DN tắc nhất là phát hành riêng lẻ

DN tắc nhất là phát hành riêng lẻ

(ĐTCK) Ngày 2/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức Hội thảo Tập huấn các văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK, nhưng khép lại Hội thảo vẫn còn rất nhiều câu hỏi của DN chờ được giải đáp, trong đó vấn đề nổi cộm là phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

DN tắc nhất là phát hành riêng lẻ ảnh 1Các công ty chưa đại chúng bị các sở kế hoạch và đầu tư từ chối cấp phép phát hành riêng lẻ vì... chưa có văn bản hướng dẫn

 

Đại diện một DN đặt câu hỏi, theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, các công ty chưa đại chúng chỉ có thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ, còn công ty đại chúng mới được phát hành cổ phiếu ra công chúng. Tuy nhiên, DN này hiện có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, nhưng lại có trên 100 cổ đông, tạm gọi là DN “nửa nọ nửa kia”, vậy được xếp vào loại DN đại chúng hay không đại chúng? Trường hợp DN muốn phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (phát hành cho trên 100 người) thì có được pháp luật cho phép hay không?

Trước tình huống DN đặt ra, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK khẳng định, với mô hình DN như trên, công ty chưa đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng, vì vậy, việc phát hành cổ phiếu cho tất cả các cổ đông (trên 100 người) là không được phép và điều này đã được quy định cứng trong luật. Tuy nhiên, câu trả lời từ UBCK khiến DN chưa thật thỏa mãn do đại diện DN cho rằng, khi tất cả các cổ đông hiện hữu của DN đều sẵn sàng mua thêm cổ phiếu thì tại sao quy định pháp luật lại “bó cứng”, không cho DN được phát hành theo cách này?

Cũng liên quan đến phát hành riêng lẻ, đại diện CTCP Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, sau khi Nghị định 01/2010/NĐ-CP và Nghị định 58/2012/NĐ-CP ra đời, đã gây khó khăn cho các công ty chưa đại chúng trong việc huy động vốn, trong đó có các đơn vị thành viên của CMC. Cụ thể là từ năm 2010 đến nay, khi Nghị định 01 có hiệu lực, một số DN thành viên của CMC chưa phải là công ty đại chúng, khi phát hành cổ phiếu để tăng vốn đã không được sự chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (Phòng Đăng ký kinh doanh). Theo đại diện CMC, ngoài các đơn vị thành viên của Tập đoàn này, nhiều DN không thuộc diện công ty đại chúng khác cũng bị tắc thủ tục phát hành cổ phiếu khi xin phép Sở Kế hoạch và Đầu tư, do cơ quan này viện dẫn là chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Về vấn đề này, ông Hải cho biết Nghị định 58 quy định rất rõ về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và xử lý việc phát hành riêng lẻ của DN. Cụ thể, Bộ Tài chính quản lý việc phát hành riêng lẻ của các DN bảo hiểm không phải là công ty đại chúng; Ngân hàng Nhà nước quản lý phát hành riêng lẻ của các tổ chức tín dụng; UBCK quản lý việc phát hành riêng lẻ của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng; Sở kế hoạch và đầu tư quản lý việc phát hành riêng lẻ của công ty chưa đại chúng trên địa bàn. Nay DN phản ánh bị tắc phát hành riêng lẻ do Sở không chấp thuận hồ sơ phát hành thì phải làm việc lại ở cấp Sở. Theo ông Hải, Nghị định 58 do Chính phủ ban hành đã dựa trên nhiều căn cứ pháp lý, bản thân UBCK cho đến nay không nhận được văn bản nào cấp Sở yêu cầu hướng dẫn thêm, nên không nhất thiết phải có thêm một thông tư hướng dẫn nữa mới có thể thi hành được Nghị định. Việc Sở viện dẫn không có văn bản hướng dẫn Nghị định để không thông qua hồ sơ phát hành riêng lẻ của các DN là không hợp lý.

Vì bị tắc kênh phát hành riêng lẻ, một số DN “cực chẳng đã” phải lách luật, để thực hiện huy động vốn theo đường vòng. Đại diện CMC chia sẻ, có DN thành viên đã phải phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trước, sau đó cổ đông hiện hữu lại bán số cổ phiếu mới mua cho nhà đầu tư thực sự có nhu cầu (là đối tượng dự kiến mua theo phương thức phát hành riêng lẻ nhưng không được). Việc này vừa làm mất thời gian của DN, vừa buộc DN phải lách luật một cách không mong muốn.

Một thắc mắc khác của DN là quy định về sáp nhập. Theo đó, Nghị định 58 đã quy định về việc sáp nhập DN đối với công ty đại chúng, mà chưa có quy định cụ thể đối với công ty chưa đại chúng. Điều này cũng khiến CMC bị vướng khi trong kế hoạch, sẽ có 2 đơn vị thành viên của CMC chưa là công ty đại chúng phải thực hiện sáp nhập. “Nếu lên hỏi Sở Kế hoạch và Đầu tư, rất có thể chúng tôi lại được nhận câu trả lời là phải chờ 2 năm nữa, bởi hiện tại Nghị định 58 không có hướng dẫn các DN chưa đại chúng sáp nhập”, đại diện CMC nói và đặt câu hỏi: lỗ hổng pháp lý này do Nghị định chưa hoàn thiện, hay do cơ quan soạn thảo cố tình bỏ qua không hướng dẫn DN? Câu hỏi này của DN vẫn đang chờ câu trả lời chính thức từ các cơ quan quản lý. 

Trước những thắc mắc của DN về phát hành riêng lẻ, bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCK chia sẻ, UBCK rất thấu hiểu các vướng mắc của DN. Hiện nay, việc phát hành riêng lẻ đối với công ty đại chúng được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán và các quy định của Bộ Tài chính. UBCK chỉ có thể trả lời DN trong phạm vi phát hành riêng lẻ đối với công ty đại chúng, còn việc phát hành của công ty chưa đại chúng thì chịu sự điều hành của cơ quan có thẩm quyền là các sở kế hoạch và đầu tư. Vì vậy, UBCK ghi nhận và sẽ cùng DN góp tiếng nói đến các cơ quan chức năng, để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, giúp DN tháo gỡ khó khăn trên.

Hội thảo kết thúc muộn hơn dự kiến nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi DN muốn được UBCK giải đáp. Thay mặt UBCK, bà Liên Hoa khẳng định, UBCK sẽ tập hợp lại toàn bộ câu hỏi mà các DN đã đưa ra tại Hội thảo và sẽ có câu trả lời trong thời gian sớm nhất trên website của Ủy ban (www.ssc.gov.vn).