Nhựa Tiền Phong là một trong 5 doanh nghiệp trên thế giới sở hữu dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE cỡ lớn HDPE DN 2000

Nhựa Tiền Phong là một trong 5 doanh nghiệp trên thế giới sở hữu dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE cỡ lớn HDPE DN 2000

Định vị chiến lược phát triển bền vững của Nhựa Tiền Phong

(ĐTCK) Tìm kiếm và tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, ưu việt về tính năng và tuổi thọ song song với việc tái cấu trúc và áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả là những giải pháp quan trọng mà Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) sẽ triển khai trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Liên tục đổi mới

Tham quan trụ sở chính của Nhựa Tiền Phong tại quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, thấy được hệ thống trang thiết bị, máy móc tiên tiến đang được đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề của Công ty vận hành, khai thác, người viết thầm nghĩ, những sản phẩm chất lượng cao của những dây chuyền hiện đại này được đưa đến mọi miền của đất nước, sử dụng trong các công trình, dự án cấp thoát nước mang lại độ ổn định, bền vững cho mọi công trình và chắc hẳn sẽ không có chuyện ồn ào như vỡ đường ống nước Sông Đà.

Theo đại diện Công ty chia sẻ thì Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên trong nước và là một trong hai nhà sản xuất đầu tiên ở châu Á đầu tư và sở hữu dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE cỡ lớn HDPE DN 2000. Hiện trên thế giới mới chỉ có 5 dây chuyền sử dụng công nghệ hiện đại này.

Đó chỉ là một ví dụ về sự đổi mới liên tục ở Nhựa Tiền Phong trong những năm gần đây. Bên cạnh các sản phẩm từ nhựa PVC dùng trong xây dựng và dân dụng, vốn được xem là thế mạnh truyền thống, Nhựa Tiền Phong đã cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm mới, với tính đột phá và được thị trường đón nhận, đánh giá cao. Chẳng hạn, ống MPVC với trọng lượng nhẹ, độ thông thủy lớn, tính năng siêu bền, chịu được lực va đập gấp 50 lần ống uPVC thông thường; ống PP-R 2 lớp, chịu nhiệt lên đến 95 độ C, chống tác động tia UV, khắc phục nhược điểm bị phôi hóa và tăng tuổi thọ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; hay mới đây là dòng sản phẩm nhựa sử dụng trong hố ga tại các khu đô thị mới…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong cho biết, tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, ưu việt về tính năng và tuổi thọ, không tập trung cạnh tranh về giá thành là chiến lược mà Nhựa Tiền Phong sẽ theo đuổi và triển khai trong thời gian tới. Hiện nay, Công ty đang đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Sekisui Chemical (Nhật Bản) để nghiên cứu, sản xuất các hố ga thông minh, công nghệ cao, sử dụng trong các dự án hạ tầng, xây dựng dân dụng, mà hiện các nhà thầu và chủ đầu tư trong nước thường phải nhập khẩu.

Một chuyển động rõ nét khác của Nhựa Tiền Phong là chính sách linh hoạt, nhanh nhạy với thị trường trong phân phối sản phẩm. Trong 2 năm gần đây, ngành nhựa xây dựng khá ồn ào với những câu chuyện về cạnh tranh, về những “đòn đánh dưới thắt lưng”, đua nhau tăng chiết khấu… để giành giật thị phần và giữ vững thị phần. Có những tên tuổi lớn trên thị trường đã phải mạnh tay tăng chiết khấu cho đại lý nhưng kết cục vẫn bị giảm sút về thị phần. Nhựa Tiền Phong lại chọn một lối đi, một cách làm khác biệt, đó là đa dạng hóa chính sách chăm sóc, quan tâm tới lợi ích và nhu cầu của nhà phân phối, khuyến khích sự gắn bó dài hạn và nỗ lực bán hàng.

Việc quản trị dòng tiền cũng được Công ty đặc biệt quan tâm nên đã cải thiện rõ rệt tình trạng hàng tồn kho, đẩy nhanh vòng quay vốn. Thương hiệu Nhựa Tiền Phong ngày càng được tin tưởng, yêu mến; sản phẩm Nhựa Tiền Phong có mặt ở nhiều công trình, dự án lớn. Năm 2017, Công ty đạt doanh thu 4.157 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2016, song hiệu quả gia tăng gấp đôi với lợi nhuận trước thuế đạt gần 456 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch.

Sẵn sàng cho những “trận đánh lớn”

Ngày 23/4 tới, Nhựa Tiền Phong sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, sẽ có nhiều quyết sách lớn được trao đổi và quyết định tại cuộc họp quan trọng này. Theo đó, Nhựa Tiền Phong đặt mục tiêu tăng trưởng 8% về doanh thu và 5% về lợi nhuận, duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức tối thiểu 20%.

Nhựa Tiền Phong sẽ tiếp tục nghiên cứu ra những sản phẩm mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đón đầu nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngày càng chọn lọc của thị trường. Công ty sẽ tập trung khai thác các không gian kinh doanh mới để gia tăng công suất và năng lực sản xuất tại các nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương và Vientiane (Lào).

Nhiều cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường quan tâm đến việc Nhà nước có chủ trương thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong và tỏ ra e ngại về sự xáo trộn có thể diễn ra trong cơ cấu cổ đông, tạo ra những tác động khó lường trong quản trị và hoạt động doanh nghiệp. Về vấn đề này, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong cho biết, sự đoàn kết, đồng lòng, được dẫn dắt bởi chiến lược đúng hướng, dựa trên khát vọng xây dựng và bảo vệ một thương hiệu Việt có bề dày lịch sử, sẽ là kim chỉ nam để Nhựa Tiền Phong luôn vững vàng và phát tiển bền vững trên hành trình mới.

Tin bài liên quan