Nhu cầu tiêu thụ hàng công nghệ dự báo khó duy trì như năm 2021.

Nhu cầu tiêu thụ hàng công nghệ dự báo khó duy trì như năm 2021.

Doanh nghiệp bán lẻ khó duy trì tăng trưởng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm hưởng lợi từ nhu cầu đột biến trong đại dịch, việc duy trì đà tăng trưởng cao của các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp thách thức lớn.

Tăng trưởng lập đỉnh

Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liên quan tới tốc độ tiêu thụ sản phẩm công nghệ trong thời gian tới.

Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail cho biết, khi đại dịch diễn ra, sự chuyển dịch sang môi trường học tập và làm việc online đã thúc đẩy việc mua sắm trang thiết bị điện tử, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các thiết bị này. FPT Retail đã khai thác tốt nguồn hàng hoá, logistic, vận hành để đưa hàng đến tay người tiêu dùng…

Năm 2022, đại dịch dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục trở lại, tiêu thụ các sản phẩm công nghệ chắc chắc sẽ có sự suy giảm so với đỉnh cao năm 2021.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, xét về trung và dài hạn, Công ty vẫn thấy cơ hội phát triển, bởi mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, nghĩa là 1 triệu trẻ em đến trường, 200.000 sinh viên vào đại học, nhu cầu tiêu thụ máy tính rất lớn.

Thực tế, dù trở lại trạng thái bình thường, song nhu cầu sử dụng dịch vụ online vẫn được duy trì. Ngoài ra, vòng đời sản phẩm các thiết bị máy tính, điện thoại chỉ khoảng 2 - 3 năm, cùng lắm là 4 năm. Như vậy, chu kỳ mua sắm mới sẽ lặp lại từ năm 2023 - 2024.

FPT Retail chỉ là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ đồ công nghệ, bên cạnh các tên tuổi như Thế giới Di động (mã MWG), Petrosetco (mã PET), Digiworld (mã DGW) đang niêm yết trên sàn. Năm qua, các doanh nghiệp này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhờ hưởng lợi từ nhu cầu mua sắm máy tính, điện thoại gia tăng đột biến.

Tại FPT Retail, năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 53%, lên 22.495 tỷ đồng; lợi nhuận gấp 19,5 lần, lên 554 tỷ đồng. Trong đó, chuỗi FPTShop - chuyên bán lẻ thiết bị công nghệ - đóng góp 82% tổng doanh thu; chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp 18%. Được biết, năm 2021 cũng là năm đầu tiên chuỗi Long Châu bắt đầu có lãi nhẹ.

Tương tự, năm qua, Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) ghi nhận doanh thu tăng 13%, lên 122.958 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 25%, lên 4.901 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng mạnh của Công ty đến từ việc chuỗi cửa hàng Thế giới Di động (bán hàng công nghệ, điện tử) và chuỗi Bách Hoá Xanh (phân phối thực phẩm) đều hưởng lợi trong đại dịch.

Tốc độ tăng trưởng của MWG đang có dấu hiệu chậm lại trong 2 tháng đầu năm 2022.

Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của MWG đang có dấu hiệu chậm lại trong 2 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, trong thời gian này, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 17% lên 25.383 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 8% lên 1.077 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021.

Thế giới Di động đặt kế hoạch tạm ngưng mở mới chuỗi Bách Hóa Xanh trong năm 2022 để tập trung hoàn thiện nền tảng vận hành. Đây là chuỗi hưởng lợi khi giãn cách xã hội trong năm 2021, nhưng đồng thời cũng có nhiều tai tiếng về vận hành, giá bán. Sau đại dịch, Công ty liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm mục đích lôi kéo khách hàng trở lại.

Tương tự, đối với Petrosetco và Digiworld, hai nhà phân phối sản phẩm công nghệ, điện tử đều gặt hái được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021 nhờ nhu cầu tăng cao. Trong đó, tại Petrosetco, năm 2021, ghi nhận doanh thu tăng 30,8% lên 17.598,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 122,2% lên 311,5 tỷ đồng. Công ty lý giải, việc Công ty phân phối các sản phẩm Apple từ tháng 6/2020 và Garmin từ tháng 1/2021 làm cho doanh thu và lợi nhuận năm qua tăng trưởng mạnh.

Tại Digiworld, năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 66,9% lên 20.922,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 145%, lên 654,9 tỷ đồng. Digiworld cho biết, năm qua, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng tăng trưởng ấn tượng 81% nhờ vào nhu cầu làm việc và học tập tại nhà tăng cao do dịch Covid-19 và sự đóng góp doanh thu từ các sản phẩm của nhãn hàng Apple và Huawei.

Mảng điện thoại di động tăng trưởng 54% nhờ sự tiếp tục gia tăng của thị phần Xiaomi và doanh thu từ phân phối các dòng iPhone của Apple. Mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 85% nhờ vào việc thêm mới nhiều nhãn hàng trong năm…

Nhìn chung, nhờ nhu cầu gia tăng đột biến, các công ty bán lẻ và phân phối sản phẩm công nghệ, điện tử đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Tuy nhiên, sau một năm tăng trưởng đột biến, bài toán giữ được doanh số cao như năm trước đang là vấn đề mà các công ty này phải đối mặt.

Định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn

Giai đoạn đầu tháng 4, dù thị trường chung điều chỉnh, song nhiều cổ phiếu trong nhóm bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ thiết bị công nghệ vẫn có cuộc lội ngược dòng. Tuy nhiên, những phiên gần đây, nhóm này cũng có sự điều chỉnh.

Tính tới ngày 5/5/2022, định giá P/E của nhóm cổ phiếu bán lẻ ở vùng 18,04 lần, giảm mạnh so với mức 23,64 lần vào thời điểm 19/4/2022. P/E của nhóm này vẫn cao hơn 22% so với định giá của chỉ số VN-Index (14,8 lần).

Trong đó, cổ phiếu FRT đang giao dịch vùng định giá 20,86 lần. Xét theo dữ liệu định giá ngành bán lẻ trong quá khứ, định giá P/E thường dao động từ 18 - 22 lần. Trong đó, nếu giao dịch 22 lần là định giá cao và định giá 18-19 lần là bình thường.

Tuy vậy, cần lưu ý, định giá P/E hiện tại chủ yếu được tính trên dữ liệu EPS của năm 2021. Nếu năm nay, nhu cầu mua sản phẩm công nghệ mới suy giảm như thừa nhận của lãnh đạo FPT Retail thì đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bán lẻ công nghệ khó được duy trì, thậm chí lợi nhuận suy giảm. Điều này kéo theo EPS giảm, từ đó làm tăng định giá P/E lên, dẫn tới nhóm cổ phiếu này kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Nhìn chung, sau một năm hưởng lợi và có kết quả kinh doanh khả quan, nhóm cổ phiếu bán lẻ, phân phối đồ công nghệ, điện tử đang giao dịch vùng định giá cao trong nhiều năm trở lại đây.

Tin bài liên quan