Điều kiện để Hàn Quốc lọt top cường quốc kinh tế G5 vào năm 2035

0:00 / 0:00
0:00
Giới chuyên gia đã chỉ ra rằng khả năng Hàn Quốc gia nhập nhóm cường quốc kinh tế G5 vào năm 2035 không phải là một hy vọng mơ hồ và hoàn toàn có tính khả thi.
Cảng hàng hóa ở thành phố Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảng hàng hóa ở thành phố Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh thế giới phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng phức tạp chưa từng có do đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị gây ra, năm mới 2023 được kỳ vọng sẽ là năm bước ngoặt quyết định việc Hàn Quốc có lọt vào nhóm 5 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (G5) hay không.

Giới phân tích cho rằng nếu đổi mới thành công bộ khung lỗi thời đang làm xói mòn năng lực cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc như thuế, chính trị, lao động, giáo dục và hành chính, Hàn Quốc có thể vươn lên ngang hàng với các cường quốc kinh tế G5 hiện nay như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.

Tuy nhiên, nếu không ý thức được việc kiểm soát khủng hoảng xung đột và chia rẽ chính trị-xã hội đang ngày càng gia tăng, chậm đổi mới thể chế phù hợp với kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hàn Quốc có thể vĩnh viễn rơi khỏi ngưỡng cửa gia nhập G5.

Báo Maekyung, nhật báo kinh tế lớn của Hàn Quốc, ngày 1/1 đã ủy quyền cho Mono Research thực hiện một cuộc khảo sát đối với 1.000 người trưởng thành trên toàn quốc về nhận thức của công chúng về bước nhảy vọt gia nhập G5 của Xứ Kim chi. Theo đó, cứ 10 người dân thì có 7 người nhận thức tích cực về khả năng này.

Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy có tới 86,6% số người được hỏi trả lời rằng thời điểm để Hàn Quốc thực hiện bước nhảy vọt vào G5 là “trong vòng 10 năm.”

Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, thời điểm của bước nhảy vọt vào G5 của nước này dự kiến sẽ là năm 2035 khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có khả năng vượt qua Pháp và sau đó vượt qua Nhật Bản vào năm 2039.

Để có thể thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc phải đáp ứng các điều kiện cải thiện tốc độ tăng trưởng năng suất, hiện ở mức khoảng 1%/năm, lên mức 3,6% của Đài Loan (Trung Quốc) trong vòng 10 năm tới.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hàn Quốc và dân số tham gia hoạt động kinh tế cũng phải tăng lên mức trung bình của G5.

Giới chuyên gia đã chỉ ra rằng việc Hàn Quốc gia nhập nhóm cường quốc kinh tế G5 không phải là một hy vọng mơ hồ và hoàn toàn có tính khả thi.

Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất đối với Hàn Quốc hiện nay là nhanh chóng loại bỏ các khuôn khổ cũ đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh quốc gia và thiết lập một hệ thống chính sách đổi mới để bắt kịp mục tiêu trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu.

Kết quả khảo sát cho thấy đa số người dân cho rằng chính trị và thị trường lao động là những ưu tiên hàng đầu cần tập trung cải cách của Hàn Quốc.

Ông Lee In-ho, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia, cho rằng sự cứng nhắc của thị trường lao động cần được giải quyết để tạo ra một môi trường lao động linh hoạt, trong đó các công ty tư nhân có thể phát huy khả năng cạnh tranh của mình.

Nếu khu vực tư nhân phát huy được sự sáng tạo thông qua đổi mới quy định và thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp siêu lớn, thì Hàn Quốc có thể bước vào ngưỡng cửa của G5 trong vòng 10 năm tới.

GDP của Hàn Quốc từng đứng thứ 30 thế giới khi Mỹ và các nước phát triển khác lần đầu thành lập G5 vào năm 1974 để vượt qua cú sốc dầu mỏ, nay nước này đã vươn lên vị trí thứ 10 thế giới.

Vào năm 2019, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới đạt tổng thu nhập quốc dân (GNI) 30.000 USD với quy mô dân số 50 triệu người, chính thức tham gia cái gọi là “Câu lạc bộ 5030.”

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) từ năm 2021 đã xếp Hàn Quốc vào nhóm các quốc gia phát triển trên thế giới.

Tin bài liên quan