Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, sửa Luật Công an nhân dân trong một kỳ họp

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Nội dung này đã được xem xét tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại một kỳ họp.

Dự án luật này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 với một số điểm mới đáng chú ý như quy định sĩ quan công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Đồng thời bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân công an.

Được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) còn có Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách, khắc phục những bất cập hiện hành trong lĩnh vực này.

Một, hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Hai, hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân.

Ba, hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Năm là quy định về xử lý nợ xấu và sáu là quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Được giao chủ trì thẩm tra dự án luật này, ngày 21/3 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội thảo, nghe ý kiến chuyên gia với nhiều khuyến nghị hoàn thiện chính sách để đối phó với căng thẳng hoặc phá sản ngân hàng.

Theo các chuyên gia của WB thì hiện nay cả Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng của Việt Nam đều có khoảng trống về vấn đề trên là đây là cơ hội để lấp dần khoảng trống đó, theo thông lệ tốt của quốc tế và phù hợp với Việt Nam.

Tin bài liên quan