Định rõ cơ chế phá sản CTCK, công ty QLQ

Định rõ cơ chế phá sản CTCK, công ty QLQ

(ĐTCK) Lần đầu tiên, cơ chế phá sản công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (QLQ) được định hình trong dự thảo Luật Phá sản sửa đổi trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây.

Dù đã tính đến yếu tố đặc thù hoạt động của các tổ chức này, nhưng Dự thảo vẫn bộc lộ một số điểm chưa hợp lý.

UBCK không nộp đơn phá sản

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 21 đang diễn ra, ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Dự án Luật Phá sản sửa đổi, do Tòa án Nhân dân Tối cao trình. Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là lần đầu tiên định ra cơ chế phá sản áp dụng đối với khối CTCK, công ty QLQ.

Dự thảo bổ sung một điều mới so với Luật Phá sản hiện hành, đó là quy định về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của DN kinh doanh chứng khoán. Theo đó, các CTCK, công ty QLQ phải làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản chấm dứt tình trạng kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn lâm vào tình trạng phá sản... Nội dung này được hoàn chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, UBCK, bởi trong các lần dự thảo trước, Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất UBCK là cơ quan có thẩm quyền nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản đối với CTCK, công ty QLQ.

Việc đặt ra thẩm quyền trên cho UBCK, theo Bộ Tài chính và UBCK là không hợp lý, bởi vai trò quản lý nhà nước của UBCK đã được quy định trong pháp luật chứng khoán theo hướng chỉ hạn chế trong hoạt động cấp phép, quản lý giám sát hoạt động, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, NĐT. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chủ nợ, chủ sở hữu (cổ đông, thành viên góp vốn) của các tổ chức kinh doanh chứng khoán trước hết thuộc về chính các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan này. Việc UBCK chủ động nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản, rất có thể không góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan như: chủ nợ, cổ đông, thành viên góp vốn…, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho cơ quan quản lý nhà nước khi can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Hơn nữa, từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không quốc gia nào cho phép cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản DN...

 

Tài sản của NĐT gặp rủi ro

Một nội dung đáng chú ý nữa là trên cơ sở tính đến yếu tố đặc thù trong hoạt động của CTCK, công ty QLQ, Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi định ra cơ chế phân định rõ đâu là tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán, đâu là của khách hàng, NĐT. Theo đó, trong trường hợp DN lâm vào tình trạng phá sản là tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, các tài sản sau không được coi là tài sản của DN: tài sản ủy thác của khách hàng trong nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí, chương trình hưu trí tự nguyện, bổ sung; tài sản nhận gửi giữ hộ của khách hàng.

Quy định như trên là hợp lý, bởi về bản chất đây là những tài sản thuộc về khách hàng, NĐT mà CTCK, công ty QLQ chỉ đứng ra cung cấp dịch vụ quản lý, hoàn toàn không thuộc sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, quy định về thứ tự phân chia tài sản khi tổ chức kinh doanh chứng khoán phá sản như Dự thảo, theo nhiều ý kiến, là không hợp lý. Cụ thể, Dự thảo quy định, trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản tổ chức kinh doanh chứng khoán, việc phân chia giá trị tài sản được thực hiện theo thứ tự: phí phá sản; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội; các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh của DN; người gửi tiền, tài sản của khách hàng mở tài khoản giao dịch, tài khoản lưu ký tại tổ chức kinh doanh chứng khoán, thành viên lưu ký và không vướng nghĩa vụ phải trả với các tổ chức này trong trường hợp DN phá sản là tổ chức kinh doanh chứng khoán, thành viên lưu ký…

Với quy định trên, sẽ là rủi ro với tài sản của NĐT khi CTCK, công ty QLQ phá sản, bởi sau khi các tổ chức này thanh toán rất nhiều khoản phải trả, nếu còn tài sản thì NĐT mới được thanh toán…

UBCK cho rằng, theo nguyên tắc số 32 của Các tổ chức UBCK quốc tế (IOSCO), việc xử lý tài sản của các tổ chức kinh doanh chứng khoán phá sản phải bảo đảm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, khách hàng của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Về nguyên tắc, NĐT không tham gia kinh doanh hưởng lợi từ hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán, không phải là các chủ nợ, chủ sở hữu của các tổ chức này. Các tài sản mà NĐT, khách hàng đặt tại các tổ chức này không phải là tài sản của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, mà chỉ là tài sản được nhận giữ hộ. Do đó, mọi lợi ích của  NĐT phải được bảo đảm triệt để. Bởi vậy, Dự thảo cần sửa đổi theo hướng, các khoản tiền nhận đặt cọc, các khoản tiền gửi trong giao dịch chứng khoán, chứng khoán trên tài khoản lưu ký của khách hàng tại CTCK phải được ưu tiên thanh toán trước mọi đối tượng có quyền lợi liên quan như nhân viên của tổ chức kinh doanh chứng khoán, các chủ nợ...

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Phá sản sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2013 và sẽ được xem xét thông qua trong năm tới.

 

Theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCK, công ty QLQ phải có danh sách người mở tài khoản giao dịch và tài khoản lưu ký chứng khoán, kèm theo số dư tiền và chứng khoán, nghĩa vụ nợ phải trả tổ chức kinh doanh chứng khoán (nếu có) theo từng tài khoản; số tài khoản và ngân hàng mở tài khoản do CTCK đứng tên để nhận tiền gửi giao dịch chứng khoán.