Nhu cầu các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang ở mức thấp.

Nhu cầu các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang ở mức thấp.

Doanh nghiệp bán lẻ tự tin với kế hoạch năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận nửa đầu năm có thể tăng trưởng âm, nhưng kế hoạch cả năm 2023 được một số doanh nghiệp ngành bán lẻ đề ra mức tăng trưởng 2 con số.

Sức cầu đầu năm giảm

Khởi động năm mới 2023, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) chọn chủ đề “Lửa thử vàng” với ngụ ý một năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội để tôi luyện, rắn rỏi hơn, bộc lộ những giá trị tốt hơn. Lửa như yếu tố chuyển hóa không thể thiếu, biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành cơ hội.

Khó khăn đã được nhìn nhận và phân tích ngay từ đầu năm. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Digiworld cho biết, sức mua thị trường giảm cộng với nền tăng trưởng cao năm 2022 có thể khiến kết quả kinh doanh quý I của Digiworld sụt giảm so với cùng kỳ.

Quý I/2023, Digiworld đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng. Với kế hoạch này, doanh thu quý đầu năm 2023 của Digiworld chiếm 16% kế hoạch cả năm, giảm so với mức 20% của quý I năm ngoái; lợi nhuận sau thuế giảm 38% (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 210 tỷ đồng). Hiện Digiworld đã đi được nửa quãng đường quý I và tình hình đang diễn ra như dự báo.

Ông Việt cho rằng, nhu cầu các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang ở mức thấp, bởi hai lý do chính. Thứ nhất, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 trước đây, các sản phẩm ICT bán rất chạy và chưa đến chu kỳ thay mới. Thứ hai, kinh tế có dấu hiệu suy giảm, khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu.

“Trong quý I và II/2023, Công ty dự kiến kinh doanh khó khăn. Chúng tôi kỳ vọng, nửa cuối năm 2023 sẽ tốt hơn”, ông Việt nói.

“Kinh tế thế giới sẽ phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng và thu nhập của người dân được cải thiện, kéo theo sức mua gia tăng”, ông Việt kỳ vọng vào sức bật nửa cuối năm 2023.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành bán lẻ là Công ty cổ Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) nhận định, tình hình vĩ mô năm 2023 không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn.

Trong quý IV/2022, mặc dù có yếu tố kích cầu là dịp Tết Nguyên đán, nhưng nhiều mặt hàng của MWG không đạt doanh số đề ra. Tình trạng kinh doanh ảm đạm kéo dài sang quý I/2023, khiến MWG phải tính đến việc “xả hàng” để giảm tồn kho.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị MWG, năm 2023 là năm không thật sự khả quan, nhất là hai quý đầu năm. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, “miếng bánh” của thị trường không nở ra thêm, thì để tăng trưởng, MWG chỉ có thể lấy thị phần từ các đối thủ.

Kế hoạch 2023 tăng trưởng

Dù lo ngại sức mua giảm, nhưng năm 2023, MWG đặt mục tiêu đạt doanh thu 135.000 - 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 4.200 - 4.700 tỷ đồng. Nếu đạt con số tối đa theo kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận của Công ty sẽ tăng trưởng lần lượt 12% và 15% so với mức thực hiện năm 2022 (103.405 tỷ đồng doanh thu và 4.100 tỷ đồng lãi sau thuế).

MWG kỳ vọng vào hai chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số, đóng góp 75 - 80% tổng doanh thu.

Kế hoạch kinh doanh năm nay của MWG được xây dựng dựa trên giả định hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ tích cực hơn từ giữa quý III, hoặc từ quý IV. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tập trung kiểm soát chi phí chặt chẽ, kiểm soát tồn kho hiệu quả và giảm chi phí tài chính.

Tương tự, Digiworld đặt mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2023 tăng trưởng 2 con số: doanh thu 25.109 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế 787 tỷ đồng, tăng 15%.

Kế hoạch tăng trưởng 15% về lợi nhuận được Digiworld xây dựng dựa trên những hợp đồng mới đã ký kết, cũng như dự báo nhu cầu cho sản phẩm đang kinh doanh sẽ được cải thiện trong 2 quý cuối năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt gần 5,68 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021, nhưng mới chỉ bằng khoảng 82% quy mô trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Ông Đoàn Hồng Việt chia sẻ, động lực tăng trưởng năm nay là ngành hàng tiêu dùng, dự kiến có tốc độ tăng trưởng cao nhất, còn xét về con số tăng trưởng tuyệt đối thì đó là mặt hàng điện thoại, trong bối cảnh Công ty có thêm nhiều sản phẩm mới và Apple tiếp tục thúc đẩy việc gia tăng thị phần ở Việt Nam.

Trong năm 2023, Digiworld sẽ bổ sung một sản phẩm điện thoại di động mới và một sản phẩm thiết bị gia dụng mới trong danh mục kinh doanh. Đồng thời, Công ty sẽ lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực phân phối dược phẩm, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm tốp đầu tại Việt Nam. Hiện Digiworld đã có được giấy phép phân phối dược phẩm và thiết bị y tế. Năm nay, Công ty cũng sẽ đẩy mạnh phân phối bia, rượu trong ngành hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, lãnh đạo Digiworld cho hay, cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A) trong mảng ICT và hàng tiêu dùng đang mở ra nhiều hơn, bởi các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn, còn các doanh nghiệp có tài chính tốt, quản trị tốt sẽ có lợi thế. Digiworld có thể sẽ bứt tốc từ hoạt động M&A.

Tại Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT), khi sức cầu trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ suy giảm, thì bán lẻ dược phẩm với độ phủ sóng mạnh mẽ thời gian qua, cụ thể là chuỗi nhà thuốc Long Châu, được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh năm 2023.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail nhận định, thị trường bán lẻ năm 2023 sẽ có diễn biến khó lường, khó khăn có thể kéo dài đến giữa năm, thậm chí là hết năm. Với tình hình đó, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Do đó, tình hình kinh doanh của chuỗi ICT sẽ gặp khó khăn, còn chuỗi dược phẩm ít bị ảnh hưởng hơn. Với chuỗi FPT Shop, nhóm sản phẩm gia dụng đang mang lại tín hiệu khả quan.

Bà Điệp cho biết, việc đưa hàng gia dụng vào các cửa hàng hiện hữu giúp tăng doanh thu trên cửa hàng và cải thiện biên lãi gộp của chuỗi FPT Shop. Gia dụng sẽ tiếp tục là ngành hàng được FPT Shop tập trung mở rộng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ làm việc với các đối tác trong lĩnh vực tài chính để có được những gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng như trả góp không lãi suất hoặc lãi suất thấp, trả chậm…, nhằm kích cầu.

Ngoài ra, FPT Retail tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động của cả 2 chuỗi FPT Shop và FPT Long Châu, nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng.

“FPT Long Châu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của FPT Retail trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến mở thêm 400 - 500 cửa hàng trong năm 2023”, bà Điệp nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, cùng với đó là ngành vận tải, lưu trú phục hồi sẽ thúc đẩy ngành bán lẻ đi lên. Kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng trong nửa cuối năm, nhưng các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc cắt giảm chi phí để cải thiện biên lợi nhuận.

Không ít tập đoàn bán lẻ lớn công bố sẽ gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, Central Retail (Thái Lan) dự kiến rót thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, mở rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố lên 55 tỉnh, thành phố; Aeon (Nhật Bản) lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, đồng thời ra mắt các mô hình bán lẻ mới.

Tin bài liên quan