Khối lượng công việc lớn đã bào mòn sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động. Ảnh: Rudolf Simon

Khối lượng công việc lớn đã bào mòn sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động. Ảnh: Rudolf Simon

Điều gì khiến người trẻ Trung Quốc bỏ việc ở tuổi 21?

0:00 / 0:00
0:00
Không thể chịu đựng áp lực của guồng quay công việc, nhiều người trẻ tại Trung Quốc đã từ bỏ khát vọng đổi đời nơi phố thị để chuyển về quê sinh sống.

Kiệt quệ vì áp lực công việc

Theo CNN, anh Liu Youwen đang có một cuộc sống dung dị trên một ngọn đồi tại tỉnh Quý Châu. Tuy nhiên, cách đây 3 năm trước, khung cảnh bình yên hiện tại chỉ là một giấc mơ xa xỉ của cậu thanh niên 21 tuổi.

Vào năm 2020, anh Liu đã rời quê hương của mình để chuyển đến thành phố Sán Đầu ở Quảng Đông, tỉnh đông dân và giàu nhất Trung Quốc. Câu chuyện về những thế hệ người trẻ lên phố lập nghiệp đã kéo dài cả thập kỷ tại xứ tỷ dân. Đây là nguồn nhân lực lớn thúc đẩy sự tăng trưởng của các siêu đô thị.

Tuy nhiên, do anh Liu mới chỉ hoàn thành bậc giáo dục tiểu học nên quá trình xin việc hết sức khó khăn. Trước khi trở thành một nhân viên của xưởng may, anh đã bị nhiều công ty từ chối thẳng thừng vì không có bằng cấp. Dẫu vậy, kể cả khi đã có việc làm, niềm vui vẫn chưa thể xuất hiện trên gương mặt của anh Liu.

“Ở nhà máy, tôi thường làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối. Tôi không còn thời gian dành cho bản thân”, anh Liu nhớ về những ngày tháng làm việc tại xưởng may.

Vỡ mộng trước sự hối hả của cuộc sống thành thị, vào cuối năm 2022, anh Liu quyết định từ bỏ tất cả và quay trở lại quê hương của mình tại Quý Châu. Gia đình của anh Liu đã phản đối hành động này và nói anh là người thiếu ý chí, nghị lực. Tuy nhiên, điều đó không cản bước anh tìm về chốn thôn quê quen thuộc.

Không chỉ anh Liu, nhiều người trẻ Trung Quốc cũng đang cảm thấy ngột ngạt trước áp lực của thị trường lao động. Cùng với khoảng thời gian chịu sự siết chặt của chính sách Zero-Covid, không ít người đang có thái độ buông xuôi tất cả.

Theo số liệu tháng 6/2023 của Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này ở mức cao kỷ lục, lên tới 21,3%. Số liệu các tháng sau đó đã bị ngừng công bố.

Giữa bối cảnh trên, Trung Quốc đã khuyến khích những thanh niên thất nghiệp về nông thôn tìm kiếm cơ hội việc làm. Trước đó, vào tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi giới trẻ thành phố tìm việc tại khu vực vùng sâu vùng xa nhằm "hồi sinh kinh tế nông thôn".

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã lên kế hoạch để đưa 300.000 thanh niên thất nghiệp về nông thôn tìm việc. Đồng thời, giới truyền thông Trung Quốc cũng liên tục đăng tải những bài viết nhằm thay đổi quan điểm của giới trẻ về những công việc chân tay.

Về quê làm người nổi tiếng

Quay trở lại với câu chuyện của anh Liu. Không chấp nhận công việc đồng áng hoặc trở thành một công nhân cổ cồn xanh, chàng trai trẻ đang từng bước kiếm tiền nhờ mạng xã hội.

Lấy cảm hứng từ Li Ziqi, một kênh YouTube với chủ đề cuộc sống thôn quê có hơn 18 triệu người đăng ký, anh Liu đã đăng tải những hình ảnh sinh hoạt thường ngày lên mạng. Sau khoảng 4 tháng thực hiện, kênh của anh đã thu về 350.000 lượt thích.

Căn nhà của anh Liu nằm trên một ngọn đồi tại tỉnh Quý Châu. Ảnh: Liu Youwen

Căn nhà của anh Liu nằm trên một ngọn đồi tại tỉnh Quý Châu. Ảnh: Liu Youwen

Các video của anh Liu thường có nội dung tương đối mộc mạc, chẳng hạn như việc xây chuồng lợn, trồng trọt hoặc những khoảnh khắc vui đời bên các chú chó. Tất cả video trên đều được anh Liu sản xuất từ một chiếc điện thoại, cùng một chiếc giá đỡ là phụ kiện.

Để có thu nhập, anh Liu đã nhận các hợp đồng quảng cáo và bán hàng online. Những sản phẩm như kem dưỡng da, sữa rửa mặt, mỳ tôm… đã giúp anh kiếm được một khoản thu nhập nhỏ để cải thiện điều kiện sống của mình.

Anh Liu không đơn độc trong hành trình trở thành một KOL (người có sức ảnh hưởng) tại vùng nông thôn. Chẳng hạn với kênh YouTube của Dianxi Xiaoge, cô gái này đã có hơn 10 triệu người đăng ký nhờ những video dạy nấu ăn từ các vật phẩm tại thôn quê.

Ngoài ra, các kênh như Xiao Chun Zi và Xin Xin's Rural Life cũng đăng tải những nội dung tương tự anh Liu và họ đều có điểm chung là thuộc thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1995 đến năm 2012).

Một số ý kiến cho rằng đây là nhóm những bạn trẻ có lối sống “tang ping” (nằm thẳng). Cụm từ này bắt đầu phổ biến tại Trung Quốc vào năm 2021. Thay vì chăm chỉ làm việc và phấn đấu hết mình vì sự nghiệp, những người theo lối sống “tang ping” sẽ theo đuổi một cuộc sống giản đơn và phó mặc cho dòng đời xô đẩy.

Tin bài liên quan