Hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang đóng vai trò là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế.

Hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang đóng vai trò là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế.

Điều hành chính sách tài chính - tiền tệ: Thông tin tạo đồng thuận và kết nối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỗi động thái điều hành chính sách tài chính - tiền tệ đều có tác động đến toàn bộ các thành phần kinh tế. Do đó, minh bạch thông tin, đẩy mạnh truyền thông sẽ góp phần đạt được những mục tiêu lớn của nền kinh tế.

Chủ động để tạo sự đồng thuận…

Điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng tại các tổ chức tín dụng vốn là câu chuyện nóng trong hệ thống ngân hàng bởi liên quan mật thiết đến lợi nhuận của hệ thống, nhưng câu chuyện này trở nên nóng hơn trong những tháng qua.

Nguyên nhân đã được các chuyên gia phân tích chỉ rõ là nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm nên nhu cầu về vốn dồn sang phía ngân hàng. Đặc biệt, kế hoạch giải ngân đầu tư công rất lớn, bình quân gấp rưỡi so với các nhiệm kỳ trước, nhưng tiến độ giải ngân chậm dẫn đến doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau…, khiến tín dụng ngân hàng càng thêm nóng.

Được biết, các tiêu chí chính sách phân bổ chỉ tiêu room tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước công bố ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01 của Thống đốc. Các tiêu chí được Kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, đánh giá, thể hiện rõ nguyên tắc công khai, minh bạch.

Điều này còn thể hiện trên thực tế thị trường khi nhìn lại quá trình triển khai biện pháp phân bổ room tín dụng từ năm 2011 đến nay, chỉ tiêu cho toàn hệ thống giảm mạnh từ 30%/năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12 - 14%/năm những năm gần đây.

Sự ổn định của thị trường tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Áp lực lạm phát tăng cao khiến hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Trên thế giới, áp lực lạm phát tăng cao, hầu hết các ngân hàng trung ương phải đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất, gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, năm 2022, để kịp thời thông báo room tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã căn cứ các kết quả xếp hạng năm 2020 của từng tổ chức tín dụng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Đây là kết quả xếp hạng mới nhất tại thời điểm phân bổ room tín dụng đầu năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một số chỉ tiêu để cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh tăng hoặc giảm room tín dụng đối với từng tổ chức trong quá trình phân bổ như tiêu chí tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém…

“Đến đầu tháng 9, ngay sau khi có kết quả xếp hạng mới nhất của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các tổ chức tín dụng theo kết quả xếp hạng chính thức năm 2021, đồng thời nắm bắt nhu cầu tăng trưởng tín dụng căn cứ vào diễn biến thị trường”, ông Dũng nói.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB đồng tình với các định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng năm 2022 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị 01 ngay từ đầu năm. Trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành quanh mức 14% là hợp lý, có tác dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

“Việc áp dụng chỉ tiêu hạn mức tín dụng có tiêu chí tham gia xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ cho các ngân hàng có thêm nguồn lực”, ông Vũ nhận xét.

Thực tế cho thấy, chủ động công bố và minh bạch thông tin đã giúp nhà điều hành và các thành viên trên thị trường nhanh chóng tìm được sự đồng thuận. Thậm chí, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đang được sự quan tâm lớn của dư luận, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, chuyên gia, báo chí...

Vấn đề đặt ra đối với Ngân hàng Nhà nước là phải giải bài toán tổng thể, bởi chính sách điều hành không chỉ ngắn hạn, mà cần phải căn cơ, dài hạn, bài bản, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định tỷ giá, lãi suất…

“Tập trung truyền thông, đây là công việc của cả ngành và Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm đầu mối để dư luận hiểu về việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung điều hành tín dụng nói riêng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần chú ý giải thích để người dân và doanh nghiệp hiểu”, Thống đốc nói.

… Và sự kết nối

Nhu cầu vốn của nền kinh tế không chỉ là vốn ngắn hạn, mà cả vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng chỉ cung ứng được vốn ngắn hạn, còn vốn trung và dài hạn phải phụ thuộc vào thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Ở các nước có thị trường tài chính phát triển, có nhiều lựa chọn về nguồn cung vốn, khi tín dụng thắt chặt có thể xoay sang các thị trường tài chính, thậm chí có mối liên hệ giữa thị trường tài chính và thị trường tín dụng. Còn ở Việt Nam, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang đóng vai trò là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế, nên việc Ngân hàng Nhà nước được giao trọng trách kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được nhận định là phù hợp.

Với trọng trách được giao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải “xoay xở” trong điều kiện hiện có và điều hành chỉ tiêu tín dụng được nhận định là một trong những biện pháp để đảm bảo an toàn cũng như thúc đẩy sự phát triển của hệ thống và nền kinh tế.

Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam nhận định, chính sách tiền tệ vẫn cần phải cẩn trọng, duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, trao đổi kỹ lưỡng, hành động nhất quán.

Vị đại diện trên khuyến nghị: “Chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ chính sách tiền tệ và phục hồi kinh tế nên cần được triển khai với vai trò mạnh mẽ hơn, nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn, trên diện rộng hơn để không đi ngược lại chính sách tiền tệ”.

Ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn. Trong ngắn hạn, các gói hỗ trợ kinh tế tăng trưởng phải được sử dụng hiệu quả, hạn chế tác động tiêu cực của lạm phát.

“Kiểm soát được lạm phát, hiệu quả và tăng trưởng kinh tế vẫn nằm ở dưới mức tiềm năng, dù tiếp tục đối mặt với rủi ro lạm phát. Trường hợp lạm phát lên trên 4% có thể phải thắt chặt lãi suất. Những quyết định về chính sách tài chính, tiền tệ có thể hướng dẫn những hành vi của thị trường”, ông Andrea Coppla nói.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về 1 trong 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tập trung triển khai thực hiện đó là: “Đẩy mạnh thông tin truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…”.

Tin bài liên quan