Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ngập nợ

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc lâm cảnh khó khăn khi nợ chồng nợ và nhiều khoản nợ đáo hạn trong vài tháng tới.
Tổ hợp nhà ở do Evergrande xây dựng tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tổ hợp nhà ở do Evergrande xây dựng tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nợ trái phiếu sẽ dềnh lên hàng quý

Đầu tháng này, "quả bom nợ" bất động sản Trung Quốc Evergrande cuối cùng đã "phát nổ". Sự đổ vỡ của Evergrande với khoản nợ 300 tỷ USD không lập tức châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lan rộng như các nhà đầu tư quốc tế lo ngại, nhưng số nợ và hóa đơn mà ngành bất động sản phải thanh toán sẽ tăng lên trong những tháng tới.

Theo ước tính của hai nhà phân tích Ting Lu và Jing Wang từ Tập đoàn tài chính Nomura, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc phải thanh toán khoản 19,8 tỷ USD trái phiếu (phát hành bằng USD) đáo hạn ở nước ngoài trong quý I/2022 và 18,5 tỷ USD trong quý II.

Như vậy, trái phiếu mà doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc phải thanh toán trong quý I/2022 gần gấp đôi so với mức 10,2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2021.

Nếu đồng đô la Mỹ giữ ổn định ở mức 1 USD "ăn" 6,4 RMB (nhân dân tệ), các nhà phân tích Nomura cho rằng tổng giá trị trái phiếu đáo hạn (bao gồm cả trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ) sẽ lên tới 191 tỷ RMB (tương đương 29,84 tỷ USD) trong quý IV/2021, tăng lên 210 tỷ RMB trong quý I/2022 và 209 tỷ RMB trong quý II.

"Tuy nhiên, do áp lực giảm giá nhân dân tệ và chi phí đầu tư ra nước ngoài tăng cao trong bối cảnh các khoản nợ tín dụng gia tăng, chúng tôi tin rằng áp lực trả nợ đối với các nhà phát triển bất động sản (của Trung Quốc - BTV) trên thị trường trái phiếu nước ngoài có thể còn cao hơn", các nhà phân tích của Nomura nhận định.

Trong vài tuần trở lại đây, đồng nhân dân tệ đã nhích giá so với đồng bạc xanh và giao dịch quanh ngưỡng 6,37 RMB đổi 1 USD. Nhưng trong tương lai, Fitch Ratings dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu do nhu cầu của các nước đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ sụt giảm cộng với việc chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang vênh so với Mỹ. Cụ thể, Fitch dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu xuống còn 6,7 RMB đổi 1 USD vào cuối năm 2022.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoBC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm, trong khi Mỹ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu tăng tốc thu hẹp các gói kích thích kinh tế trước áp lực lạm phát tăng cao và nhiều khả năng sẽ tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022.

Thêm khoản nợ đè nặng

Ngoài việc thanh toán trái phiếu đáo hạn, lương công nhân cũng đang là gánh nặng đè lên vai các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc. Thời hạn phải thanh toán lương còn nợ lại của công nhân xây dựng tại Trung Quốc sẽ bắt đầu vào ngày 31/1/2022, thời điểm trước tết Nguyên đán.

Các nhà phân tích Nomura cho biết: "Không giống như các lĩnh vực khác, lĩnh vực xây dựng (tại Trung Quốc - BTV) thường trả phần lớn tiền lương hàng năm cho công nhân ngay trước khi kết thúc mỗi năm âm lịch".

Dựa theo kết quả cuộc khảo sát không chính thức của Nomura, khoản lương công nhân mà doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc còn nợ lại chiếm khoảng 2/3 lương hàng năm của họ. Nomura ước tính khoản tiền lương còn nợ lại này đã lên tới 1.100 tỷ RMB (172 tỷ USD).

Việc trả lương đúng hạn cho công nhân xây dựng là vấn đề đặc biệt cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp bất động sản vào lúc này bởi Bắc Kinh đang nhấn mạnh rằng việc tạo sự ổn định, bao gồm cả ổn định xã hội, là ưu tiên hàng đầu trong năm tới.

"Hành vi không thanh toán các khoản lương nợ đọng có thể bị chính quyền trung ương (Trung Quốc - BTV) và chính quyền địa phương xử phạt mạnh tay", các chuyên gia Nomura nhận định. Họ cũng cho rằng, rủi ro lớn đối với các nhà phát triển bất động sản và nhà thầy xây dựng Trung Quốc là đánh mất uy tín nếu không thanh toán nợ lương công nhân kịp thời.

Tin bài liên quan