Vinhomes, Novaland, TCH... đang đẩy mạnh triển khai các dự án bất động sản.

Vinhomes, Novaland, TCH... đang đẩy mạnh triển khai các dự án bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản tăng tốc phát triển dự án với lợi thế tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng đang bị siết chặt, lợi thế về tiền mặt giúp doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn trong các kế hoạch phát triển kinh doanh.

Tiền mặt tốt = chiếm ưu thế

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát, mã chứng khoán HPG) là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất thị trường chứng khoán tuần qua, với phát ngôn được đánh giá là “thật không thể thật hơn được nữa” của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long khi nói về viễn cảnh khó khăn trong giai đoạn sắp tới.

Từ chối đáp ứng đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30 - 40%, hạ thấp chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm nay khi đánh giá thị trường thép đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, nhưng ông Long cho rằng, các cổ đông nên đặt niềm tin dài hạn vào cổ phiếu HPG.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HPG đã giảm sâu trong thời gian vừa qua, dù theo không ít nhà đầu tư, nếu Hòa Phát đẩy mạnh phát triển mảng bất động sản thì với quỹ tiền mặt lớn (tính đến cuối tháng 3/2022, Hòa Phát có hơn 19.000 tỷ đồng tiền mặt, trong khi một khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán thể hiện nội lực doanh nghiệp là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 50.000 tỷ đồng) cùng những thành công trong quá khứ ở một số dự án thì Công ty có thể xác lập vị trí Top 3 trong lĩnh vực bất động sản.

Thực tế, hơn 10 năm qua, Hòa Phát duy trì mảng bất động sản, tuy nhiên, mảng này chỉ đóng góp từ 1 - 10% trong tổng doanh thu mỗi năm. Hai năm trở lại đây, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng mảng bất động sản với việc gia tăng vốn góp ở các công ty con cũng như tích lũy thêm quỹ đất.

Tuy nhiên, như quan điểm thận trọng mà ông Long đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, hướng đi sắp tới với Hòa Phát là tham gia đấu thầu, phát triển dự án bất động sản tại các địa phương, từ đó tham gia đầu tư từ đầu. Công ty có tiền nên không chịu áp lực về tài chính trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị siết.

Tại Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán VHM), tính đến cuối quý I/2022, Công ty có hơn 5.600 tỷ đồng tiền mặt, gần 84.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đây được xem là lợi thế hàng đầu của doanh nghiệp trong việc chủ động thâu tóm quỹ đất hoặc chủ động triển khai các dự án theo “ý mình”, mà không phải lo lắng nhiều về vấn đề tài chính.

Cụ thể, ngay sau khi mua lại và được cấp phép triển khai dự án Khu đô thị Đại An tại Hưng Yên, với nguồn tiền có sẵn, dự án ngay lập tức được Vinhomes tăng tốc triển khai, nhanh chóng ra mắt thị trường, đồng thời trở thành điểm “nóng” thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong suốt 2 tháng vừa qua. Sức “nóng” không chỉ thể hiện ở số lượng sàn giao dịch tham gia phân phối, số lượng nhà đầu tư đến khảo sát, mà còn ở lượng giao dịch lớn được thiết lập (gần như chiếm toàn bộ lượng giao dịch toàn miền Bắc trong tháng 4 và 5/2022).

Trước đó, 3 đại đô thị Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội), Vinhomes Ocean Mart (Long Biên, Hà Nội) và Vinhomes Grand Park (quận 9, TP.HCM) xác lập vị thế các dự án bán chạy nhất trong gần 2 năm vừa qua. Tiến độ triển khai vượt trội so với mặt bằng chung cùng việc “thoải mái” cân đối trong phát triển hạ tầng tiện ích, sản phẩm của các dự án dễ dàng được người dân hoặc nhà đầu tư chấp nhận, dù mặt bằng giá chào bán lần đầu ra ngoài thị trường được đánh giá không hề thấp.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang nằm trong Top nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn (Đơn vị: nghìn tỷ đồng).

Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang nằm trong Top nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn

(Đơn vị: nghìn tỷ đồng).

Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) cũng có quỹ tiền mặt dồi dào với hơn 17.700 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 12.000 tỷ đồng.

Quỹ tiền mặt chủ động cùng cơ cấu tài chính ổn định nhờ dòng vốn vay giá rẻ huy động được trong các đợt phát hành trái phiếu quốc tế, Novaland đang đẩy mạnh chiến lược phát triển đa ngành và nâng tầm ở cả mảng dịch vụ, giải trí.

Hệ sinh thái của Novaland, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, đã được bổ sung dự án Novaworld Hồ Tràm và quỹ đất tiếp tục mở rộng. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này hồi giữa tháng 3/2022, quỹ đất hiện có của Novaland là 10.600 ha, gấp đôi so với đầu năm 2021 chỉ trong thời gian ngắn, trong đó doanh nghiệp thâu tóm “đất vàng” ở nhiều khu vực trọng điểm, có sự đầu tư vượt bậc về hạ tầng giao thông như các tuyến cao tốc và cảng hàng không.

Trong năm 2022, Novaland sẽ ra mắt đồng loạt 3 dự án lớn: Novaworld Lăng Cô, quy mô 280 ha; Novaworld Nha Trang, quy mô 600 ha; Novaworld Mũi Né, quy mô 700 ha.

Cổ phiếu có khả năng hưởng lợi

Trong bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới lưu ý, Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 của Việt Nam tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với 1 năm trước. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, CPI nhiều khả năng sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu (cũng như lãi suất ngân hàng) dần tăng lên.

“Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn, với các cấp có thẩm quyền đóng vai trò cung cấp các ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao năng suất và tổng cung. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi”, chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán TCH) cho thấy, tính đến 31/3/2022, TCH có quỹ tiền mặt hơn 2.000 tỷ đồng, cao hàng đầu trong các doanh nghiệp bất động sản “nhóm 2”.

Công ty đang xúc tiến một số dự án quy mô lớn như Hoang Huy New City (diện tích 65 ha, tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng), Hoang Huy Green River (diện tích trên 70 ha, tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng)…

Tại Tổng công ty IDICO - CTCP (mã chứng khoán IDC), doanh nghiệp bất động sản công nghiệp này có hơn 4.500 tỷ đồng tiền mặt, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên 940 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2022. IDC sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê hơn 1.997 ha tại các khu công nghiệp: Phú Mỹ 2 mở rộng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Quế Võ 2 (Bắc Ninh), Cầu Nghìn (Thái Bình), Hữu Thạnh (Long An).

Đáng chú ý, IDC đã giải phóng mặt bằng hơn 90% tại Khu công nghiệp Hữu Thạnh (Long An), đem lại nguồn cung cho thuê khoảng 373 ha. Công ty hiện có định hướng phát triển quỹ đất từ 2.000 - 3.000 ha tại các tỉnh Tiền Giang, Hải Phòng và Hưng Yên. Theo đó, quỹ đất của doanh nghiệp sẽ tăng 1.000 - 2.000 ha tại miền Bắc và 500 - 1.000 ha tại miền Nam.

Đối với Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán KBC), tính tới cuối tháng 3/2022, KBC có gần 3.100 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, hơn 5.579 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 25/5/2022, với quỹ tiền mặt lớn, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như KBC sẽ chủ động hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đặc biệt, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế hiện nay nếu được thông qua sẽ giúp tinh giảm quy trình xin cấp phép và thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản xuống còn 1 - 2 năm.

Về phân khúc bất động sản công nghiệp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, trong năm 2022, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ phục hồi khi các hợp đồng ghi nhớ (MOU) đã ký trong năm 2021 được hoàn tất.

Tin bài liên quan