Điều mong nhất là rút ngắn thời gian thanh toán

Điều mong nhất là rút ngắn thời gian thanh toán

(ĐTCK-online) Dù đã cởi trói nhiều bó buộc về quy định giao dịch chứng khoán, nhưng Thông tư 74/2011/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/8/2011) khó có thể tạo nên bước tiến mới về thanh khoản trên TTCK vì nhiều lý do. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Mai Hữu Đạt, Phó tổng giám đốc CTCK VNDirect về văn bản mới này.

Thông tư 74 đã cởi trói nhiều quy định trên TTCK, nhưng điều NĐT chờ đợi nhất là giảm thời gian thanh toán T+3 để họ có thể quay vòng vốn đầu tư nhanh hơn. Ông có đồng tình với quan điểm này không và theo ông, làm thế nào để thực hiện được quy định này?

Ông Mai Hữu Đạt

Ông Mai Hữu Đạt

Tôi tham gia TTCK từ khi thị trường thành lập đến nay và cũng làm nhiều công việc khác nhau trong lĩnh vực này, nhưng không chỉ dưới góc độ là một NĐT, đứng từ góc độ nào thì tôi cũng thấy rằng, việc rút ngắn thời gian thanh toán là một trong những điều được mong đợi nhất.

Để có thể thực hiện được việc này, tôi cho rằng, cần phải có sự nâng cấp đồng bộ về cả hệ thống và con người. Về hệ thống, cần nâng cấp hệ thống công nghệ tin học để có thể rút ngắn thời gian bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa hệ thống quy định, quy trình liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán các giao dịch chứng khoán. Trong đó, hệ thống quy định là điểm cơ sở, vì nó quy định cấu trúc và mô hình vận hành. Hệ thống quy trình là điểm cơ bản, vì nó là cầu nối giữa con người với hệ thống công nghệ; giữa đơn vị này với đơn vị khác; giữa cơ quan này với cơ quan khác.

 

Thông tư 74 cho phép NĐT mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK và mua bán cùng phiên cùng loại cổ phiếu. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn Thông tư 74 lại yêu cầu CTCK giám sát các lệnh đối ứng của NĐT để không dẫn đến tình trạng các lệnh đối ứng của cùng NĐT khớp với nhau. Việc giám sát này tại CTCK có khả thi không, thưa ông?

Theo quy định tại Thông tư 74 (Khoản 1.c Điều 8) thì CTCK chỉ phải kiểm tra tính hợp lệ của lệnh giao dịch chứng khoán của NĐT. Tại công văn hướng dẫn thì lại yêu cầu CTCK giám sát việc đặt lệnh mua, bán cùng phiên của NĐT. Theo tôi, nội dung này tại công văn hướng dẫn là không hợp lý bởi 2 lý do. Thứ nhất, Công văn này hướng dẫn Thông tư 74, do đó phạm vi hướng dẫn của Công văn không nên vượt quá phạm vi Thông tư 74. Thứ hai, thực tế, việc thực hiện giao dịch là công việc của NĐT, theo nguyên tắc NĐT sẽ phải tự ý thức được giới hạn mình được phép thực hiện giao dịch. Nếu hệ thống quản lý giao dịch (mà quan trọng nhất là phần mềm giao dịch) của CTCK kiểm soát và ngăn chặn được việc nhập lệnh, trong khi lệnh ngược chiều đang tồn tại, thì có thể đảm bảo kiểm soát được. Còn nếu hệ thống quản lý giao dịch của CTCK không đáp ứng được, thì việc đặt lệnh giao dịch hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát hành vi của NĐT. Liệu CTCK có kiểm soát được toàn bộ các giao dịch của NĐT hay không? Đó là một câu hỏi lớn. Nếu kiểm soát được và phát hiện khả năng vi phạm của NĐT thì có quyền ngăn chặn hành vi đó của NĐT hay không? Nếu có thì cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn này của CTCK được quy định ở đâu?

 

Giả sử cùng 1 NĐT đặt mua 10.000 CP X tại CTCK A và đặt bán cũng 10.000 CP X tại CTCK B thì có bị phạm luật không, thưa ông?

Theo tôi hiểu, trong một ngày giao dịch, NĐT chỉ được sử dụng một tài khoản tại một CTCK duy nhất để thực hiện lệnh mua/bán cùng một loại chứng khoán. Do đó, trường hợp ví dụ bạn đưa ra là không được phép thực hiện. Tuy nhiên, có một sự không mạch lạc trong cách sử dụng ngôn từ trình bày nội dung này tại Khoản 1.a Điều 8 Thông tư 74, cũng như trong Mục 5.1 Công văn hướng dẫn. Theo tôi, nếu Khoản 1.a Điều 8 Thông tư 74 có nội dung là: "Sử dụng một tài khoản giao dịch chứng khoán tại một CTCK duy nhất để thực hiện cả lệnh mua và bán", thì nội dung này không cần phải hướng dẫn và ví dụ thêm tại Công văn hướng dẫn. 

 

Vấn đề được bàn luận nhiều nhất là quy định về margin. Trong công văn của UBCK nói sẽ hướng dẫn sau vấn đề này. Là người trong nghề, ông có góp ý gì về quy định này?

Dưới góc độ cá nhân, tôi có một số góp ý đối với việc xây dựng quy chế về giao dịch ký quỹ. Thứ nhất, cần quy định rõ ràng, hợp lý và đầy đủ, vì đây là nghiệp vụ mới đối với lĩnh vực chứng khoán.

Thứ hai, việc cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ nhằm làm tăng tính thanh khoản, hỗ trợ TTCK thực hiện tốt hơn vai trò của mình. Do đó, cần cân đối và đưa ra tỷ lệ cho vay ký quỹ hợp lý, tránh biến các CTCK thành các ngân hàng thương mại.

Thứ ba, cần xác định rõ từng loại chứng khoán được/không được thực hiện giao dịch ký quỹ cho phù hợp với bản chất của hoạt động này. Ví dụ: chỉ cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ với các chứng khoán vốn (như cổ phiếu), không nên cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ đối với chứng khoán nợ (như trái phiếu).

Thứ tư, cần thiết phải có chế tài xử lý vi phạm và cần có một cơ quan có chức năng trung gian hòa giải và phân xử các tranh chấp phát sinh từ hoạt động giao dịch ký quỹ.