DN “chuyển cách” huy động vốn

DN “chuyển cách” huy động vốn

(ĐTCK) Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và sự sụt giảm của TTCK, buộc các DN niêm yết phải "chuyển cách" huy động vốn: Từ thị trường sang nội bộ.

Theo cách hiểu thông thường, DN thực hiện phát hành cổ phiếu là để huy động thêm nguồn vốn mới, nhưng thống kê 6 tháng đầu năm nay lại cho thấy một kết quả khác: 80% số đợt phát hành của DN không nhằm mục đích… thu tiền, mà là thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Bối cảnh nền kinh tế khó khăn, giá cổ phiếu suy giảm và tâm trạng nhà đầu tư thận trọng, không dễ chi tiền mua cổ phiếu mới, là những lý do khiến các DN niêm yết phải “chuyển cách” huy động vốn qua TTCK: từ huy động vốn mới ngoài thị trường sang huy động vốn hoặc điều chuyển vốn từ chính nội bộ cổ đông/DN mình.

 

Khoảng 80% đợt phát hành của DN là không thu tiền

Theo thống kê chưa đầy đủ của Đầu tư Chứng khoán, 6 tháng đầu năm, toàn thị trường có khoảng 60 DN thực hiện chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu, trong đó, gần 50 đợt phát hành DN không thu tiền mới, chỉ có 13 DN phát hành thu tiền (2 DN vừa phát hành cổ phiếu thưởng, vừa chào bán cổ phiếu huy động vốn). Trong số 13 DN này, hiện có 7 trường hợp DN đã công bố phát hành thành công, thu về khoảng gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, thương vụ lớn nhất chính là đợt phát hành cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) với 270 triệu cổ phiếu phát hành thành công (bao gồm 160 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 100 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho Viettel). Nếu bỏ MBB ra khỏi dữ liệu thống kê, thì số tiền DN phát hành được cổ phiếu để thu về thêm nguồn tiền mới thông qua TTCK là rất khiêm tốn.

Ngoài MBB, các trường hợp phát hành thành công như CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) thu về hơn 20 tỷ đồng, CTCP Than Vàng Danh (TVD) thu về 71 tỷ đồng… đều có một đặc điểm chung là DN kinh doanh hiệu quả, có thị giá lớn hơn mệnh giá và tổng giá trị phát hành nhỏ. Ngay trường hợp CTCP Viglacera Đông Triều (DTC), để phát hành thành công số cổ phần chào bán, Công ty cũng phải cầu viện đến sự hỗ trợ của Tổng công ty Viglacera, mua nốt hơn 651.000 cổ phiếu bị NĐT từ chối mua.

Ở diễn biến ngược lại, lượng các DN chia cổ tức bằng tiền mặt lại diễn ra khá phổ biến trong nửa đầu năm. Riêng tiền trả cổ tức tại các NHTM niêm yết cũng đã lên tới… hơn 4.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể dòng tiền chi cổ tức của nhiều DN niêm yết khác. Dòng tiền ra ở những DN có tiềm lực tài chính tốt vẫn có, nhưng dòng tiền vào ở những DN khát vốn lại ngày càng eo hẹp hơn. Nhiều lãnh đạo DN đã phải gác lại kế hoạch huy động vốn đã có từ 2 -3 năm trước, bởi diễn biến TTCK suy giảm, đẩy giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, đã dập tắt nhiều kế hoạch phát hành. Thay vào đó, DN phải chọn cách phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ… hoặc là để thực hiện nghĩa vụ trả cổ tức, hoặc là cố gạn đồng vốn mới từ “người trong nhà” trong bối cảnh tìm vốn từ TTCK khó khả thi.

 

Kênh huy động vốn cho Ngân sách phát huy hiệu quả

Nếu chức năng tạo kênh huy động vốn cho các DN trên TTCK 6 tháng qua là quá mờ nhạt, thì khả năng huy động vốn cho ngân sách qua TTCK lại đang có những kết quả khả quan. Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm nay, qua hệ thống đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) tại HNX, TTCK đã huy động được 82.554 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Con số này lớn hơn tổng số vốn huy động qua trái TPCP năm 2011 (81.715 tỷ đồng). Lãi suất đấu thầu trong vài năm trở lại đây có mặt bằng thấp hơn lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng (thấp hơn từ 1 - 2%), đã và đang góp phần giảm gánh nặng trả nợ cho ngân sách nhà nước.

Hoạt động đấu thầu TPCP tại HNX trước đây chưa có lịch biểu định kỳ, nhưng từ 2009, hoạt động đấu thầu TPCP tại HNX đã được tổ chức định kỳ, đều đặn, theo một lịch biểu rõ ràng, được công khai thông báo trên thị trường, tạo sự minh bạch của thị trường, cũng như giúp thành viên chủ động bố trí vốn và phương án đầu tư. Hiện thị trường trái phiếu có gần 90 thành viên đấu thầu, chủ yếu là các ngân hàng thương mại và khối công ty chứng khoán lớn. Các thành viên này tham gia thị trường TPCP để tìm kiếm cơ hội đầu tư vốn an toàn và góp phần điều tiết nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế.