy thủy điện - 81 MW tại các khu vực Gia Lai, Lâm Đồng và Huế cũng đã vượt 24% kế hoạch Sản lượng và 16% kế hoạch doanh thu, ghi nhận 358 triệu kWh sản lượng điện và 391 tỷ đồng doanh thu bán điện, lần lượt chiếm 34% sản lượng và 21% doanh thu bán điện của toàn hệ thống. So với cùng kỳ, thủy điện đánh dấu sự tăng trưởng 9% về sản lượng và 7% doanh thu.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận 2.093 tỷ đồng, và lợi nhuận gộp đạt 1.011 tỷ đồng, tăng 32%. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 48%, cao hơn mức 39% của trung bình ngành.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần duy trì ở mức 8% do Công ty đã thực hiện tốt việc kiểm soát chi phí trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá tăng mạnh bắt đầu từ quý 3/2022 duy trì đến hiện nay.

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cả năm đạt 407 tỷ đồng và 371 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 14% cùng kỳ, đồng thời vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế phấn đấu được Đại hội thông qua vào tháng 4/2022.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của GEC đạt 17.118 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm, đến từ sự tăng trưởng của tài sản dở dang dài hạn do Công ty tiến đến hoàn tất xây dựng Nhà máy Điện Gió gần bờ Tân Phú Đông 1 - 100 MW, thuộc chuỗi dự án Tân Phú Đông 150 MW tại Tiền Giang.

Đầu tư tài chính ngắn hạn cũng ghi nhận mức tăng trưởng do GEC thực hiện gia tăng tiền gửi ngắn hạn, vừa đảm bảo yêu cầu ký quỹ tài khoản dự phòng theo điều khoản phê duyệt tín dụng các dự án của ngân hàng, vừa đảm bảo khả năng thanh toán của Công ty.

Tổng nợ vay tính đến cuối năm 2022 là 9.927 tỷ đồng, chiếm 58% tổng nguồn vốn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn trong chiến lược mở rộng danh mục Năng lượng tái tạo của GEC. Xét về cơ cấu nợ vay, các khoản nợ vay dài hạn chiếm tỷ trọng cao với 93%.

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay đạt 1,7 lần và duy trì lớn hơn 1,5 lần trong 10 năm trở lại đây cho thấy Công ty vẫn đảm bảo khả năng thanh toán lãi vay.

Sau 1,5 năm thực hiện đàm phán, tháng 12/2022, GEC đã hoàn tất phát hành 64,2 triệu Cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi riêng lẻ cho DEG - Ngân hàng thuộc Chính phủ Đức với giá trị 642 tỷ đồng (28 triệu USD) đưa vốn chủ sở hữu tăng lên 51% so với đầu năm, đạt 5.630 tỷ đồng. Vốn điều lệ cũng tăng 27%, đạt 3.861 tỷ đồng đã giúp cải thiện đáng kể các chỉ số tài chính đòn cân nợ của GEC.

Điện Gia Lai dự kiến sở hữu 49,99% vốn điều lệ của CTCP Năng lượng SOLWIND. Theo đó, Chủ tịch HĐQT CTCP GEC vừa công bố quyết định thành lập CTCP Năng lượng SOLWIND với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, tương đương với 10 triệu cổ phần.

Cụ thể, GEG sở hữu 49,99% vốn điều lệ của Năng lượng SOLWIND, tương đương 49,99 tỷ đồng. Trụ sở công ty dự kiến tại số 253, đường Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM.

Tại ngày 30/9/2022, GEG có 14 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp điện, năng lượng. Song, vào tháng 12/2022, công ty quyết định giải thể công ty TNHH MTV Xây lắp và Cơ điện Gia Lai (GCC). Công ty này chuyên về xây lắp, cơ điện.

Tin bài liên quan