Doanh nghiệp nhà nước và hộ kinh doanh đang có chung một mối quan tâm lớn. Đó là khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động của các hình thức kinh doanh này sẽ như thế nào.

Doanh nghiệp nhà nước và hộ kinh doanh đang có chung một mối quan tâm lớn. Đó là khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động của các hình thức kinh doanh này sẽ như thế nào.

Định rõ địa vị pháp lý của doanh nghiệp nhà nước và hộ kinh doanh

Vào thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước và hộ kinh doanh đang có chung một mối quan tâm lớn. Đó là khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các hình thức kinh doanh này sẽ như thế nào sau các cuộc bàn thảo của đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan trong Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Dự án đang đặt ra hai phương án cần được các đại biểu Quốc hội quyết định.

Một là, bổ sung quy định về hộ kinh doanh trên nguyên tắc không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay, không phát sinh thủ tục hành chính.

Hai là, phân định doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có tổ chức quản trị và quản lý nhà nước phù hợp, tương ứng với số vốn Nhà nước nắm giữ.

Câu trả lời chắc chắn sẽ tác động không chỉ tới hai khu vực tưởng như không có nhiều sự tương đồng trên, mà tới cả nền kinh tế những năm tới.

Xét về số lượng, hộ kinh doanh ở Việt Nam đang nắm giữ ngôi vị hàng đầu, với 5 triệu hộ, trong đó khoảng 2 triệu hộ có đăng ký. Ở cuối bảng, nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn có khoảng 505 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn khoảng 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Xét về tổng giá trị tài sản, thì thứ hạng lại trái ngược. Khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đang nắm giữ 3.715.187 tỷ đồng tổng giá trị tài sản (tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018), hoạt động trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Thế nhưng, khu vực hộ kinh doanh lại đang đóng góp hơn 30% GDP của nền kinh tế, cao hơn mức đóng góp bình quân 27-28% GDP/năm trong giai đoạn 2011-2020 của khu vực kinh tế nhà nước.

Thế nhưng, cả hai khu vực này có một điểm khá chung. Đó là đang bị đặt rất nhiều dấu hỏi về hiệu quả hoạt động, khả năng lớn mạnh hơn, cũng như địa vị pháp lý trong nền kinh tế. Thậm chí, tuy đang trong giai đoạn rốt ráo cơ cấu lại, đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng hình ảnh của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thoát khỏi cái bóng đầy ám ảnh của các dự án thua lỗ kéo dài, các vụ án tham nhũng ngàn tỷ...

Về bản chất, doanh nghiệp nhà nước hay hộ kinh doanh là các hình thức tổ chức kinh doanh, nghĩa là cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, phù hợp với đặc thù để thúc đấy hoạt động sao cho hiệu quả, khuyến khích sự sáng tạo của các loại hình kinh doanh này.

Trên thực thế, hộ kinh doanh chỉ được nhắc đến trong một văn bản ở cấp nghị định, nhưng lại không được quy định rõ ràng về địa vị pháp lý trong nền kinh tế, kéo theo sự không rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm. Sự rủi ro khá lớn về mặt pháp lý đó đang cản trở cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh, mở rộng đối tác, nhất là các đối tác nước ngoài của khu vực này. Không ít hộ kinh doanh còn lợi dụng sự mập mờ này để kiếm lợi.

Ở thế gần như ngược lại, khu vực doanh nghiệp nhà nước lại đang rơi vào tình trạng hoạt động không thực sự như một doanh nghiệp, với quá nhiều tầng nấc quản lý, song hiệu lực quản lý lại kém do hành chính hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, thiếu kỷ luật thị trường và các mục tiêu hoạt động cụ thể... Trong tình thế như vậy, ao ước được hoạt động như doanh nghiệp tư nhân của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không phải không có cơ sở. Hệ lụy là nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ cùng lượng tài sản không nhỏ của Nhà nước trong tay khu vực doanh nghiệp nhà nước đã không phát huy hết lợi ích có thể tạo ra cho nhà đầu tư, xã hội và nền kinh tế.

Nếu để tình trạng không rõ ràng về pháp lý trên kéo dài thêm, thì sự lãng phí không chỉ ở nguồn lực bằng tiền, tài sản, cơ hội kinh doanh, mà sức sáng tạo và tinh thần kinh doanh sẽ thiếu nền tảng để phát triển cùng xu thế mới của nền kinh tế, của hội nhập toàn cầu.

Tin bài liên quan